Sonako Light Novel Wiki
Advertisement

2.[]

Đó là một ngày thứ hai tràn đầy ánh nắng của tháng năm. Tôi hướng về thư viện trường sau khi tiết sinh hoạt chủ nhiệm kết thúc. Tại Cao trung Kamiyama tôi thuộc về Cộng đồng Manga, CLB Cổ điển và Ban thủ thư. Dù chỉ có ca trực ở thư viện vào ngày thứ sáu, nhưng thứ hai được giành ra để huấn luyện những bạn thủ thư mới gia nhập hồi tháng tư nên có lẽ xếp mớ sách được trả về hôm nay là điều tối thiểu tôi có thể phụ giúp. Công việc diễn ra nhanh gọn mà không gặp trở ngại gì khiến tôi còn dư dả chút thời gian. Có lẽ qua phòng của Cộng đồng Manga là ý kiến hay, nhưng nghĩ làm sao mà rốt cuộc tôi lại đi lên tuốt tầng bốn hoang vắng của khu Chuyên Biệt, nơi có phòng sinh hoạt của CLB Cổ Điển.

Mở cánh của trượt của phòng Địa Chất, tôi ngay lập tức được chào đón bởi giọng nói vừa thân thuộc vừa tươi vui.

“Ấy dà Mayaka! Canh giờ chuẩn quá. Tới đây coi nè!”

Nhìn thấy Fuku-chan đứng giữa phòng mà vẫy tay không biết từ lúc nào tôi đã nở một nụ cười.

Tất cả thành viên năm hai đều ở đây, chỉ trừ cô bé năm nhất mới vào. Fukube Satoshi và Chitanda Eru – hay tôi vẫn thường gọi là Fuku-chan và Chi-chan – đang ngồi cạnh nhau mà nhìn vào cái gì trông như một quyển tập mỏng. Oreki thì ngồi ở đằng xa, mắt hướng ra cửa sổ với điệu bộ như vừa ăn trúng cái gì.

“Ồ, có gì vậy?”

Thae cặp trên một cái bàn gần đó tôi tiến về chỗ Chitanda. Cậu ấy liền đưa quyển tập cho tôi xem với gương mặt tươi rạng rỡ một nụ cười tươi. Mặt trước của quyển tập ghi “Kết quả cuộc thi Viết cảm nhận sách thành phố Kamiyama”

“Cái này là từ bốn năm trước rồi. Hôm qua khi dọn phòng tớ vô tình nhìn thấy, tự dưng hiếu kỳ mở ra thì lại thấy một cái tên không ngờ!” Chi-chan nói. Lướt những ngón tay thon thả qua từng trang cậu ấy cho tôi xem danh sách người đoạt giải.

Hạng nhất: “Cảm nhận của em về ‘Chú chim xanh’, tác giả Kojima Ami”

Hạng nhì: “Cảm nhận của em về ‘Người tiếp lửa’, tác giả Miyama Jirou”

Hạng ba: “Cảm nhận của em về ‘Chạy đi, Melos! [1]’, tác giả Oreki Houtarou”

Bốn năm trước nghĩa là lúc cả bọn đang học lớp bảy.

“Mayaka-san, khi đó cậu còn chung lớp với Oreki-san phải không?” Chi-chan hỏi.

Đúng thế. Vì một vận xui không nói đâu cho hết mà tôi phải chung lớp với Oreki cả Tiểu học lẫn Sơ trung. Ừ thì tôi cũng mang máng là lúc đó cậu ta được giải thưởng về cuộc thi viết gì ấy nhưng chưa bao giờ đọc. Không ngờ nó còn được lưu lại.

Melos à? Khó mà tin được Oreki lại lấy nó làm đề tài đấy.”

“Giỡn hoài Mayaka. Cậu thực sự nghĩ là Oreki sẽ chủ động chọn một câu chuyện về tình bạn keo sơn để viết á? Chắc hẳn đây là tựa đề được giáo viên phân cho chàng mà thôi,” Satoshi nói.

Suy nghĩ một hồi Chi-chan lên tiếng:

“Hồi học lớp bảy tớ khá chắc là đã bị bắt đọc ‘Vị vua bé tháng mười hai’ của nhà văn Alex Hacke trong kỳ nghỉ hè để viết bài cảm nhận đấy.”

Nhắc mới nhớ, hình như tôi cũng phải đọc cuốn đó thì phải.

