Sonako Light Novel Wiki
Advertisement
Lưu Pocket Xuất PDF
Pocket_Image.png Print_page.gif

Tập 1 - Kem đá 氷菓 - You can't escape / The niece of time[]

Bìa[]


CHƯƠNG 1: THƯ GỬI TỪ BENARES[1][]

Chào em, Houtarou.

Chị đang ở Benares, ở Nhật Bản thì gọi như thế chứ người ta toàn bảo nơi này là Vanarasi thôi.

Benares khá là tuyệt đấy Houtarou à. Thị trấn này nổi tiếng với tang lễ và những nghi thức độc đáo từ xa xưa. Tự nhiên chị có cảm giác là ai mà qua đời ở đây thì linh hồn sẽ được bay thẳng lên thiên đường. Kì lạ quá ha?

Hoá ra cảm giác của chị cũng đúng phần nào khi người ta gọi Benares là “vùng đất biệt lập với vòng xoay luân hồi”, nghĩa là ai qua đời ở đây đều trở thành một a-la-hán – một danh hiệu cao quý của Phật Giáo. Ở Trung Quốc chị từng được dạy rằng một linh hồn muốn đạt được trạng thái “giải thoát” ấy phải trải qua nhiều khổ hạnh, nhưng ở đây tất cả công việc cần làm chỉ là nằm xuống và nhắm mắt lại.

Thực lòng mà nói, chị thấy Trung Quốc có cả đống truyền thuyết mà cái nào cũng đau khổ và lâm li.

Nói bây giờ quả là hơi trễ, nhưng chúc mừng em đã hạ cánh vào cao trung an toàn. Cũng là trường Kamiyama như chị phải không? Chán chết, nhưng dù sao cũng chúc mừng.

Là chị hai yêu dấu của em chị nghĩ mình có nghĩa vụ dành cho cậu em năm nhất một lời khuyên quan trọng:

Vào CLB Cổ Điển đi.

CLB Cổ điển trường Kamiyama có truyền thống khá lâu đời, chuyên về thảo luận và nghiên cứu văn học. Và, có lẽ em đã ngờ ngợ ra, chị đây cũng từng là một thành viên. Theo lời của một người bạn thì hiện nay CLB giàu truyền thống ấy không có thêm bất cứ một thành viên mới nào trong suốt ba năm liền, thế nên hiện tại số thành viên là một quả trứng to tướng. Nội quy trường quy định nếu năm nay mà cũng không có ai tham gia thì CLB sẽ bị giải thể. Là một cựu thành viên dĩ nhiên chị sẽ không hài lòng chút nào khi nghĩ đến cái thảm cảnh đó.

Tuy nhiên, chỉ cần có ít nhất một thành viên gia nhập trước tháng tư này thì mọi chuyện sẽ khác. Houtarou à, đăng kí trên danh nghĩa cũng được, là em đã cứu lấy CLB Cổ điển và cứu luôn cả tuổi thanh xuân của người chị yêu dấu này nữa đó.

Thực sự CLB này cũng có cái hay của nó chứ. Vào mùa thu em sẽ có một nơi ngắm cảnh tuyệt nhất trường đấy.

Vả lại, chắc hẳn là em không bận việc gì có ích để từ chối lời thỉnh cầu của chị nhỉ?

Đến New Delhi[2] chị sẽ gọi điện về.

Yêu cục cưng của chị,

Tomoe


CHƯƠNG 2: SỰ HỒI SINH CỦA CLB CỔ ĐIỂN GIÀU TRUYỀN THỐNG[]

Người ta thường bảo “Thời học sinh có màu của hoa hồng”. Khi mà cái năm 2000 sắp kết thúc thì ngày được nhắc đến trong câu nói trên cũng chẳng còn xa…

Ý kiến của số đông dĩ nhiên không thể khẳng định tên học trò nào cũng mong đợi cả chục năm của mình được thắm cái màu hồng như thế. Dù là trong học tập, thể thao hay tình cảm vẫn sẽ có vài người thích cuộc sống của họ mang màu xám. Tôi có thể đếm được mấy người... Thật tình sống như thế quả là cô độc nhỉ?

Chủ đề này đang được thảo luận giữa tôi và thằng bạn chí cốt Fukube Satoshi, trong phòng học lúc này đã phủ nắng chiều. Như mọi khi, Satoshi lại cười trước rồi mới nói : “Tớ cũng nghĩ thế. Ai ngờ đâu Houtarou hoá ra đang mang trong mình nỗi cô đơn lạnh lẽo ấy?”

Lầm to, tôi phản pháo lại : “Ý cậu là tớ ‘màu xám’ à?”

“Đừng nói là không phải nha! Houtarou à. Học, chơi thể thao, và cái còn lại mới nãy nói là gì nhỉ … à tình cảm! Tình hình là tớ chưa thấy cậu quan tâm đến chút gì trong ba thứ đó.”

“Không hẳn là không quan tâm.”

“Ừm, đúng.”

Satoshi toe toét,

“Chỉ là phải ‘tiết kiệm năng lượng’ đúng không?”

Tôi đồng tình gật đầu cái rụp. Chỉ cần hiểu rằng tôi hoàn toàn không ghét việc bắt cơ thể mình hoạt động, đơn giản là tôi không thích phí phạm năng lượng vào những thứ phiền hà. Cũng như Trái Đất sẽ tươi đẹp hơn khi mọi tài nguyên được ý thức tiết kiệm, vậy nên:

“Không phải làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh.”

Satoshi hay nhún vai mỗi khi tôi nhắc đến phương châm của mình.

“Dù có là ‘tiết kiệm năng lượng’ hay là chán đời thì cũng chẳng khác nhau chút nào phải không? Có bao giờ nghe nói đến Thuyết Công Cụ[3] chưa?”

“Chưa.”

“Đại loại thì, dựa vào hệ quả của thuyết đó tớ có thể khẳng định một người không có lấy một chút sở thích cụ thể - bằng chứng là cậu hoàn toàn chả quan tâm đến việc gia nhập một CLB nào ở Kimiyama này, nơi được tôn vinh là ‘Thánh địa của hoạt động ngoại khoá’ – chắc chắn là có ‘màu xám’.”

“Dựa vào cái hệ quả ấy thì một người chết do bị ám sát dám là bị đánh đồng với người chết do bất cẩn lắm à!”

Satoshi thản nhiên đáp : “Dưới một góc độ thích hợp thì đánh đồng như thế đâu có sai? Nếu không xét đến trường hợp cậu đang thuyết phục một người đã chết rằng ổng ngỏm do cái tật cẩu thả của mình để giúp ổng siêu thoát.”

“…”

Cái tên trơ tráo. Một lần nữa tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt phía đối diện. Fukube Satoshi - bạn chí cốt, đối thủ đáng gờm và là kẻ thù đáng … ghét. Hắn hơi lùn, và cùng cái vóc dáng mảnh dẻ yếu đuối dễ làm người ta nghĩ hắn là thằng đồng tính. Nhưng “bên trong” thì lại khác. Khó mà giải thích rõ ràng là khác ở chỗ nào, nhưng dù sao tôi vẫn thấy hắn “khác biệt”. Hắn luôn mang bên mình một cái túi gút dây, và đeo lên miệng cái cười láu cá đã trở thành thương hiệu. Hắn vừa mới là thành viên của CLB Thủ Công và đừng hỏi tôi tại sao.

Cãi cố với thằng này thường sẽ tốn một nguồn năng lượng đáng kể, nên tôi đành vẫy tay ra hiệu kết thúc cuộc thảo luận tại đây.

“Ờ sao cũng được. Về nhà thôi!”

“Ừm, dù sao hôm nay CLB của tớ cũng không họp … đành phải về vậy.”

Duỗi người ra một cái Satoshi hình như vừa nhớ ra điều gì mà quay lại nhìn tôi.

“Cơ mà, sao cậu lại về vào lúc này?”

“Là sao?”

“Nếu muốn cậu đã phải về từ trước khi hô hào cái châm ngôn cá nhân kia rồi cơ! Nếu không tham gia CLB nào thì mắc chi ở lại trường trễ thế?”

“À …”

Tôi nhướn mày và lấy ra một mẩu giấy từ túi áo bên phải. Mảnh giấy tới tay Satoshi một cách yên bình không lâu trước khi mắt hắn trợn tròn vì ngạc nhiên. Hắn đang làm quá đây mà. Mặc dù mắt thì đang trợn thật nhưng trông hắn chẳng có vẻ gì là thật-sự-ngạc-nhiên cả. Một điều nữa khiến Satohi nổi tiếng là cái sự ưa trầm trọng hoá vấn đề của hắn.

“Gì thế này? Làm sao mà thành ra thế này?”

“Đàng hoàng chút coi Satoshi!”

“Chẳng phải tớ đang cầm tờ đơn đăng kí CLB sao? Không ngạc nhiên mới lạ! Trái Đất vừa chứng kiến một sự kiện vĩ đại : Houtarou gia nhập một CLB!”

Nhìn vào cái tên viết trên đó, Satoshi nhướn mày cao hơn nữa,

“CLB Cổ Điển?”

“Có biết không?”

“Dĩ nhiên là biết, nhưng mà … sao lại là cái này? Tự dưng cảm hứng văn học trỗi dậy à?”

Biết giải thích thế nào đây? Tôi gãi đầu rồi lại rút ra một mẩu giấy nữa, lần này là túi bên trái. Đó là một lá thư viết tay với nét chữ rất tháu. Tôi chìa ra cho Satoshi.

“Đọc đi.”

Satoshi tức thì chộp lấy lá thư mà đọc lấy đọc để. Như tôi dự đoán, hắn ta lại cười.

“Haha, Houtarou kì này dính bài khó rồi! Khẩn cầu từ ‘chị yêu dấu’ thì ‘cục cưng năm nhất’ sao mà từ chối được?”

Hắn tỏ vẻ hân hoan ra mặt, còn tôi thì lo ngại mình đang phô ra một bản mặt cay đắng. Lá thư gửi từ Ấn Độ sáng nay đã – một lần nữa – trung thành với phong cách của Oreki Tomoe, luôn thành công trong việc làm trật đường ray cuộc sống bình yên của thằng em chị ấy.

“Ôi! Houtarou, vệ sĩ của CLB Cổ Điển - thời thanh xuân của chị hai yêu dấu!”

Còn nhớ kể từ lúc mở phong bì và đọc qua lời chúc mừng thi đậu tôi đã thấy sờ sợ cái nội dung chính sắp kèm theo sau đó. Bảo vệ kỉ niệm của bà chị cũng chẳng là việc khó chịu gì, nhưng mà …

“Nghe nói chị ấy giỏi võ lắm hả? Nhu Thuật[4] à?”