Ba chúng tôi quay sang nhìn Oreki cùng một lúc. “Đương sự” quay mặt đi, rồi rốt cuộc không kìm nổi một cái thở dài trước khi quay lại mà nói:

“Đó là một trong những cuốn sách được đề xuất có sẵn ở thư viện… Với lại nó cũng ngắn.”

Ờ. Thế mới đúng là lý do chứ.

Fuku-chan cười tươi, tỏ ra đầy thoải mái.

“Mà Mayaka nè. Bài cảm nhận này hơi bị kiệt tác đó nha. Nó đã khiến tớ rơi nước mắt ấy, cậu tưởng tượng nổi không, lại là từ ngòi bút của bé Houtarou-lớp-bảy.”

Chi-chan gật đầu thêm vào: “Tớ cũng rất ấn tượng. Không bao giờ tớ có thể viết được như thế này.”

Nghe hai lời tán dương lên tận mây xanh thế này khiến tôi cũng có chút hiếu kỳ, nhưng để lịch sự có lẽ tôi nên cần sự cho phép của Oreki.

“Đây đọc được chứ?”

Dù quăng cho cái nhìn rầu rĩ và vẻ mặt hẳn là chả vui vẻ gì, cậu ta trả lời: “Nó có phải của tớ đâu mà.”

Thay vì nói trắng ra là “Tôi chả muốn cậu đọc” thì lại viện cớ đây là thông tin đại chúng à… Thề có trời là cậu chàng chả thay đổi gì cả. Tôi bèn vui vẻ nhận quyển tập mà không quên cám ơn Chi-chan một cái.

Chắc chắn bản gốc là viết tay còn trên đây là bản đánh máy lại.

Cảm nhận của em về “Chạy đi, Melos”

Oreki Houtarou

Em đã đọc “Chạy đi, Melos”. Đó là một câu truyện thú vị. Em rất vui vì Melos đã cứu được Selinuntius và cũng vì sự hồi tâm chuyển ý của vua Dionys. Em đã nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu sự hồi tâm ấy được kéo dài.

Ban đầu vốn dĩ Melos không cần chạy. Làng của anh chỉ cách cung điện có mười dặm – hay bốn mươi kilomet trong thời đại này – nên đù có đi bộ thì quá lắm cùng chỉ mất tầm mười tiếng. Lý do khiến Melos ban đầu phải chạy là để bắt mình cắt đứt quan hệ với quê nhà, nên khi đã đủ xa thì chả có gì ngăn anh không được đi bộ như bình thường cả.

Tuy nhiên, có hai lý do khiến anh phải chạy bằng mọi sức lực của mình ở phần cuối truyện. Thứ nhất là việc cây cầu bị nước cuốn trôi sau một trận mưa lớn ngày hôm trước. Lý do thứ hai, căng thẳng hơn, là việc anh bị một toán cướp truy đuổi. Dù bị bao vây tứ phía nhưng anh vẫn đủ sức đánh bại ít nhất bốn tên trong số chúng mà mở đường thoát. Em cảm thấy Melos là một người đàn ông cường tráng. Người bình thường chả đời nào làm nổi, mà có làm nổi đi nữa thì sau đó cũng đuối sức mà đi ngủ nhưng Melos thì không. Anh vẫn chạy để kịp giờ hẹn ước.

Melos chẳng mang trong mình cái gì quý giá và thậm chí anh đã khẳng định ngay từ đầu: “Tôi không mang theo thứ gì đủ để cứu mạng mình cả.” Chỉ cần nhìn thôi cũng biết. Vậy thì bọn cướp muốn điều gì? Chúng đã tự khai nhận. Khi nghe câu nói của Melos chúng đã trả lời ngay: “Bọn ta muốn cái mạng của mi đó!” Vậy là chúng đâu phải cướp? Chúng là sát thủ, dù phải thừa nhận đây là một băng sát thủ yếu xìu. Về việc ai là người ra lệnh ám sát Melos đã nói “Đó chắc chắn là lệnh vua rồi” và bọn sát thủ im lặng. Em nghĩ bọn chúng ít ra cũng có lương tâm nghề nghiệp vì đã không khai thân chủ của mình ra.

Câu hỏi ở đây là: liệu Melos có đúng trong việc cam đoan rằng chính đức vua là người ra lệnh ám sát?

Em nghĩ là không. Nếu có bất kỳ ai mong muốn Melos chết thì đức vua cũng tuyệt đối không nằm trong số đó.

Vua Dionys không tin tưởng ai nên ông cũng không tin rằng Melos sẽ quay lại. Đó chính xác là lý do việc Melos thực sự quay trở về đã tác động sâu sắc mà khiến ông hồi tâm chuyển ý. Không lý nào một người vốn đã không tin điều đó lại phải lệnh cho một toán sát thủ ngăn chặn đường về của Melos cả.

Vậy ai là người đứng giật dây? Ai là người sẽ vui mừng nếu bọn sát thủ thành công trong việc giết Melos?

Hãy tưởng tượng diễn tiến của câu truyện nếu điều đó xảy ra. Khi Melos không thể về cung trước lúc mặt trời lặn thì Selinuntius sẽ bị hành hình, và đức vua sẽ chỉ buồn mà nói: “Đây là lý do vì sao con người không đáng để tin cậy.” Nhưng nếu sau này xác của Melos được tìm thấy thì sao? Như vậy tin đức vua cho xử tử một người vì bạn mình không tới kịp sẽ nhanh chóng chuyển thành “xử tử một người vô tội vì bạn mình bị giết một cách bí ẩn bởi cướp”. Có thể các trung thần kính sợ đức vua nhưng sâu trong lòng họ sẽ vì việc này mà nghi hoặc cũng như phê phán quyết định của ông. Còn nếu xác Melos được giấu kỹ và không bao giờ được tìm thấy thì đó là dấu chấm hết cho mọi cơ hội để đức vua tin tường con người và tiếp diễn những cuộc hành quyết, dần dần tự hủy hoại đất nước của chính mình.

Tóm lại việc Melos chết đi dù thế nào cũng sẽ tác động xấu đến việc trị quốc. Nghĩ theo hướng đó thì kẻ thuê bọn sát thủ phải là người không muốn đức vua hồi tâm chuyển ý trước sự trở về của Melos, để ông tin tưởng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhân dân hơn. Khi thấy Melos bình an vô sự hẳn là hắn đã chửi rủa nhiều lắm.

Mặt khác, trên đường về cung điện Melos đã gặp một người đàn ông tên Philostratos vốn là học trò của Selinuntius. Dù khi đó Selinuntius chưa bị hành hình nhưng anh ta lại nói với Melos rằng: “Anh đã trễ rồi! Đừng chạy nữa!” Philostratos trông chẳng tỏ ra muốn cứu thầy của mình chút nào. Có thật sự anh là là học trò của Selinuntius không nhỉ? Nhiều khả năng anh ta cũng được gửi đi bời người đã thuê bọn sát thủ, với hy vòn có thể kìm chân Melos lần cuối trước khi anh trở lại cung điện.

Dù lời mở đầu cho đoạn giới thiệu đức vua là “Vua Dionys không thể tin tưởng ai” nhưng em nghĩ sự không tin tưởng ấy bây giờ mới thực sự hình thành. Nhà vua luôn có kẻ thù. Giờ đây, sau vụ việc của Melos thì việc biết ai bạn ai thù với đức vua hẳn sẽ còn khó hơn. Và để tiếp tục âm mưu chia rẽ đức vua với nhân dân kẻ thủ ác đã từng cố ám sát Melos sẽ không từ thủ đoạn nào mà lợi dụng chính sự không tin tưởng đó.

Em rất vui thì vua Dionys đã hồi tâm chuyển ý. Tuy nhiên, sau khi đọc xong “Chạy đi, Melos” em lại nghĩ rằng điều đó sẽ không kéo dài lâu.

Tôi phải đặt tay lên trán.

“Ôi Oreki…”

Tôi không ngờ cậu ta có thể nộp một bài như vậy. Tác giả lúc này lại nhìn ra cửa sổ. Tôi có thể tưởng tượng việc bài viết của mình bốn năm trước bị lôi ra đọc ngay cạnh thì khó chịu tới mức nào.

Fuku-chan nãy giờ vẫn ngồi cạnh tôi háo hức lên tiếng: “Điều thực sự khiến tớ ấn tượng là ở chỗ nó đại diện cho cả Sơ trung Kaburaya đi thi cấp thành phố và còn được giải, hạng ba đang hoàng mới đỉnh chứ! Nói thật mỗi khi làm bài cảm nhận sách tớ đồ rằng hầu hết chỉ viết sao cho vừa lòng thầy cô chứ chả mấy ai thành thật với bản thân mình cả. Kinh nghiệm xương máu đấy! Nên thế này mới gọi là cảm nhận chứ!”