“Hiệp Khí Đạo[5] và Cảnh Sát Thuật[6]. Tên nào ngu lắm mới dám gây với bả.”

Ờ, bà chị tôi – một sinh viên đại học tài năng về cả học tập lẫn võ thuật – đã không thoả mãn ngôi vị độc tôn của mình ở Nhật Bản mà quyết định thử sức với thế giới rộng lớn. Gây chuyện với một người như thế chắc chắn là hạ của hạ sách.

Vậy là lại một lần nữa, tôi thừa khả năng nhưng thiếu lí do để từ chối yêu cầu của chị. Chị ta đã đánh trúng sự thật là tôi chả có gì có ích hơn để mà làm. Tôi bèn quyết định thà làm một “thành viên danh nghĩa” hơn là một tên học sinh không hoà đồng. Nhờ vậy tôi có thể nói không chút ngượng ngùng:

“Tớ vừa nộp đơn sáng nay.”

“Cậu biết cậu vừa được gì thông qua tờ đơn này không?”

Satoshi nói khi mắt vẫn còn dán vào lá thư. Tôi thở dài đồng tình : “Ừ, dĩ nhiên là chẳng được lợi lộc gì hết.”

“Không, ý tớ không phải thế.”

Nhấc mắt lên, hắn chuyễn sang cái tông vui vẻ lạ thường. Hắn vỗ lá thư vào tay rồi nói : “Hiện tại không có thành viên nào trong CLB Cổ Điển phải không nào? Có nghĩa cậu là người duy nhất giữ cái phòng họp. Không tuyệt sao khi nộp một tờ giấy là có ngay một ‘căn cứ bí mật’ trong trường cho riêng mình?”

Căn cứ bí mật?

“Nhìn theo hướng đó thú vị hơn nhiều. Bộ không khoái sao?”

Một lý do để thích thật lạ. Tôi chưa từng nghĩ, chưa từng muốn và chưa từng cố gắng để sở hữu một nơi như thế. Nhưng một chốn riêng tư tự đến với mình, miễn phí thì cũng hay. Tôi lấy lại lá thư và trả lời,

“Không tệ, chắc là tớ nên xem qua phòng họp một chút.”

“Tốt, phải thử mới biết chứ!”

Tôi có ham biết như hắn đâu? Cố rặn ra một nụ cười tôi xách cặp và ra khỏi lớp.

Còn khuya tôi mới phản bội phương châm sống của mình.

Từ những ô cửa sổ để mở, tiếng hô của đội điền kinh vọng vào : “Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!”

Không bao giờ tôi để mình phung phí năng lượng như thế. Đừng hiểu lầm nhé, đây là quan điểm cá nhân và tôi cũng không coi họ là lũ ngốc thừa mứa năng lượng chút nào. Tôi tiếp tục đi đến phòng họp của CLB Cổ Điển, theo sau là câu thần chú “Tiến lên!” giờ đã vang lên liên tục như một bài kinh...

Tôi đi dọc theo hành lang lợp bằng gạch ngói để lên tầng ba và nhanh chóng được chú thợ sửa chữa, đang vác một cái thang bự, chỉ cho căn phòng đó ở đâu. Đích đến là phòng Địa Chất ở tầng bốn thuộc khu chuyên biệt.

Trường tôi, cao trung Kamiyama không rộng lớn và ồn ào. Với tổng số chỉ tầm một ngàn học sinh, trường vẫn có những chương trình đào tạo chuẩn bị cho kì thi đại học nhưng chưa bao giờ nổi danh về thành tích học tập. Mà như Satoshi đã tôn vinh, trường Kamiyama sở hữu một bộ sưu tập CLB khổng lồ về hầu hết mọi thứ có thể nghĩ ra ở trên đời như CLB sơn nước, CLB Acapella[7], cả CLB Cổ Điển nữa… cùng với một lễ hội văn hoá thường niên rất được học sinh cả trong lẫn ngoài trường mong đợi.

Trường có ba dãy nhà chính: dãy thường là những phòng học “thông thường” như nơi tôi và Satoshi vừa bàn chuyện khi nãy, dãy chuyên biệt gồm các phòng học trang bị dụng cụ học tập chuyên dụng, cuối cùng là một nhà thi đấu thể thao. Tổng quan thì hạ tầng của Kamiyama cũng bình thường như bao trường khác, trừ một phòng tập võ và nhà kho chứa dụng cụ thể thao được tách riêng ra khỏi các dãy nhà. Tầng bốn khu chuyên biệt – tổng hành dinh của CLB Cổ Điển xem ra là một nơi khá biệt lập.

Khi còn bận nuối tiếc phần năng lượng đáng kể bị hao hụt trong suốt chặng đường tôi đã leo lên tầng bốn từ lúc nào. Nhanh chóng tôi nhìn thấy tấm biển phòng Địa Chất, nhưng cửa đã bị khoá. Phòng học chuyên dụng khi không có tiết ở trường nào mà chẳng bị khoá? Tôi bèn lấy chiếc chìa khoá mượn từ trước và mở cửa. Quả là cái tính hay tiên liệu của tôi hỗ trợ cho phương châm “tiết kiệm năng lượng” rất hiệu quả.

Ổ khoá kêu “cách” một cái và cánh cửa trượt nhẹ nhàng sang bên. Phòng học môn Địa Chất trống không sáng bừng trong vô vàn ánh nắng chiếu qua những ô cửa lớn hướng về phía tây …

Hình như tôi vừa dùng từ “trống không” sao? Ồ không hề, lần đầu tiên trong ngày có chuyện đã diễn ra không đúng với tiên liệu.

Hoà trong làn nắng nhẹ dịu buổi chiều tà, một người đã đứng sẵn trong phòng.

Người học sinh đang gác tay lên khung cửa sổ quay lại nhìn tôi. Nữ sinh.

“Duyên dáng” và “gọn gàng” chính xác không phải là những từ đến với tâm trí tôi đầu tiên, nhưng là hai từ đúng đắn nhất để miêu tả cô nữ sinh này. Mái tóc suôn dài đến ngang lưng cùng bộ đồng phục thuỷ thủ rất chi là phù hợp. Cô khá cao, có lẽ cao hơn Satoshi. Đôi môi mỏng manh cùng dáng người mảnh khảnh – tất cả đều cho tôi ấn tượng rõ rệt về một nữ sinh của mấy thập niên về trước. Đối lập với những nét nhỏ nhắn cô có một đôi mắt to, mà như tôi đã nói, “duyên dáng” đầy sức sống.

Dĩ nhiên tôi không biết người ta là ai.

Vừa trông thấy tôi, cô bạn liền mỉm cười và nói : “Xin chào. Bạn hẳn là Oreki-san vừa gia nhập CLB Cổ Điển phải không?”

“…Bạn là ai?”

Tôi tự nhiên hỏi thẳng. Không giỏi trong khoản giao tiếp với người khác nhưng tôi cũng không hề muốn ra vẻ lạnh lùng với người mới gặp chút nào. Chỉ là tôi lấy làm lạ, vì hình như cô ấy biết tôi thì phải?

“Bạn có nhớ mình không? Mình là Chitanda, Chitanda Eru.”

Chitanda Eru. Vậy là biết tên, nhưng vẫn chẳng biết gì hơn thế. Họ Chitanda, và cả cái tên Eru nữa đều khá hiếm. Trừ khi không biết chứ tôi không tin mình có thể quên một cái tên đặc biệt như vậy.

Tôi nhìn cô bạn Chitanda một lần nữa. Sau khi tự nhủ chắc chắn rằng mình không biết, tôi đáp gọn lỏn : “Xin lỗi, mình không nghĩ là mình nhớ bạn.”

Vẫn giữ nụ cười trên môi, cô ấy khẽ nghiêng đầu có vẻ hơi bối rối,

“Bạn là Oreki-san[8] mà đúng không? Oreki Houtarou lớp 1-B?”

Tôi gật đầu.

“Mình học lớp 1-A!”

Vậy – là – nhận – ra – chưa? Dám chắc câu nói của cô ấy hàm chứa cái ý này. Trí nhớ của mình tệ đến thế sao?

Mà từ từ, tôi lớp B còn cô ấy lớp A, có dịp gì để gặp nhau không nhỉ?

Dù là cùng khối nhưng rõ ràng chỉ có hai cách thông thường để các học sinh khác lớp giao thiệp với nhau : một là sinh hoạt CLB còn hai thì là bạn từ trước, và tôi hoàn toàn chẳng dây mơ rễ má đến cả hai. Vậy thì khả năng ấy phải diễn ra trong một sự kiện đòi hỏi cả trường tham gia, nhưng ngoài lễ khai giảng thì còn dịp nào? Hơn thế chả ai lại rảnh mà đi nêu tên học sinh từng lớp trong lễ khai giảng cả. Và một điều chắc chắn nữa là tôi không phải một thằng bạn đáng tự hào gì để Satoshi đem khoe với người khác.

Mà khoan, đợi đã!

Có, đúng là vẫn có vài cơ hội để chúng tôi gặp nhau ngay trong giờ học. Đó là những tiết học đặc biệt có thể dạy nhiều lớp cùng một lúc : thể dục và các môn nghệ thuật. Hồi còn học sơ trung trường tôi còn có lớp dạy nghề nhưng Kamiyama có lẽ chỉ chuyên về học tập kiểu hàn lâm. Giờ thể dục là nam nữ học riêng, như vậy khả năng duy nhất còn lại chính là…

“Có lẽ chúng ta học chung lớp Thanh Nhạc chăng?”

“Đúng rồi!” Chitanda gật đầu rất mạnh.

Tự mình nhận ra điều cũng làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Với chút lòng tự tôn còn lại của một thằng học sinh tôi có thể dõng dạc tuyên bố rằng từ khi nhập học đến giờ mình chỉ tham gia lớp Thanh Nhạc không-bắt-buộc đó đúng một lần. Nhớ mặt còn khó nói gì đến nhớ tên? Vậy mà cô bạn Chitanda này đã nhớ chính xác tên tôi dù chỉ nghía cái mặt tôi đúng một lân, đây đúng là bằng chứng sống cho câu nói “không gì là không thể”…

Nói cho các bạn biết, cô gái này có khả năng quan sát và ghi nhớ cực kì kinh khủng!

Nhưng cũng giống như đọc cùng một cái tít báo mà mỗi người hiểu theo một nghĩa khác nhau, có thể chỉ là ngẫu nhiên. Tôi bắt mình hoàn hồn lại và cố gắng hỏi thật tự nhiên,

“Vậy thì, Chitanda-san có việc gì phải đến đây thế?”

Cô ấy nhanh chóng đáp : “Mình đã gia nhập CLB Cổ Điển, thế nên mình nghĩ phải đến để chào hỏi một tiếng.”

Đã gia nhập, nói cách khác, một “thành viên”.

Lúc đó trong tôi trào lên nỗi thôi thúc mãnh liệt muốn đố cô ấy đoán được tôi cảm thấy thế nào qua câu trả lời vừa rồi. Chitanda gia nhập đồng nghĩa với hai chữ “kết thúc” – giấc mơ về một “căn cứ bí mật” cùng nghĩa vụ bảo vệ cái vườn không nhà trống cho bà chị. Chẳng còn lí do để tôi tham gia nữa. Tôi thở dài cái thượt … Phí công chưa! và hỏi tiếp:

“Sao bạn lại muốn vào CLB Cổ Điển?”

Đây không có muốn vào đâu! Bị ép đó! Tôi cố gắng dùng ngữ điệu phù hợp nhất để nhồi cái thông điệp trên vào câu hỏi, nhưng dĩ nhiên là cô ấy không hiểu.

“Ưm, đó là lí do cá nhân.”

Tránh né câu hỏi thật khôn khéo. Cô bạn Chitanda này có vẻ bí ẩn đây.

“Còn Oreki-san thì sao?”

“Mình à?”

Khó nhằn rồi. Trả lời làm sao cho thoả đây? Sẽ mất thì giờ để giải thích cho Chitanda hiểu tôi đến đây theo lời khẩn cầu của bà chị, nhưng mắc gì phải cho cô ấy biết cái lý do lằng nhằng này nhỉ?

Bất ngờ cánh cửa phòng trượt qua và một giọng nói to như bom dội vào phòng : “Này, hai em làm gì ở đây?”

Là giáo viên, có lẽ đang tuần quanh trường sau giờ học. Ông thầy có thân hình lực lưỡng và làn da rám nắng này chắc là dạy thể dục. Tư thế hơi đầm của thầy dễ làm người ta tưởng tượng ra một thanh kiếm tre vắt sau lưng của một người dũng sĩ. Dựa vào số nếp nhăn có thể thấy thời oanh liệt của thầy đã qua từ lâu, nhưng quanh một võ sĩ lớn tuổi như thầy thường có thứ khí chất khiến người ta dễ nể.

Chitanda hơi hoảng khi bất thình lình bị la như thế, nhưng chỉ vài giây sau cô ấy lại cười tươi và tiến đến chào thầy.

“Em xin chào thầy Morishita ạ!”

Sự kết hợp hoàn mĩ giữa tốc độ và góc cúi đầu đã tạo nên một lời chào quá sức hoàn mỹ. Tôi bắt đầu thấy ghen với tư chất vừa điềm tĩnh vừa trang nhã của cô ấy. Thầy Morishita dường như vừa tắt đài trước sự lễ phép của Chitanda, đã nhanh chóng trở lại với cái giọng oanh tạc của thầy.

“Thầy thấy cửa không khoá nên vào đây. Hai đứa sao lại vào phòng chuyên biệt mà không xin phép hả? Tên gì lớp nào?”

… Hở, cái gì mà không xin với lại chẳng phép?

“Em là Oreki Houtarou lớp 1-B. Với lại thầy à, đây là phòng họp của CLB Cổ Điển và thầy đang làm gián đoạn buổi họp đầu tiên của tụi em đấy.”

“CLB Cổ Điển?”

Không giấu vẻ nghi ngờ, thầy hỏi tiếp : “Chẳng phải đã bị giải tán rồi sao?”

“Nếu không có ngày hôm nay thì nó chắc chắn sẽ thế. Thầy có thể xác minh với thầy quản nhiệm, là…”

“Thầy Ooide đấy ạ!”

“Vâng, thầy có thể xác minh với thầy Ooide.”

Lời giải thích phù hợp trong một hoàn cảnh phù hợp. Thầy Morishita chỉ còn có thể dịu giọng xuống,

“Ồ ra vậy, thế hai em cứ tiếp tục đi.”

“Cám ơn thầy.”

“Và nhớ trả lại chìa khoá trước khi về đó.”

“Vâng, thưa thầy.”

Thầy Morishita nhìn chúng tôi lần nữa trước khi đóng sập cửa lại.

Chitanda lại co rúm trước tiếng động ấy, rồi khẽ thì thầm : “Thầy ấy…”

“Hửm?”

“…là một giáo viên thích âm thanh lớn.”

Tôi cười khì.

Vậy là,

Chẳng còn việc gì neo tôi lại đây nữa.

“Được rồi, vậy là phần giới thiệu đã xong. Về thôi.”

“Ơ? Vậy là hôm nay không có hoạt động gì sao?”

“Ừm, và mình sẽ về nhà.”

Tôi xách cái cặp nhẹ tênh và quay lưng lại với Chitanda,

“Nếu muốn ở lại thì cứ khoá cửa. Cậu không muốn bị la bất tử như hồi nãy nữa phải không?”

“Ể?”

Tôi đang đi ra khỏi phòng.

Nói đúng hơn, tôi đã phải ra khỏi phòng nếu không bị thứ âm thanh khó hiểu của Chitanda làm khựng lại.

“Khoan đã…”

Tôi quay lại là thấy một vẻ mặt cứ như tôi vừa nói điều gì khó hiểu lắm vậy.

“Làm sao mà mình khoá cửa được?” Cô ấy đáp tỉnh bơ.

“Sao lại không được?”

“Vì mình đâu có chìa khoá.”

À quên, là tôi đang giữ mà. Tôi lấy ra một chiếc chìa từ túi áo rồi đưa cho cô ấy.

“Nè giữ lấy … À không, ý mình là, Chitanda-san cầm lấy này.”

Nhưng Chitanda không phản ứng. Cô ấy chỉ nhìn đăm đăm vào chiếc chìa kẹp giữa hai đầu ngón tay tôi. Một hồi sau cô khẽ nghiêng đầu mà nói : “Oreki-san sao lại giữ chìa?”

Vài con ốc vít vừa long ra khỏi đầu ai kia thì phải.

“Ơ, không có chìa thì làm sao mà vào phòng? Đợi đã … thế quái nào … à xin lỗi, ý mình là làm sao mà Chitanda-san vào đây được?”

“Lúc mình đến thì cửa đâu có khoá. Mình nghĩ chắc có thành viên nào đã đến trước và để cửa mở, vậy là không cần chìa mình vẫn vào được.”

Ra là vậy, không như tôi đã được thông báo từ “cựu thành viên”, Chitanda không hề biết ngoài tôi ra CLB chẳng có thành viên nào khác.

“Vậy sao? Khi mình đến đây thì cửa đã bị khoá.”

Câu trả lời đầy tự nhiên của tôi hoá ra là một sai lần lớn. Ánh mắt của Chitanda ngay lập tức thay đổi, đầy sắc cạnh mà chằm chằm hướng về phía tôi…

Là tôi ảo giác hay hai đồng tử của Chitanda vừa phồng to lên trông thấy. Tiếp tục nhìn thẳng gương mặt có lẽ là đang hốt hoảng của tôi, cô ấy chầm chậm nói : “Khi bạn bảo cửa bị khoá, ý bạn là cái cánh cửa ra vào phải không?”

Vẫn còn hoang mang về sự thay đổi bất chợt vừa rồi, tôi gật đầu trước câu hỏi ngô nghê ấy. Thế rồi không biết là chủ động hay vô thức, Chitanda tiến một bước về phía tôi.

“Vậy có nghĩa là … mình đã bị nhốt ở trong phòng đúng không?”

Tiếng gậy nện vào quả bóng chày nghe cái bốp đã tai. Dù rất muốn về nhưng có vẻ tôi sẽ phải hầu Chitanda một buổi nói chuyện nữa. Khẽ thở dài cam chịu, tôi lại để chiếc cặp da xuống đất.

Bị nhốt, Chitanda vừa nói thế à? Tôi bèn suy nghĩ : tôi giữ một cái chìa, Chitanda trong phòng, tôi không có khoá cửa. Xong! Câu trả lời quá ư rõ ràng.

“Hay là chính bạn đã khoá cửa từ bên trong phòng?”

Ngay lập tức Chitanda lắc đầu nguây nguẩy.

“Mình không có khoá đâu.”

“Ngoài bạn ra thì ai có thể khoá phòng chứ?”

“…”

“Với lại, người ta đôi khi cũng hay quên rằng mình đã khoá cửa hay chưa, đó là chuyện thường…”

Nhưng xem ra Chitanda chẳng để ý chút gì vào lời giải thích, cô bỗng đưa tay chỉ vào thứ gì đó sau lưng tôi.

“Hình như … bạn của Oreki-san đang đứng ngoài nhỉ?”

Tôi quay lại và thấy cái cổ áo đồng phục đen nhánh giữa hai khe cửa. Ánh nhìn của tôi và kẻ nghe trộm gặp nhau trong một tích tắc là đủ để tôi nhận ra cặp mắt nâu luôn hớn hở như cái miệng của chủ nhân nó vậy. Tôi cao giọng nói,

“Nghe trộm người khác nói là thói quen xấu. Ra đây coi Satoshi!”

Cửa mở, và đúng như lo ngại cái tên vừa bước vào là Fukube Satoshi. Không một chút xấu hổ hắn chống chế tỉnh bơ : “A xin lỗi, thiệt tình là hổng có định nghe trộm đâu.”

“Không định nhưng có làm thì cũng vậy.”

“Dĩ nhiên. Chỉ là tớ không thể cưỡng lại cơ hội được nhìn thấy Houtarou tiết-kiệm-năng-lượng lại đang dành một lượng thời gian hào phóng với một bạn nữ sinh trong một căn phòng quá ư biệt lập thế này. Chà, lại có cả ánh tà dương nữa chứ, bỏ qua thì thật đáng tiếc!”

Hắn đang lảm nhảm cái gì vậy nhỉ?

“Tưởng cậu về nhà rồi?”

“Đã định, trước khi thấy cảnh ‘động phòng’ của hai người. Rút kinh nghiệm lần sau tớ phải cẩn thận hơn nữa trong sự nghiệp nghe trộm.”

Quá hiểu cái thói bông đùa của thằng này nên tôi có thể dễ dàng phớt lờ, nhưng đối với người mới gặp kiểu gì cũng bị những trò chọc phá của hắn quay như chong chóng…

…Và Chitanda là tiêu biểu.

“Ơ…ơ… mình…”

Vẻ điềm tĩnh thường trực đã biến mất và để lại trên hai gò má một màu đỏ hoe. Chitanda có lẽ thuộc tuýp người để gương mặt nói dùm cho cảm xúc. Hiện tại thì gương mặt ấy đang nói : “Nhìn tui nè, tui xấu hổ nên đỏ mặt đó nha!” Nhìn cô ấy lóng ngóng vậy cũng hài phết, nhưng tôi quyết định dừng trò đùa tại đây.