“Đâu phải thầy cô nào cũng thế. Thầy Hanashima dạy môn Quốc ngữ hồi lớp bảy tụi mình đó nhớ không? Thầy hơi bất bình thường,” tôi trả lời.

Tôi vẫn còn nhớ thầy khá rõ việc thầy luôn nhắc đi nhắc lại câu: “Không cần thiết phải nghĩ tới dụng ý của tác giả.” Sau đó thầy sẽ nói rằng: “Có khi lúc đó họ cũng chẳng nghĩ ra cái gì quá hay ho. Dù họ có nghĩ rằng ‘Giờ chỉ muốn uống cho say rồi đánh một giấc đã đời’ mà viết nên những áng văn thì ta vẫn có quyền phân tích nó để tìm những ý nghĩa. Đó là cách mà ngôn ngữ vận hành. Ví dụ như Matsuo Basho [2] từng viết rằng, ‘Tháng và ngày như những nhà du hành vô tận, còn năm thì đến và đi như lãng khách phương xa.’ Nếu diễn dịch theo nghĩa đen mà không bao hàm một dụng ý nào, ta có thể thấy rằng với Basho ‘năm’ không phải là thứ gì đó chỉ đơn giản trôi qua, mà nó đến và đi… Như vậy Basho có thể là một nhà du hành thời gian.”

… Ờ, kỳ lạ vậy đấy. Hẳn là thầy Hanashima đã không những bực bội mà còn rất hoan hỉ nộp bài dự thi của Oreki ấy chứ.

“Không biết chuyện gì sẽ xảy ra với vua Dionys nhỉ. Cậu nghĩ sao Oreki-san?” Chi-chan hỏi, khiến Oreki càng đỏ mặt mà đáp gọn lỏn: “Ai mà biết.”

Đóng quyển tập lại tôi chợt nhận ra một điều.

“Mà Oreki này. Bài của cậu khá dài nhỉ.”

“Hửm?”

Cậu ta quay lại nhìn tôi.

“Những bài viết khác hình như đều ngắn hơn. Chẳng phải bài của cậu gần như mấp mé số lượng từ tối đa hay sao?”

“À, vụ đó.” Một cái cười khẽ, trông đầy cay đắng được trưng lên bản mặt vốn đã nhăn nhó của Oreki. “Tớ tưởng yêu cầu là phải nhiều hơn năm trang nên cố gắng viết chính xác năm trang. Hóa ra là phải viết không quá năm trang. Bực dễ sợ. Rốt cuộc từ cố gắng để đạt mức tối thiểu thì lại thành rỗi hơi mấp mé tới tối đa. Sau khi biết tớ cũng định cắt đi vài đoạn.”

“Cắt bớt sau khi hoàn thành nghe không giống như ‘cố gắng đạt mức tối thiểu’ chút nào,” tôi nói với điệu bộ như chịu thua, nhưng Fuku-chan thì gật đầu lia lịa. “Tớ hiểu cậu mà ông bạn. Là tớ thì tớ cũng cắt.”

Tại sao lại phải làm cái việc giảm cái thứ đã vừa đủ đạt mức tối đa… để đạt mức tối thiểu hả trời? Thế mà cũng “hiểu cậu mà ông bạn” cơ đấy? Tôi bối rối nhìn qua Chi-chan nhưng hiển nhiên là cậu ấy cũng chẳng hiểu. Phải thôi, ai mà hiểu được mỗi khi hai người họ trò chuyện cơ chứ? Các anh chàng của chúng tôi kỳ lạ như nhau. Thế là tôi và Chi-chan chỉ biết khúc khích cười.

Rồi, vậy thì… Tôi nhìn vào đồng hồ mà đứng lên. Không thể ở đây lâu hơn nữa.

“Mayaka về nhà à?” Satoshi hỏi.

“Không, tớ qua phòng của Cộng đồng Manga một chút. Cũng lâu rồi không ghé qua bên ấy.”

Ngay lập tức tôi nhận ra gương mặt của Fuku-chan mất đi sự vui vẻ. Gật đầu một cái, cố hết mức để tỏ ra cho cậu ấy thấy mình ổn tôi nhấc cặp lên và đi.