May một nỗi, Satoshi biết tự đặt ra giới hạn cần thiết cho những trò quậy của mình. Tất cả việc cần làm là hỏi hắn một câu đơn giản:

“Nghiêm túc không đấy?”

“Trang trọng tuyên bố là không.”

“Phù…”, Chitanda tỏ ra nhẹ nhõm hẳn. Cũng như tôi Satoshi có một phương châm riêng : “Mọi trò đùa phải chọc đúng chỗ và dừng đúng lúc, bằng không sẽ thành những lời nói dối thiếu suy nghĩ.”

“Oreki-san, bạn này là ai thế?”

Sau trò đùa hơi quá ấy Chitanda bắt đầu nhìn Satoshi với ánh mắt cảnh giác hơn. Có lẽ phải giới thiệu thật rồi, không thì chuyện sẽ chẳng đi đến đâu hết. Tôi đáp : “Ồ nếu bạn đang hỏi tên hơi-giống-người này, thì đó là Fukube Satoshi.”

“Hơi-giống?”

Cả tôi còn phải công nhận mình giới thiệu quá đỉnh.

“Haha, lời quảng cáo hơi bị được đó! Rất vui được gặp bạn, và bạn là …”

“Chitanda, Chitanda Eru.”

Vừa nghe đến cái họ Satoshi đã thể hiện một phản ứng không ngờ : hắn đứng phỗng như trời chồng và chẳng nói năng gì. Đối với một đứa dùng miệng nhiều hơn chân tay thì dịp được nhìn thấy hắn im lặng lâu thế này chắc còn hiếm hơn trúng độc đắc.

“Chi … Chitanda-san? Là Chitanda đó ư?”

“Hửm? Mình không biết là bạn đang nói là Chitanda nào, nhưng mình tin rằng trong trường chỉ có mình là mang họ đó thôi.”

“Vậy là đúng rồi! Quả là một bất ngờ lớn!”

Satoshi ít khi biết “bất ngờ” là gì. Từ lâu tôi luôn là người há hốc mồm trước lượng kiến thức khổng lồ về hầm bà lằng thể loại mà hắn đã dày công tìm hiểu. Kì này điều gì lại làm hắn bất ngờ đến vậy?

“Này Satoshi, giờ là gì nữa đây?”

“ ‘Gì nữa đây’ là làm sao? Biết là cậu nghèo thông tin lắm, nhưng chả lẽ một gia tộc lớn như Chitanda cũng không biết ư?”

Hình như là không, nhìn lâu Satoshi lắc đầu và thở dài một cách đầy thất vọng dĩ nhiên là một cách châm chọc của hắn. Thật tình thì tôi chẳng thấy chút tủi hổ gì khi tỏ ra đần độn trước mớ tri thức hữu dụng cũng nhiều nhưng vô dụng chẳng ít của hắn.

“Nhà của Chitanda-san thì làm sao?”

Gật đầu ra vẻ hiểu biết, Satoshi bắt đầu giải thích :

“Trong số các gia tộc lâu đời ở vùng Kamiyama này thì nổi tiếng nhất là bộ tứ ‘Luỹ thừa gia tộc’ : nhà Juumonji (十文字) cai quản đền Arekusu, nhà Sarusuberi (百日紅) điều hành hầu hết các hiệu sách, nhà Chitanda (千反田) sở hữu những thửa ruộng bạt ngàn cùng với nhà Mannibashi (万人橋) trấn giữ cả vùng núi. Chữ Hán tự đầu tiên của mỗi nhà đại diện cho từng bậc luỹ thừa liên tiếp của số 10 (十 =>10, 百 =>100, 千 =>1000, 万 =>10000) nên mới được gọi là ‘Luỹ thừa gia tộc’. Các gia tộc khác đủ sức sánh ngang với bộ tứ chỉ có nhà Irisu quản lí bệnh viện địa phương va nhà Toogaito thống trị ngành giáo dục mà thôi.”

Đơ mặt, tôi chớp chớp mắt và hỏi lại : “Bộ tứ? Có nghiêm túc không đấy Satoshi?”

“Thô lỗ quá nha. Ai mà đủ sức bịa ra chuyện như thế?”

Satoshi mà đã khẳng định cái gì đúng thì đố mà kiếm được lỗi sai.

Những gia tộc nổi tiếng và lâu đời nhất? Trong khi hắn còn quắc mắt nhìn tôi thì Chitanda đã lên tiếng,

“Ưm, mình có nghe về chuyện đó, mặc dù mình không nghĩ gia đình mình nổi tiếng đến thế …”

“Thấy chưa? Vậy là nói thật đấy nhé!”

“…nhưng mà, chưa bao giờ mình nghe nói đến thứ gọi là ‘Luỹ thừa gia tộc’.”

Ánh mắt tôi chuyển lại về hướng Satoshi, hắn ta bèn nhún vai,

“Họ nổi tiếng thật mà.”

“Nhưng cái màn luỹ thừa luỹ thiếu ấy là cậu tự bày ra đúng không?”

“Thiệt tình mà nói, tớ luôn khoái là người đầu tiên bắt đầu một truyền thuyết nào đó.”

Có lẽ muốn mang chóng kết thúc chủ đề. Satoshi vỗ hai bàn tay vào nhau mà nói : “Thôi bỏ đi. Vậy Houtarou à, vấn đề hồi nãy hai người đang bàn tán là gi thế?”

Cái tên láu cá tò mò. Tôi bèn thuật lại chi tiết thật nhanh gọn cho hắn…

Trời bắt đầu tối nên Chitanda mở đèn trong phòng lên. Nghe xong Satoshi liền khoanh tay lại và nói bằng giọng hơi xìu :

“Hừm, vậy thì thật là kì.”

“Kì gì? Đơn giản là Chitanda-san quên rằng mình đã khoá cửa, thế thôi.”

“Không, kì thật đó!”

Satoshi duỗi hai tay ra rồi vỗ cái bốp,

“Gần đây nhiều trường bắt đầu quan tâm hơn đến việc kiểm soát cơ sở hạ tầng và hành vi học sinh, và trường ta cũng không ngoại lệ. Cao trung Kami quản lí từng lớp học theo nhiều phương pháp khá chặt chẽ - và khó chịu. Trong trường hợp cậu không để ý, thì không có bất cứ phòng học nào ở đây có thể khoá từ bên trong, lí do là để ngăn không cho học sinh có thể làm gì mờ ám.”

Satoshi kết thúc lời giải thích của mình với vẻ mặt đắc thắng. Thừa biết khả năng nhồi nhét thông tin đáng sợ của hắn nhưng biết thế này có nhiều quá không? Trong hoàn cảnh chúng tôi mới vào trường chưa đầy một tháng.

“Có phiền giải thích vì sao cậu lại ‘để ý’ cái vụ khoá trong này không?”

“Thú thực tuần trước tớ có ý định trốn trong lớp sau giờ học để táy máy một tí, nhưng kế hoạch đã hoàn toàn thất bại.”

“Biết không? Tớ ngờ là trường mình đã thiết kế mấy cái khoá như vậy để đặc biệt ngăn mấy phần tử như ai kia làm gì mờ ám thì đúng hơn.”

“Ừm, chắc vậy.”

“Muốn cá không?”

Chúng tôi đều cười. Sau tràng cười ấy tôi để ý Chitanda lùi lại một bước, tôi bèn nuốt nước miếng rồi nói : “Vậy, là cái ổ khoá có vấn đề. Trời cũng tối rồi, mình về nhé.”

Tôi đứng lên và quay mặt ra cửa.

Có ai vừa nắm lấy một bên vai. Tôi quay lại và thấy Chitanda đã tiếp cận tôi từ phía sau lúc nào không biết.

“Xin bạn đợi đã.”

“Chuyện gì nữa?”

“Mình rất là hiếu kỳ!”

Mặt đối mặt với Chitanda ở cự ly gần làm tôi hơi ngại.

“Thì sao?”

“Tại sao mình bị nhốt? Và hơn nữa … nếu không có thành viên khác thì ngay từ đầu tại sao cửa lại không khoá, và mình lại vào được?”

Ánh nhìn của Chitanda như ẩn chứa một quyền lực không bao giờ chấp nhận những câu trả lời dễ dãi. Cảm giác bị cái quyền lực đó lấn át, tôi ngoan ngoãn đáp : “Vậy ý bạn là gì ?”

“Nếu là do sơ suất thì người đó là ai? Và làm sao họ bất cẩn tới mức nhốt tớ ở trong đây?”

“Mình thì nghĩ là vấn đề của ổ khoá …”

“Mình thực sự hiếu kì về chuyện đó!”

Cô ấy vừa nói vừa tiến về trước, khiến tôi phải giật lùi về sau.

Chitanda là một cô gái thanh lịch, đó là những gì tôi đã nghĩ khi xét vẻ bề ngoài, và đúng thật đó chỉ là mặt nổi. Ở khoảng cách gần thế này tôi nghĩ mình đã vừa khám phá ra bản chất thật sự của cô ấy. Trong đôi mắt thật to của Chitanda tràn đầy một nỗi phấn khích tột độ, trái ngược hẳn với phong thái thuần chân mà cả cơ thể từng cố gắng thể hiện. Đôi mắt đó chính là bản chất.

Mình hiếu kì!

Một câu nói ấy thôi dường như đã làm tôi ấn tượng về cô tiểu thư của “Luỹ thừa gia tộc”- như một định nghĩa cực kỳ nguyên bản của tính “hiếu kì” thực sự!

“Ắt hẳn phải có lý do. Oreki-san và Fukube-san nữa, hai bạn giúp mình suy nghĩ được không?”

“Tại sao mình phải …”

“Ô, cũng thú vị đó!”

Chặn lời tôi, Satoshi ngay lập tức chấp nhận. Hắn là thế mà, còn tôi thì : “Mình về trước, không có hứng.”

Giải thích hay suy luận thêm chỉ làm số năng lượng tiêu hao trong ngày tăng lên mà thôi. Phí. Không phải chuyện của mình, không làm.

Nhưng bực một nỗi, thằng bạn chí cốt Satoshi luôn biết cách khuất phục sự thờ ơ dễ làm người ta phát khùng của tôi. Hắn nài nỉ : “Ôi thôi mà Houtarou, giúp tụi này tí đi. Kết luận không thể rút ra khi chỉ có mỗi cơ sở dữ liệu, phải không nào?”

“Dài dòng quá đi, tớ …”

Tôi định tiếp tục thì thấy Satoshi đánh mắt sang hướng khác. Bên đó là Chitanda …

“Ưm …”

Không nói lời nào, và tay nắm chặt hai bên váy, cô nãy giờ chỉ chăm chăm vào cái thằng tóc bù xù trước mặt. tôi bất giác lùi thêm một bước về phía sau. Xét về khả năng bộc lộ mãnh liệt của tính cách tôi dám chắc rằng Chitanda không thua kém gì bà chị yêu dấu của tôi cả - người mà Satoshi nếu gặp sẽ cho tôi cảnh bào : “Cẩn thận coi chừng bị dắt mũi!”