Từ sau Lề hội văn hóa năm trước, Cộng đồng Nghiên cứu Manga đã rơi vào tình trạng không thể hàn gắn.

Hệ quả của một cơ số chuyện xảy ra trong thời gian này là hai phe cố hữu của CLB – những người muốn thử sức dù có kinh nghiệm hay không với việc vẽ manga và những người chỉ muốn đọc – bắt đầu coi nhau như kẻ thù. Tôi vốn chỉ nghĩ đơn giản: ai thích vẽ thì vẽ còn ai chỉ thích đọc thì cứ đọc mà thôi. Thế nhưng lúc này những mâu thuẫn không đáng có ấy dường như cả kéo cả hai phe ra khỏi sự quan tâm tới manga và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Một phần lỗi chắc là ở tôi. Trước đây phe “đọc” có số lượng lớn hơn nhiều, khiến phe “vẽ” không còn cách nào khác ngoài thu mình núp bóng. Tuy nhiên, trong Lễ hội văn hóa một cô nàng bên phe “đọc” đã làm đổ nước rửa cọ lên người tôi, một thành viên phe “vẽ” và điều đó như giọt nước làm tràn ly khiến thiểu số thành viên phe “vẽ” vùng lên phê phán rằng bên kia đã đi quá giới hạn. Ừ thì nhỏ đó chẳng ưa gì tôi thật nhưng công bằng mà nghĩ thì nó không hơn gì một tai nạn cả… nhưng lúc đó việc tôi nghĩ làm sao thì cũng có ai quan tâm đâu?

Khi học kỳ mới bắt đầu và kỳ chiêu mộ thành viên mới kết thúc, một sự kiện đã xảy ra và làm thay đổi tình thế của cả hai phe. Chị Kouchi, thủ lĩnh thực sự của phe “đọc” – dù chị cũng đã sáng tác một manga tuyệt vời trong bí mật – đã rời CLB sớm hơn mọi thành viên năm ba khác. Điều này với phe “vẽ” như là dấu hiệu sự sụp đổ của phe đối địch nhưng không lâu sau ai cũng nhận ra sự hiện diện của chị Kouchi chẳng khác nào là một cái đập; mất nó thì chả có gì tốt đẹp cả. Khi chị còn ở đây thì những lời qua tiếng lại chỉ dừng ở mức bóng gió. Còn giờ đây, tháng năm ở Cộng đồng Manga bắt đầu với những tiếng chửi rủa và xỉ nhục không nể nang gì nữa. Thậm chí nếu nội dung của cuộc xung đột vẫn còn là manga thì tôi chịu được, nhưng những gì nhẹ nhàng nhất tôi đang và sẽ nghe chỉ toàn là “Mày nhìn ngứa mắt quá!” hay “Đừng có cắm rễ ở đây nữa!”

Trong căn phòng Trù bị số Một là phòng sinh hoạt của Cộng đồng Manga, nửa trên được giành cho phe “đọc” còn nửa dưới thuộc sở hữu của phe “vẽ”. Cũng nhờ hai đầu phòng đều có cửa ra vào nên những xung đột do đụng chạm cũng giảm thiểu phần nào. Tôi biết mọi người đều coi mình là đại diện cho phe “vẽ” nhưng vì cảm thấy quả nực cười nên tôi cứ cửa nào gần mình nhất thì vào. Dĩ nhiên lâu lâu việc đó cũng bị mang ra bàn tán là muốn gây sự với phe kia…

Thứ hai hôm ấy, sau giờ học tôi ngồi ở vị trí quen thuộc sát cửa sổ mà bắt đầu phác thảo vài ý tưởng cho manga tiếp theo. Gần đây tôi thường chỉ viết về những câu truyện lấy bối cảnh Nhật Bản hiện đại, nhưng có lẽ thay đổi và tự thử thách mình với một bối cảnh khác cũng là điều nên làm. In điều đó trong đầu tôi liền viết ra những từ ngữ không biết từ đâu mà xuất hiện trong tâm trí – những từ như “máy tính chạy hơi nước”, “đồng hồ lớn (rất là lớn)”, “máy chiên trứng phục vụ toàn thành phố”,… và cứ thế. Bỗng dưng, một cái bóng xuất hiện trên mặt giấy khiến tôi phải ngước lên mà đối diện với một cô bạn năm hai, Asanuma.