Chọn điểm nhìn nằm giữa Satoshi và Chitanda, tôi nhẹ nhàng gật đầu và miễn cưỡng theo vụ này, bởi vì có trời mới biết chuyện gì xảy ra nếu tôi từ chối.

“…Ờ, quả là thú vị thật. Để nghĩ thử xem nào.”

Câu trả lời với cái giọng bất cần đời đó là đủ để Chitanda trở về trạng thái bình thường.

“Oreki đã nghĩ ra chưa vậy?”

“Cứ từ từ. Houtarou luôn suy nghĩ rất kĩ trước khi hành động. Đã khi tên này nghiêm túc suy luận thì cám cũng thành cơm cho mà xem!”

Lại nhiều chuyện. Chẳng có gì để tự hào khi ai cũng biết hành động trước khi suy nghĩ đến nơi đến chốn chưa bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp.

Và tôi bắt đầu tập trung …

Khi Chitand đến thì cửa mở, khi tôi đến thì cửa khoá.

Theo những gì Satoshi vừa kể thì không cách nào Chitanda tự khoá trái mình trong phòng cả. Tuy nhiên, đôi khi những thám tử hay đi tìm một giả thuyết mang tính “chủ quan” – xem trọng yếu tố tham gia của con người mà bỏ qua những yếu tố vô thức của họ. Ví dụ, có thể cánh cửa đang ở trạng thái nửa-khoá khi Chitanda bước vào phòng, và cái lò xo sau đó có thể đã bị chấn động khi cánh cửa bị đóng lại mà khoá luôn. Thế là cô ấy bị nhốt.

Sau khi nói ra giả thuyết của mình, tôi thấy Chitanda gật gù nhưng vẫn đăm chiêu suy nghĩ, còn Satoshi thì ngay lập tức lên giọng :

“Và đó là một tình huống bất khả thi. Chẳng còn cái ổ khoá nào ở trường Kami này lỗi thời đến mức dính phải trạng thái nửa-khoá cả , với lại giả sử có nửa-khoá thật đi nữa thì cái người để cửa mở trước khi Chitanda-san vào làm sao rút chìa ra?”

Đúng là những suy luận kiểu nửa vời thế này thường thất bại.

Nếu đã vậy, thì cửa chắc hẳn phải được khoá bởi một người hoàn toàn tỉnh táo. Tôi bèn hỏi Chitanda : “Bạn có nhớ là vào đây từ khi nào không?”

Chitanda ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời : “Có lẽ chừng ba phút trước khi bạn đến, mình nghĩ vậy.”

Ba phút thì quá ít ỏi, đó là chưa kể đến phòng này lại khá biệt lập trong trường.

… Nan giải thật! Ngay khi tôi bắt đầu tìm một hướng đi khác Chitanda chợt thốt lên :

“A!”

“Gì vậy Chitanda-san?”

“Mình nghĩ ra rồi. Ai là người giữ chìa khoá?”

“Hở, ai?”

Chitanda tươi tắn, và vì một lí do nào đó tôi cảm thấy điềm chẳng lành.

Đúng boong! Cô bạn của chúng ta quay mặt về phía tôi và nói : “Dĩ nhiên là Oreki-san, bạn là người duy nhất giữ chìa khoá!”

Thấy linh cảm của tôi ghê chưa? Không dừng lại tại đây, cô tiểu thư của chúng ta lại nhận ra điều gì đó mà tiếp tục : “Ơ, nhưng mà có khả năng xảy ra điều đó không? Liệu Oreki-san có phải là người đứng đắn không nhỉ?”

Nói thế trước mặt người đang được chính mình nhờ vả thì cô bạn này quả là tỉnh thật! Khi tôi còn chưa biết dùng lời gì để biện hộ cho mình thì Satoshi đã cười phá lên,

“Thật tình thì tớ chả biết chắc Houtarou có đứng đắn hay không, nhưng tớ không nghĩ cậu ta khoái trò khoá trái nữ sinh trong phòng đâu. Bởi, thế cũng chẳng xơ muối được gì.”

Chuẩn không cần chỉnh, đúng là bạn chí cốt. Mắc gì tôi phải làm cái trò vô bổ này?

Vậy là vô tội rồi nhé.

Quay lại điểm xuất phát. Vậy… thủ phạm là ai?

Không nghĩ ra ý tưởng nào khả thi, tôi lại vò đầu. Tự dưng tôi cảm thấy tội lỗi khi mình phải hỏi ngược lại : “Không ổn chút nào. Hai người có manh mối gì không?”

“Manh mối? Ý bạn là cái gì?”

“Manh mối là manh mối.”

Satoshi bèn khai triển thêm từ lời giải thích đơn giản đến ngớ ngẩn của tôi :

“Những thứ khác biệt, hoặc là làm cho người ta cảm thấy kì lạ. Bạn nhớ xem có thứ gì như vậy hay không Chitanda-san?”

“Ưm, bạn nhắc mình mới nhớ…”

“Đúng là có gì bất thường sao?” Mặc dù tôi chẳng mong đợi gì nhiều từ những “phát hiện” của cô ấy. Chitanda nhìn quanh phòng một lượt rồi hướng mặt xuống sàn nhà, cô nhẹ nhàng nói : “Lúc một mình trong phòng, mình đã nghe vài tiếng động phát ra ở dưới chân.”

Tiếng động?

Vậy đúng là có người khoá cửa sao? Chẳng biết nữa…

Mà không, đúng rồi! Nếu là trường hợp đó…

…Ra vậy. Tôi phần nào đã thấy được kết luận của mình, và Satoshi đã nhận ra điều đó.

“Nghĩ ra cái gì rồi à Houtarou?”

Tôi im lặng xách cặp lên.

“Bạn, bạn tính đi đâu vậy Oreki-san?”

“Chúng ta sẽ đến hiện trường của vụ án, nếu hên thì nó vẫn còn đó.”

Tôi cảm thấy Chitanda theo sau rất sát, còn Satoshi cũng phấn khích chẳng kém.

Sắp đến giờ đóng cửa. CLB ở lại trễ nhất là đội bóng chày đã bắt đầu thu dọn đồ đạc. Chitanda và Satoshi – hai người mà đúng ra tôi đã chào tạm biệt từ lâu rốt cuộc lại đi cùng. Đúng hơn, hai người họ đang theo sau tôi.

Chitanda tiến lên bên cạnh tôi và hỏi : “Nói cho tụi mình biết đi, bạn nghĩ ra điều gì thế?”

Satoshi bồi thêm vào : “Bạn ấy nói đúng đấy. Đặc biệt tớ với cậu là bạn thân nhất của nhau nên không được có bí mật đâu nha!”

“Dừng cái màn ‘bạn thân’ dùm cái.” Vẫn hướng mặt về phía trước tôi nói tiếp : “Gọi là bí mật cũng chẳng đúng lắm, chỉ là nó quá giản đơn nên không cần phải giải thích.”

“Có thể là đơn giản với Oreki-san, nhưng quả thật mình vẫn cần được giải thích một chút.”

Chitanda hơi bĩu môi… đúng là với cô tiểu thư này tránh né hay trả lời đều tốn năng lượng. Tôi bèn phủi cặp vài cái trong khi tìm cách mở lời phù hợp:

“Được rồi, bạn nghĩ sao nếu mình cho rằng bạn đã bị nhốt bởi một người sử dụng chìa khoá chính?”

Chitanda ngạc nhiên và trở nên hào hứng thấy rõ. Kiểu này phải giải thích tường tận thật rồi.

“Ể? Làm sao lại như vậy?”

“Chúng ta đã biết phòng Địa Chất nằm khá biệt lập trong trường. Nếu thủ phạm khoá cửa bằng chìa phụ thì sau đó hắn phải trả nó lại cho thầy phụ trách để mình có thể mượn mà lên đây. Ba phút là quá ngắn ngủi để làm được điều đó.”

“Ra là thế! Vì mỗi chìa chính chỉ được cắt ra một chìa phụ, và nếu bạn đang giữ chìa phụ thì chắc chắn kẻ đó đã dùng chìa chính.”

Chính xác, và thông thường học sinh không được sử dụng chìa chính.

Hơn nữa, còn có một manh mối quan trọng chống đỡ cho giả thuyết trên…

“Chitanda-san, bạn có nói đã nghe thấy tiếng động phát ra từ dưới dàn phải không?”

“Đúng vậy.”

“Vậy nếu từ sàn nhà tầng bốn vang lên thì bạn nghĩ xem tiếng động đó có thể đến từ đâu?”

Satoshi đột nhiên xen ngang : “Từ trần nhà tầng ba phải không?”

“Chính xác, và đó chính là người đã sử dụng chìa chính.”

Người duy nhất phải động chạm đến mấy thứ trên trần vào giờ này chỉ có thể là …

“Thật tuyệt vời khi bạn đoán ra được là chú thợ sửa chữa”, Chitanda gật đầu nhận xét.

Người duy nhất ngoài chúng tôi đang đứng ở tầng ba là chú thợ đang vác một cái thang lớn. Vừa ra khỏi phòng chú liền đặt cái thang sang bên và rút từ trong túi một chùm chìa khoá. Rồi ngay trước mắt chúng tôi, chú dùng cái chùm chìa ấy lần lượt khoá tất cả các phòng ở tầng này. Vậy có thể tóm tắt như sau : đầu tiên chú mở khoá hết các phòng của một tầng lầu rồi tuần tự kiểm tra và sửa chữa từng phòng, xong việc thì khoá lại cùng lúc. Nếu ai mà lỡ xui xẻo vào phòng lúc nó còn không khoá và ở lại một thời gian thì sẽ bị nhốt, và Chitanda của chúng ta đã rút trúng cái quẻ đen ấy.

Nhìn chú ấy phải vác cái thang cao thế kia có lẽ là phải thay bóng đèn, con tắc-te[9] hay là chuông báo cháy. Thôi, dù sao thì thắc mắc của Chitanda đã được giải quyết ổn thoả. Vụ án khép lại.

“Thấy chưa? Đã bảo cậu ta mà chịu động não thì cái gì cũng xong!”

“Đúng thật, mình vẫn còn kinh ngạc đây này!”

Tôi không tự thấy mình đáng “kinh ngạc” đến thế. Nếu không có thông tin của Satoshi về hệ thống khoá của trường, và nếu Chitanda không chú ý đến tiếng động dưới sàn nhà dám tôi phải giả ngơ đến tối cho qua chuyện quá. Mà kệ đi, hai người đó muốn ca tụng thế nào thì tuỳ, quan trọng là rắc rối đã được giải quyết, xong. Tuy vậy khi nhìn Chitanda đang dành ánh mắt ngưỡng mộ rất chân thành cho tôi thì những suy nghĩ phàn nàn về số năng lượng đã thất thoát trong ngày đã trôi tuột đi đâu mất.

“Nói thật mình vẫn còn băn khoăn một chỗ, ở nơi im ắng như phòng Địa Chất mà bạn lại không nghe thấy tiếng cửa bị khoá.”

Chitanda không xem đấy là lời chê trách. Cô ấy chỉ cười.

“Ưm… mình có thể giải thích. Lúc đó… mình đang mải nhìn cái nhà kia, bên cửa sổ.”

Cô nói rồi chỉ về phía đường cái. Nhà tập võ là một căn nhà gỗ, trông khá tồn tàn vì bị phơi ra trước thiên nhiên quá lâu. Tôi quyết định nói cho Chitanda biết suy nghĩ thật của mình : “Bạn chú tâm đến mức bị thôi miên bởi căn nhà gỗ ấy hả?”

“Không đến mức đó đâu, mình chỉ cảm thấy căn nhà đó khá là bi ẩn.”

“Hửm?”

Tôi không phải kiểu người dễ coi một thứ là bí ẩn, nhưng có vẻ Satoshi biết được chuyện gì nên hắn khẽ nói : “Đúng là nó đặc biệt cũ xưa.”

“Đúng vậy!”

Chỉ thế thôi à? Tôi bắt đầu không hiểu cô ấy. Chẳng biết đó là tính trang nhã của một tiểu thư, hay là sự hồn nhiên của một cô gái hay mơ mộng nữa.

Chúng tôi dừng lại bên cột đèn giao thông đang sáng màu đỏ, cùng với một số học sinh khác đi về nhà.

“Mà này, hình như chúng ta chưa chào hỏi nhau đàng hoàng thì phải?” Chitanda thong thả nói.

“Chào hỏi?”

“Đúng thế, CLB Cổ Điển từ mai sẽ chính thức đi vào hoạt động. Mong rằng chúng ta sẽ thật là vui vẻ!”

Câu – lạc – bộ! Hoàn toàn quên khuấy mất! Cái ý định chỉ đi xem qua phòng họp đã bị thay đổi trước sự hiện diện của Chitanda. Đơn cũng đã nôp, danh sách cũng đã có, vậy là trong vòng ít nhất một tháng tôi sẽ phải là thành viên chính thức của CLB Cổ Điển.

Tôi gục đầu xuống chán chường vừa lúc Chitanda quay sang Satoshi, cười nói :

“Bạn cũng tham gia vào CLB với tụi mình nhé Fukube-san?”

Satoshi khoanh tay làm điệu bộ đăm chiêu suy xét, nhưng rất nhanh chóng đáp lại : “Nghe có vẻ thú vị đấy. Được rồi, mình vô!”

“Hân hạnh được làm quen với bạn, Fukube-san!”

“Đúng ra mình mới phải nói thế … à mà cũng rất hân hạnh được làm quen với bạn Houtarou nhé!”

Tôi lườm hắn một cái.

Đèn vừa chuyển sang màu xanh và dòng người bắt đầu chuyển động. Thò tay vào túi áo tôi chạm vào lá thư ở bên trong. Bà chị yêu dấu. Sáng nay tôi đã có một cảm giác kì lạ : khi lá thư của Tomoe Oreki được gửi đến thì dường như là có gì đó, như một cuộn phim đã bắt đầu khởi chạy.

Vui chưa chị? Chỉ trong một ngày đã có ba vệ sĩ cho kỉ niệm thanh xuân của chị rồi đấy. CLB Cổ Điển giàu truyền thống đã được hồi sinh, và từ đây em cũng chào luôn những tháng ngày tiết kiệm năng lượng thanh bình của mình. Đừng có mà hỏi tại sao.

“Suýt nữa thì quên mất, tụi mình vẫn chưa hầu hội trưởng CLB nữa.”

“Ừ ha! Houtarou chắc chắn là không phù hợp với chức vụ này.”

Phương châm sống của mình đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nếu chỉ có Satoshi thì còn dễ xử lí, đằng này …

Ánh nhìn của chúng tôi gặp nhau, Chitanda lại cười với đôi mắt tròn to.

Vấn đề chính là cô gái này đây, một cảm nhận mơ hồ chợt thoáng qua tôi…

CHƯƠNG 3: NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA CLB CỔ ĐIỂN LÂU ĐỜI[]

Vào rồi tôi mới bắt đầu tự hỏi, thế cái CLB Cổ Điển này làm gì nhỉ? Ba năm liền không có thành viên đồng nghĩa với việc lớp thành viên cũ đều đã ra trường, trong khi tôi không có hứng hỏi thầy cô chút nào, và cựu-thành-viên-yêu-dấu thì biệt tăm biệt tích ở mãi Beirut. Ha, quả là hiếm có CLB nào mà tự thân nó còn chả biết được nó làm cái gì, mặc dù thật ra ở Kamiyama vẫn có một vài CLB – mà chính sự tồn tại và phương thức hoạt động của nó – vẫn nằm trong vòng bí ẩn.

Một tháng đã trôi qua sau sự “hồi sinh” thần kì ấy. Tổng hành dinh của CLB Cổ Điển – phòng Địa Chất học – đã không trở thành chốn riêng tư nhưng vẫn phù hợp để thành một nơi thư giãn. Mỗi khi chưa muốn về nhà thì tôi lại tìm tới đây và trông thời gian trôi qua. Lúc thì có Satoshi, lúc thì Chitanda, có lúc là cả hai và cũng có khi tôi may mắn được ở một mình nhưng nói chung tôi không nề hà lắm việc có hai người họ ở đây hay không. Chúng tôi có thể chuyện trò, hoặc chỉ đơn giản là ngồi ngây ra đó. Satoshi nhìn vậy thôi nhưng là một tên rất giỏi chịu đựng sự yên lặng, còn Chitanda luôn giữ được vẻ điềm tĩnh vốn có của mình – ít nhất là tới khi quả bom “hiếu kì” của nhỏ phát nổ. Nói cách khác, dù chẳng ai muốn nhưng chúng tôi giống cái hội lười biếng hơn là một CLB có thớ.

Tôi chưa bao giờ giỏi ăn nói với người khác, mặc dù thằng bạn Satoshi luôn nỗ lực để chứng minh điều ngược lại.

Hôm nay mưa phùn, và tôi đang ngồi trong phòng họp cùng với Chitanda. Trong khi nhỏ ngồi ngay giữa phòng với một cuốn sách dày cui thì tôi chọn vị trí sát với cửa sổ và đọc một cuốn truyện bìa mỏng rẻ tiền. Hiếm có khoảng thời gian nào đáng chán hơn lúc này.

Nhìn vào đồng hồ tôi nhận thấy chỉ mới ba mươi phút trôi qua. Quá chậm. Có thể bạn đang nhìn vào và bảo rằng tôi đang thoải mái nhưng chuyện lại không tốt đẹp như vậy đâu. Thú thực dạo gần đây tôi khá là căng thẳng và lo âu nên phải ráng ép mình “thoải mái” mà thôi. Duy trì chế độ tiết kiệm năng lượng quả là một điều khó.

Xen vào khoảng không trầm mặc chỉ có tiếng của mưa rơi và những trang sách bị lật.

“…”

Bắt đầu thấy buồn ngủ rồi, chắc tôi sẽ về nhà ngay khi mưa tạnh.

Thụp! Tiếng của một cuốn sách dày cui vừa đóng lại, Chitanda đang ngồi quay lưng về phía tôi khẽ thở dài và lẩm bẩm :

“Sao mà cằn cỗi thế?”

Nhỏ không nhìn tôi nhưng chắc chắn rằng nhỏ vừa bắt chuyện với tôi chứ không phải độc thoại. tôi chẳng biết đáp lại thế nào với lời than thở bất chợt đó. Thôi kệ, cứ hỏi thử xem :

“Cái gì cằn cỗi? Mấy thửa ruộng nhà cậu à?”

“Nhà tớ có hai thửa thôi.”

Chitanda quay về phìa tôi và tiếp lời :

“Một năm thu hoạch hai lần, khó mà bị cằn cỗi lắm.”

“Đúng như mong đợi từ một tiểu thư nhà nông.”

“Không đâu, tớ còn phải học hỏi nhiều.”

Âm thanh của mưa lại thống trị không gian im ắng trong một hồi...

“Nhưng mà tớ đâu có nói về chuyện đất đai?”

“Hồi nãy cậu vừa bảo cái gì ‘cằn cỗi’ ấy.”

“Đúng, rất là cằn cỗi.”

“Là cái gì mới được?”

Chitanda nhìn thẳng vào tôi, rồi nhỏ dang tay phải ra như muốn chỉ toàn bộ căn phòng.

“Tất cả những khoảng thời gian sau tan học! Từ lúc CLB đi vào hoạt động đến giờ chúng ta chưa tận dụng nó để làm việc gì có mục đích hay tạo lợi nhuận gì cả.”

Đúng rồi, làm gì có nơi nào vừa thư giãn mà lại kiếm ra tiền chứ? Tôi đóng quyển sách của mình lại và nhìn nhỏ,

“Tớ không có ý kiến, và cậu có ý tưởng gì muốn CLB làm à?”

“Tớ sao?”

Tôi cố ý hỏi một câu ma mãnh, vì chẳng mấy người thể hiện được rõ ràng mong muốn của mình khi bị hỏi thẳng như thế. Ít ra tôi luôn thể hiện rõ ràng mong muốn của mình là chẳng làm gì cả.

Tuy nhiên tôi đã bé cái lầm, Chitanda không ngần ngại đáp trả :

“Ừm, có chứ!”

“Hở?”

Ngạc nhiên đấy chứ khi nhỏ có thể “ừm” nhanh như vậy. Tôi chưa kịp hỏi là làm gì thì nhỏ đã vội nói : “Mặc dù là lí do cá nhân…”

Thế thì chẳng phải hỏi nữa.

Chitanda lại tiếp tục :

“…nhưng đây là hoạt động chung nên phải gắn liền với mục đích của CLB. Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ mà không làm được gì.”

“Tốt lắm, mặc dù mục đích của CLB là gì chúng ta còn chẳng biết.”

“Nhưng mỗi CLB đều có mục đích mà.”

Với giọng diệu dõng dạc của một hội trưởng CLB và một tiểu thư của gia tộc danh giá, Chitanda tuyên bố : “Chúng ta sẽ xuất bản một tập san văn học vào dịp lễ hội truyền thống tháng mười này!”