“Mình nói chuyện chút được không?”

Vì đây là CLB về manga nên việc vẽ hay phác ý tưởng ở đây chẳng có gì đang ngại, nhưng theo thói quen tôi đóng quyển vỏ lại.

“Được thôi. Chuyện gì vậy?”

“À, chả là thế này. Tớ có một ý tưởng nên muốn tham khảo cậu.” Giọng cậu ấy trông khá bồn chồn.

Asanuma có khuôn mặt thanh, đôi mắt tí hi và chất giọng khá cao. Cậu ấy cũng vẽ manga, có lẽ là một thời dài vì những đường nét của cậu ấy đều được phác rất nhanh và tràn đầy sự tự tin. Đôi khi điều đó khiến tôi phát ghen vì chính mình quá chậm, nhưng mặt khác tôi cũng nghĩ rằng những tác phẩm của Asanuma sẽ còn tốt hơn nhiều nếu được chăm chút thêm tí nữa.

Nhớ lại chuyện hồi Lễ hội văn hóa, dù tôi đứng ra tranh cãi với chị Kouchi nhưng Asanuma mới là người khơi mào cho sự vùng lên của phe “vẽ”. Nếu phải đoán thì có lẽ cậu ấy muốn cải tổ Cộng đồng Manga – nơi giờ đây chỉ cần cầm cây bút lên là đủ để nhận những cái nhìn sắc lạnh – trở thành một thiên đường cho những ai thích và mong muốn được vẽ. Đó là điều tôi chẳng đời nào làm được. Một mặt vì tôi luôn cố tránh né xung đột với phe bên kia và mặt khác tôi thích được tạo ra những tác phẩm theo cách của riêng mình. Có lẽ vì thế mà tôi không thể không ấn tượng về lý tưởng của cậu ấy.

Asanuma đi thẳng vào vấn đề. “Tớ muốn tự xuất bản một manga. Tớ cần cậu giúp đỡ.”

Bất giác tôi nhìn quanh xem có ai gần đấy không nhưng xem ra chả ai để ý. Ý tưởng này quá mới mẻ với tôi. Dĩ nhiên tôi đã từng tự nộp bản thảo trước đây, nhưng làm việc chung với người khác thì…

“Một manga à… thể loại nào?”

Asanuma cũng cẩn trọng nhìn quanh phòng trước khi đáp lại đầy cay đắng. “Theo tình hình hiện tại thì tất cả những gì CLB có cho Lề hội văn hóa sắp tới sẽ chỉ là những ý tưởng bị tranh cãi tới lui. Vào CLB về manga mà lại không được vẽ manga là một ý tưởng quá đần độn dù có nhìn dưới góc độ nào đi nữa phải không? Chi bằng chúng ta tự làm lấy một cái. Cậu có đồng ý không?”

“Ý cậu là lập CLB riêng?”

Cậu ấy lắc đầu. “Không. Làm thế chả ích lợi gì cả… Ý tớ là chúng ta sẽ bí mật sáng tác một manga và cộp nhãn Cộng đồng Nghiên cứu Manga rồi bán vào dịp nghỉ hè. Như vậy chúng ta có thể cho người ta thấy ở đây vẫn có thể vẽ… không, nhầm, cho họ thấy CLB của chúng ta vốn sinh ra là để tạo ra manga.”

Tôi không thể không cảm thấy có cái gì nguy hiểm trong đề xuất đó. Nếu cậu ấy định dùng đòn tấn công bất ngờ này để áp đặt lý tưởng của mình  lên CLB, mở đường cho các thành viên thuộc phe “vẽ” vùng lên thì chẳng phải đó là một cuộc đảo chính sao? Ừ thì cái tình hình chiến sự hai-bốn-trên-bảy hiện tại cũng chẳng đẹp đẽ gì, nhưng quả thật tôi không dám nghĩ tới cảnh có một ngày tác phẩm của mình được sử dụng để chống lại ai hết. Nhưng nghĩ thêm chút nữa tôi nghĩ mình có thể hiểu tại sao việc sáng tác manga có thể khiến mình trông như đã mang lại một ý nghĩa nhất định cho Cộng đồng hiện tại… Ôi mình đang đùa ai thế này? “Tôi nghĩ mình hiểu” chắc là lời nói giảm của thế kỷ mất. Nó chắc chắn mang lại ý nghĩa. Phải chăng từ trước tới giờ tôi đã quá ngây ngô?