Lễ hội?

Tôi đã được tham dự lễ hội truyền thống của trường Kamiyama trước đây nên cũng không quá ngạc nhiên cho lắm. Mô tả cho ngắn gọn : đó là kết tinh của nền văn hoá cực kỳ đa dạng của giới trẻ quanh đây. Và theo lời quảng cáo của Satoshi thì nổi tiếng trong mỗi mùa lễ hội phải kể đến Tiệc Trà dành cho người muốn làm quen với sự thanh cao và cuộc tranh tài Nhảy Hiện Đại luôn sôi sục nhiệt huyết của những tay hứa hẹn sẽ trở thành những “breakdancer” chuyên nghiệp trong tương lai,... bên cạnh vô số những cuộc thi, trò chơi và hoạt động khác từ tất cả các CLB của trường mang lại. Trong ba năm chị tôi học ở đây đã có lần tôi thấy bà chị phải vác một thùng đầy tập thơ đến trường.

Nếu đời học sinh quả thực màu hồng thì cái sắc hồng đó dám chỉ tồn tại trong sự kiện này mà thôi. Để tiếp tục trung thành với phương châm sống tôi nghĩ tốt nhất mình không nên dây vào những thứ như vậy, một chút cũng không.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là một tập san văn học. tôi bèn hỏi Chitanda về thắc mắc chỉ mới hiện ra trong đầu : “Này Chitanda, làm ra tập san chỉ là kết quả, nó không nói lên mục đích của CLB này.”

Chitanda lắc đầu và đáp :

“Không đâu. Nếu mục đích của CLB này là làm ra tập san, thì bằng việc tạo ra kết quả chúng ta đã đạt được mục đích rồi đấy.”

“Là sao?”

“Như tớ đã nói, nếu xem kết quảmục đích thì để đạt được mục đích chúng ta chỉ cần nhắm đến việc tạo ra kết quả.”

Hơi nhức óc vì sự lặp từ, nhưng tôi nghĩ mình đã hiểu ý của nhỏ.

Nhưng nói qua nói lại thì cái việc phải làm một tập văn vẫn là phiền toái. Tôi làm văn không dở nhưng không làm vẫn tốt hơn chứ. Và dù chỉ đơn thuần là một hoạt động hay thậm chính là mục đích tồn tại của CLB đi nữa thì tôi cũng sẽ tốn sức. Nói cách khác - phí năng lượng.

“Làm một tập san thì tốn công quá. Vả lại chỉ có ba người, hay là bỏ …”

Chitanda phản đối rất nhanh:

“Không được, chúng ta nhất định phải làm.”

“Nếu cậu muốn kiếm lợi nhuận thì vào dịp lễ làm một cái sạp bán đồ uống hay cái gì đại loại vậy có phải dễ hơn không?”

“Trường không cho dựng sạp bán hàng trong lễ hội truyền thống đâu, với lại dù gì chúng ta cũng phải làm mà.”

“Sao lại thế?”

“Ngân quỹ hoạt động của CLB được đặc biệt chỉ định cho việc xuất bản tập san, thế nên sẽ rất là rắc rối nếu chúng ta không làm.”

Chitanda rút từ trong túi một mảnh giấy được gấp rất ngay ngắn và đưa cho tôi. Thật vậy, số tiền ít ỏi được ghi trên tờ giấy chính là ngân quỹ hằng năm của CLB Cổ Điển và đã được chú thích “dành cho việc xuất bản tập san” ở bên cạnh.

“Và thầy Ooide cũng đã yêu cầu chúng ta làm tập san. Truyền thống của CLB Cổ Điển là hơn ba mươi năm qua năm nào cũng xuất bản một tập, và thầy chắc chắn là không muốn nó kết thúc đâu.”

“…”

Theo lẽ thường, những người nói năng hợp lí thì đa phần thông minh nhưng không có nghĩa đa phần những người nói năng bất thường thì là lũ ngốc. Chắc chắn Chitanda không ngốc, nhưng ý định của nhỏ tôi hiểu không nổi. Mới nãy còn than thở về “lợi nhuận” với chả “mục đích” rồi rốt cuộc quyết định CLB sẽ làm theo một rập khuôn có sẵn từ ba chục năm trước, cùng với yêu cầu của một ông thầy thích-truyền-thống.

Khi mà việc chống đối lại những thứ đã được dán vào cái mác “truyền thống” thường là hại nhiều hơn lợi, tôi chỉ biết cười cay đắng và chấp thuận.

“Được rồi được rồi, làm thì làm vậy.”

Thế là những ngày thư giãn không-mục-đích-không-lợi-nhuận đã kết thúc, ít ra sức khoẻ của tôi vẫn còn tốt...

Trời chưa tạnh mưa nên tôi đành phải tiếp tục trò chuyện với Chitanda,

“Vậy… chúng ta sẽ xuất bản cuốn tập san này như thế nào?”

“ ‘Thế nào’? Ý cậu là sao?”

“Hằng năm người ta viết loại văn học gì trong đó?”

Tự tin mà nói tôi từng giải quyết khá tốt một số đề văn đề những tác phẩm tiêu biểu như : luận về tác phẩm ‘Bát tuất kí sự’[10], luận về vai trò của vị hoàng đế trong truyện “Mỏ trắng” của “Nguyệt Vũ truyền kì”[11], và gần nhất là “Hãy nêu quan điểm về sự đổi thay trong xã hội Nhật Bản, đồng thời luận về nghệ thuật tự phản biện đặc sắc trong tác phẩm ‘Chiếc gương khổng lồ’[12]” – một danh sách đáng tự hào để kể. Bây giờ tôi phải chấp nhận khả năng viết của mình không còn tốt như trước và cũng chẳng biết cái “truyền thống” sắp bước đến kỉ nguyên hiện đại sẽ dùng loại thơ văn gì đây.

Câu trả lời thật dễ hiểu.

“Ưm … tớ không biết nữa. Nên viết gì đây ta?”

Không ngạc nhiên. Vì nhỏ là hội trưởng nên cũng dễ quên một sự thật là nhỏ vào CLB cùng với tôi – tức là chưa quá một tháng.

“Tớ chắc rằng chúng ta sẽ tìm được chủ đề nếu tham khảo ấn bản của những năm trước.”

“Cậu biết nó ở đâu không?”

“Ở phòng họp CLB chăng?”

Ra là vậy …

Uầy, tôi thấy mình thật là thảm hại khi “tỉnh” với nhỏ như vậy. Từ tốn, tôi trỏ tay xuống phần sàn nhà trước mặt nhỏ.

“Ồ, đây chính là phòng họp!”

Một trăm điểm!

“Mặc dù chẳng trông như vậy chút nào …”

Đúng thế thật.

Phòng địa chất ngoài một số máy móc và dụng cụ học tập chuyên dụng thì chỉ có bảng, bàn và ghế. Chẳng có chỗ nào trong phòng có vẻ như được dùng để trữ sách cả.

“Hình như không có ở đây rồi.”

“Còn phải nói.”

“Vậy thì, tụi mình đến thư viện nào!”

Nghe hợp lí đấy, tôi gật đầu. Chitanda xách cặp rồi dứng dậy.

“Mình đi nào.”

Không thèm chờ tôi phản ứng nhỏ đã mở cửa và bước ra ngoài. Nhỏ đúng là quá chủ động so với vè ngoài thục nữ của mình. Vả lại, nói cho bạn biết, sở dĩ tôi đồng tình nhanh như vậy là vì thư viện nó nằm trên đường từ đây ra cổng …

Khoan!

Đợi đã! Hôm nay là thứ sáu, vậy thủ thư sẽ là …

“Ô, chẳng phải Oreki đây sao? Lâu rồi không gặp, mặc dù tôi có nhớ nhung gì ông đâu?”

Vừa bước vào thư viện tôi đã được đón tiếp bằng một lời chào quá đỗi lịch sự. Đúng như lo ngại, cô gái ngồi ngay sau quầy thủ thư không ai khác chính là Ibara Mayaka.

Ibara và tôi biết nhau từ lâu, hai đứa đã học chung suốt chín năm tiểu học và sơ trung. Gương mặt trẻ con của nhỏ dường như đã bị cố định từ hồi mẫu giáo và gần mười năm trôi qua chì làm nó già dặn đi chút đỉnh. Có thể bạn thấy khuôn mặt đó cùng dáng người nhỏ nhắn của Ibara là dễ thương, nhưng đừng để bị lừa bởi vẻ bề ngoài của nhỏ. Bé hạt tiêu đấy. Chỉ cần lơ là cảnh giác bạn rất dễ sẽ được đón tiếp bằng một liên khúc sỉ vả với đủ loại hình ngôn từ nhỏ có thể nghĩ ra được. Có vẻ một danh sách dài như mì sợi những chàng đã bị hớp hồn bỏi cô nàng và chìm luôn trong đau khổ. Đó là chưa kể đến nhỏ không bao giờ chịu nhận mình sai, đến nỗi bất kì ai đã gây với nhỏ đều đồng ý rằng da mặt nhỏ dầy hơn da chân.

Dù vậy tôi cũng không hề nghĩ là nhỏ thực sự xấu tính...

Thế là tôi bèn đưa ra bộ mặt khó chịu nhất có thể và đáp lại :

“Chào, tôi cố ý đến thăm cậu.”

“Vùng đất thiêng liêng này không dành cho những tên lười biếng chỉ biết đứng ngoài xã hội.”

Ibara ngồi bắt chéo chân. Dĩ nhiên một thủ thư thì chả phải làm gì khác ngoài cho mượn và nhận sách trả lại nên trông nhỏ khá là thư thả. Cái thùng chưa sách trả lại đặt tại quầy đã đầy hơn một nửa, và dựa vào tính cách của Ibara thì phải lúc cái thùng đầy nghẹt nhỏ mới đem đi xếp lại vào kệ. Lúc này nhỏ đang đọc một quyển sách to bản chắc là để giết thời gian.

Mười chiếc bàn bốn ghế trong thư viện không còn cái nào trống. Những người ở đây có thể là thực sự cần và thích đọc sách hay chỉ đơn giản là tìm chỗ trú mưa sáng sủa một chút. Một trong số những người thuộc loại hai có lẽ là cái tên đang khoái chí nhìn tôi bây giờ. Nhận ra ngay, còn ai khác ngoài Fukube Satoshi.

Satoshi nhận thấy ánh nhìn của tôi, hắn đứng dậy với vẻ hào hứng quen thuộc.

“Houtarou đấy à? Không thể nhờ lại gặp cậu ở đây.”

Ibara nhìn chúng tôi với ánh mắt thương hại mà dịu giọng xuống :

“Vẫn thân thiết quá ha. Cái danh hiệu 'Cặp đôi hoàn hảo sơ trung Kaburaya' đúng là chẳng ngoa chút nào.”