“Ngoài tớ với cậu thì còn ai?” Tôi hỏi. Asanuma bèn liệt ra vài cái tên theo từng ngón tay gập xuống.

“Tớ, Tai, Nichiyama, Harigaya, và rồi là cậu. Ngoài ra tớ chưa hỏi thêm ai.”

Tất cả đều là thành viên của phe “vẽ”, dĩ nhiên, nhưng theo hiểu biết của tôi thì Asanuma là người duy nhất trong số đó thực sự đã sáng tác được cái gì ra trò. Tai là người mới nên không biết nhiều, nhưng chắc chắn là em ấy từng nói mình chưa có kinh nghiệm nên muốn gia nhập để luyện vẽ. Nishiyama và Harigaya đều là học sinh năm hai và tôi dám chắc là đều chưa hoàn thành quá một hay hai khung tranh.

“Liệu họ có thể theo một dự án dài hơi không?” Tôi hỏi. Asanuma chỉ cười nhẹ.

“Cũng khó nói, dân ngoại đạo mà. Nhưng tụi mình cũng không cần làm quá dài. Bốn hay năm trang là đủ, hoặc kiểu một trang đôi lớn để quảng cáo cậu biết đấy. Điều quan trọng là càng tập hợp nhiều người vô dự án này càng tốt.”

Thực tình nếu xét việc Nishiyama và Harigaya chưa làm được gì nhiều cho CLB mà mặc định coi là dân ngoại đạo thì cũng hơi quá. Tôi thực sự đã mong một câu trả lời rằng họ có thể làm được. Xem ra việc những người tham gia có làm được hay không chẳng phải là vấn đề của cậu ấy. Đành chịu, với một người chỉ nghĩ tới kết quả sau cùng thì đó không phải gì quá ngạc nhiên…

Asanuma tiếp tục với giọng điệu dịu nhẹ hơn, có lẽ vì nhận thấy sự không thoải mái từ tôi.

“Tớ không nhờ cậu làm ôm tất cả vào mình. Đề tài đã được quyết, vì vậy chỉ cần quăng hết những gì cậu có thể vào đó thôi.”

Dù việc tự hào về tác phẩm của mình hẵng là còn sớm với một tay bút nghiệp dư, nhưng tôi thực lòng muốn nói cho cậu ấy biết rằng manga của mình không phải thứ mà cứ “quăng hết những gì có thể” vào là xong. Dù vậy, với một người như Asanuma mà lại phải nói những điều này thì tôi đồ rằng tình thế của cậu ấy cũng chẳng tươi sáng mấy.

Thôi thì ít nhất cũng nên hỏi.

“Đề tài là gì?”

“Sẽ là ‘Cộng đồng Manga’.”

Tôi không thể kìm lại một tiếng rầu rĩ, còn Asanuma thì cao giọng mà tiếp tục:

“Nếu không làm thế thì chúng ta sẽ không thể phát hành. Tớ sẽ không nói dối rằng những gì mình làm có thể mang lại kết quả ngay tức thì, nhưng nếu tụi mình tốt nghiệp trước khi có cơ hội đại diện cho Cộng đồng Manga của Cao trung Kamiyama mà nói lên lý tưởng của mình thì sẽ không còn cơ hội nào nữa. Tớ không thể không nghĩ tới điều đó. Cậu cũng nghĩ vậy đúng chứ Ibara?”

Tôi thực sự không hứng thú lắm với mấy chức danh đại diện hay gì, nhưng nếu có thể khiến ai đó… một hay hai người đọc truyện do mình sáng tác… Ừ, thế thì có lẽ tôi cũng vui.

“Sao? Cậu thấy thế nào?”

Tôi như đang đứng trước ngã ba đường. Đó là thứ cảm giác do dự trước khả năng tác phẩm của mình bị sử dụng như công cụ chiến tranh và nỗi háo hức đến từ một ước mơ đơn giản: vẽ, và có người đọc. Có lẽ, với tôi miễn sao có người đọc thì mọi tranh cãi trước đó hay sau có thế nào cũng chẳng nghĩa lý gì.

Dường như nhận ra chút hy vọng giữa sự do dự của tôi, Asanuma tiếp tục với giọng điệu thoải mái hơn. “Nếu đồng ý thì cho tớ biết cậu dự định vẽ bao nhiêu trang luôn nhé.”

“Hở? Cậu muốn tớ xác định số trang trước cả khi tớ đồng ý hay không á?”

Không thể tin được. Dù không có kinh nghiệm làm việc nhóm nhưng tôi để ý rằng ở các nhóm thường phải chốt nhân sự trước khi nghĩ đến số trang vẽ, mà đôi khi họ còn chả quan tâm tới điều đó. Ít nhất là với tôi đây là lần đầu nghe tới vụ số trang phải đi đầu và đến trước.

“Ừ. Tớ cần ước lượng để điền vào đơn xin trợ cấp chứ.”

“Trợ cấp từ quỹ CLB sao? Chứ không phải mình tự chi à?”

“Chả có lý nào mình lại phải dốc tiền túi ra cả. Tớ cũng sẽ ghé qua Ủy ban phụ trách chung để nói chuyện và chuẩn bị những gì để có thể xài quỹ. Có tranh cãi thì cũng mặc. Nhưng đến sát lúc đó có lẽ tớ sẽ cần số trang chính xác.”

Liệu thế có ổn không? Quỹ là giành cho cả CLB cho nên mọi thành viên hay ít nhất là hội trưởng Yuasa phải được biết, chứ không thì khác nào mình biển thủ của công đâu? Ngay từ đầu tôi cũng không nghĩ Ủy ban phụ trách chung có nghĩa vụ gì trong việc phân chia tiền quỹ nội trong CLB.

“Cậu cũng phải báo cho hội trưởng nữa phải không?”

Hội trưởng Yuasa không có bất cứ liên quan gì tới đống xà bẩn đang chồng chất trong Cộng đồng Manga. Chị vẫn miệt mài giải quyết các công chuyện như giải quyết đơn xin gia nhập, đơn xin phụ cấp và vân vân, mà thầm lặng giữ cho CLB hoạt động. Tham vọng của Asanuma đã đủ bất ổn rồi nên tôi cần sự hiện diện của hội trưởng để không khiến nó trở nên trầm trọng hơn.

“Ừ… phải nhỉ. Có lẽ tớ phải báo cho chị ấy.” Asanuma càu nhàu rõ là không được vui.

Những gì tôi sắp đồng ý hơi đáng sợ nhưng hy vọng cậu ấy có thể đảm đương hợp lý. Giờ là lúc tập trung vào việc chính.

“Ừ thì, tớ không thể quyết ngay về số lượng được. Tớ rất vui vì cơ hội này nhưng chưa biết sẽ đi thế nào để hiện thực cái đề tài ‘Cộng đồng Manga’ như cậu nói. Đó là vấn đề tiên quyết. Tớ sẽ phác thảo sơ bộ rồi dùng nó làm cơ sở để ước lượng số trang. Thế nên cậu đợi một thời gian được chứ?”

Môi của Asanuma có hơi trề xuống. “Ừ, cậu nói cũng phải. Vậy cần bao lâu?”

Hôm nay là ngày mười bốn, và tôi còn cần phải lên ý tưởng để xây dựng cốt truyện. Nếu điều quan trọng trước mắt chỉ là số trang thì một cốt truyện phác thảo cũng chưa cần chi tiết lắm, thế nên…

“Thứ sáu được chứ?”

“Đã hiểu. Trong thời gian đó tớ cũng sẽ tìm xem có ai muốn gia nhập nữa không.” Và như để chắc chắn cậu ấy cũng thêm vào: “Chỉ hai tụi mình biết thôi nhé.”


Ghi chú[]

  1. "Chạy đi, Melos!" là một truyện ngắn rất nổi tiếng của Dazai Osamu – một nhà văn thời hậu thế chiến cũng nổi tiếng không kém (1909-1948).
  2. Matsuo Basho (1644 - 1694) được coi là cha đẻ của dòng thơ haiku. Đoạn thơ này là mở đầu của tác phẩm “Con đường hẹp về phương Bắc sâu thẳm” – một tuyển tập truyện ngắn và thơ đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học sau này kể về chuyến phiêu bạt của ông khắp mọi miền Nhật Bản.

Theo dõi & Thanh chuyển trang

Bỏ theo dõilatest?cb=20190220103837&format=originalbộ truyện này
► Xem lại Tập 6 Story 4 Chương 1♬   Hyouka   ♬► Xem tiếp Tập 6 Story 4 Chương 3
Advertisement