Cãi lộn với nhỏ là vô ích, nhưng tôi vẫn bực mình cằn nhằn : “Ôi im đi!”

Ibara đáp tỉnh bơ : “Ô, thứ người âm u như cậu cũng biết tức à?”

Sao lại không?

Rồi nhỏ quay sang Satoshi nhưng lần này là với bộ mặt hiền dịu hơn nhiều,

“Fuku-chan[13] cũng biết tớ chỉ đùa thôi nhỉ? Đừng giận nha.”

“Ồ khỏi phải lo, tớ đời nào lại giận Mayaka về mấy chuyện cỏn con này?”

“Gì đây? Mới nói có một câu mà đã …”

Satoshi nhăn mặt nhìn tôi rồi quay đi chỗ khác. Tôi cười khì với cái vinh hạnh là người đầu tiên nhận ra thằng bạn chí cốt của mình là đối tượng theo đuổi của Ibara, mặc dù Satoshi hình như muốn chủ động né nhỏ.

Hắn tằng hắng một tiếng – dấu hiệu muốn chuyển đề tài,

“À mà, CLB Cổ Điển cần tìm gì ở thư viện thế?”

Chắc chắn là không đến ngắm Ibara rồi! Tôi rất mong Chitanda sẽ nói hộ, nhưng nhờ cái màn chào hỏi hết sức thân thiện vừa rồi mà hội trưởng của chúng ta trông e ngại Ibara thấy rõ.

“Ơ … ưm … chào bạn, ừm … mình có thể nhờ bạn chút việc được không?”

“Dĩ nhiên, bạn muốn mình giúp gì?”

“Mình muốn hỏi ở đây có tập thơ hay văn không?”

“Có chứ, ở mấy cái kệ ngay đằng kia.”

“Vậy có tập san nào là từ CLB Cổ Điển không?”

Ibara nghiêng đầu có vẻ đăm chiêu,

“CLB Cổ Điển à? Ưm … mình cũng không chắc lắm. Muốn mình xem qua dùm cậu không?”

Vừa lúc Chitanda sắp bày tỏ lòng biết ơn thì Satoshi đã chen vào :

“Không kiếm được gì đâu, ngày nào tớ chẳng táy máy ở mấy cái kệ đó. Mayaka à, nếu không có ở trên kệ thì còn có thể tìm ở đâu?”

“Ưm, có thể là ở trong kho.”

“Trong kho à?”

Satoshi nghĩ ngợi một hồi trước khi hỏi tiếp :

“Mà Chitanda-san này, cậu tìm mấy cái tập san đó làm chi vậy?”

“CLB chúng ta sẽ xuất bản một tập san vào dịp lễ hội văn hoá, nên tụi này nghĩ sẽ tốt nếu có tư liệu tham khảo.”

“Ô, ra là hoạt động cho hội Kanya. Không ngờ cậu cũng chịu tìm hiểu quá nhỉ.”

Tôi đã là người tiên phong phản đối chuyện này thì có. Vả lại mọi thông tin là do Chitanda đi hỏi đấy chứ.

Mà hồi nãy hắn vừa bảo là hội gì ấy nhỉ?

“Nè Satoshi, cậu bảo lễ hội văn hoá là hội gì?”

“Hội Kanya. Bộ chưa nghe qua à? Biệt danh của lễ hội văn hoá trường Kamiyama đó.”

Biệt danh à? Giống kiểu Đại học Sophia có lễ hội Sophia hay Đại học Keio có lễ hội Mita chứ gì? Hay là lại như cái màn “Luỹ thừa gia tộc” của hắn đây?

“Nghi quá, lại là tự chế ra phải không?”

“Thông tin xác thực trăm phần trăm, dù chỉ là biệt danh không chính thức thôi. Tớ nghe mấy anh chị ở CLB Thủ Công gọi như thế suốt. Ở bên CLB Nghiên Cứu Manga có vậy không Mayaka?”

Vậy ra Ibara ở bên CLB Manga, quả là hợp với ngoại hình nhưng chẳng hợp với tính khí của nhỏ hút nào.

“Ừm, bên này cũng gọi lễ hội là Kanya. Ban tổ chức cũng dùng cái tên đó mà.”

“Kan…ya? Viết như thế nào?”[14]

Satoshi chống tay lên cằm,

“Hổng biết, nghe người ta nói thì tớ nói theo, vậy thôi.”

Theo lời hai đứa nó thì chắc rằng Kanya là biệt danh rồi, nhưng mãi tôi vẫn không nghĩ ra từ nào phù hợp để viết ra cái chữ đó. Mà thôi, hơi đâu mà cố làm cái việc chỉ dành cho các nhà Nguyên Ngữ học[15] ấy? Ý nghĩ đó vừa thoáng qua trong đầu tôi thì Satoshi đã suy đoán:

“Có thể là lối đọc trại từ ‘Kamiyama’ thành ‘Kanyama’, rồi theo thời gian chỉ còn lại ‘Kanya’ cho gọn?”

Đúng như mong đợi từ một thằng rành tiếng địa phương hơn cả chính thống. Đến lượt Ibara lên tiếng, nhỏ đã kéo chúng tôi ra khỏi cuộc tranh luận hoàn toàn lạc đề vừa rồi:

“Vậy quay lại vụ tập san. Thế nào trong kho cũng kiếm được một mớ, nhưng cô tổng thủ thư đang bận họp nên tớ không được phép vào. Chắc cũng phải nửa tiếng, đợi được không?”

Nửa tiếng cơ à? Chitanda nhìn tôi và thì thầm : “Mình làm gì đây giờ?” Tôi thì sao cũng được, bởi mưa ở ngoài trông chẳng có vẻ gì là sẽ tạnh. Dự báo thời tiết hôm qua đã dự báo chiều nay có mưa, nhưng sẽ tạnh sớm và chúng ta sẽ có một đêm đầy sao. Với nỗi thất vọng tràn trề này thì chẳng còn cách nào khác …

“Đành đợi vậy.”

Mừng ông về nhà!”

Tôi vừa quyết định quay về phòng Địa Chất để tiếp tục cuốn truyện chữ đang đọc dở thì Satoshi kéo tay áo của Ibara mà nói : “Mayaka này, sao không kể cho Houtarou nghe cái chuyện hồi nãy cậu kể cho mình nhỉ?”

Ibara nhướn mắt một cái rồi trông có vẻ trăn trở. Nhỏ gật đầu,

“Được rồi Oreki, có muốn thử vận động đầu óc một lần trong đời không?”

Không. Nhỏ cũng có thế đâu?

“Bạn có chuyện gì muốn kể à?”

Satoshi dành quyền trả lời Chitanda với nụ cười đắc chí :

“Bí ẩn về một quyển sách nổi tiếng nhưng không ai thèm đọc!”

“Ông cũng biết ca của tôi ở thư viện là thứ sáu hàng tuần phải không? Dạo gần đây tôi nhận thấy có một quyển sách cứ được mượn vào chỉ ngày thứ sáu hàng tuần. Đã năm tuần liền như vậy rồi, ông có thấy lạ không?”

Ibara bắt đầu độc thoại trong khi tôi cố kiếm một cái ghế trống để ngồi đọc sách. Ông trời thật là chơi khăm nên tôi đành phải ngồi ngay trên cái bàn của Satoshi. Không thể rời xa quầy thủ thư, tôi có thể nghe rõ giọng nó của hai cô nàng.

“Quyển sách có thú vị không?”

“Trông nó có thú vị không?”

Ibara đưa ra quyển sách dày cui nhỏ đang cầm.

“Ôi, nó thật là đẹp!”

Chitanda thốt lên kinh ngạc, nhỏ quay sang nhìn tôi hạnh phúc cứ như thể tôi vừa mua quyển sách ấy cho cô nàng vậy. Quyển sách được bọc da với nhiều hoạ tiết trang trí thủ công rất công phu. Màu xanh đậm của lớp bìa dường như toà ra thứ khí chất đầy trang trọng và cao quý, nổi lên trên cái nền xanh ấy là dòng chữ “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC”. Và không chỉ bởi độ dày, quyển sách còn gây ấn tượng bởi hai chiều dài và rộng đều quá khổ của nó.

“Mình có thể xem qua không?”

“Dĩ nhiên.”

Lấy cuốn truyện ra khỏi cặp tôi bắt đầu dò đến cái trang mình đang đọc, nhưng ngay lập tức những dòng chữ trong cuốn truyện bị thay thế bằng những trang giấy khổng lồ và chất lượng cực tốt. Chính là Chitanda – nhỏ vừa mở quyển sách ngoại cỡ ấy rồi đặt đè lên hai bàn tay tôi. Không thể lờ đi được nữa, tôi bèn miễn cưỡng lia nhanh phần mục lục. Một quyển sách “truyền thống” thì mặc nhiên chả có gì khác ngoài lịch sử và lịch sử, ví dụ như thế này :

1972


Sự kiện ở Nhật Bản và trên thế giới:

  • 15/5 : Khôi phục chủ quyền đảo Okinawa. Thành lập Uỷ Ban huyện đảo Okinawa.
  • 29/9 : Hiệp ước Nhật Bản – Trung Quốc được kí kết, bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước.
  • Giá đất và hàng hoá có sự tăng đột biến trong năm nay.


Sự kiện ở cao trung Kamiyama :

  • 7/6 : Tuyển Bắn Cung mang về chiến thắng đầu tiên cho Kamiyama trong hội thao các trường cao trung toàn thành.
  • 1/7 : Huỷ chuyến thăm quan dành cho học sinh năm nhất vì trời bão.
  • 10 – 14/10 : Lễ hội văn hoá.
  • 30/10 : Hội thao toàn trường.
  • 16 – 19/11 : Tổ chức tham quan cho học sinh năm hai đến Sasebo, thành phố Nagasaki.
  • 23 – 24/1 : Mở khoá học trượt tuyết cho học sinh năm nhất.
  • 2/2 : Tưởng niệm học sinh năm nhất Ooide Naoto, mất do tai nạn giao thông.

Đầy nghẹt những thông tin như thế, để đọc hết hẳn là cần một lượng thời gian cùng sự kiên nhẫn đáng kể. Tôi thì không rảnh đến mức mượn về nhà cả tuần để đọc nhưng chắc chắn là vẫn có đứa đấy chứ …

“Houtarou, có phải cậu vừa nghĩ chắc chắn vẫn có đứa mượn về cả tuần để đọc phải không nào?”

Thằng này có lẽ nên làm nhà ngoại cảm.

Thấy tôi không phản ứng, Ibara ưỡn bộ ngực lép xẹp của nhỏ ra trước và nói :

“Không đơn giản thế đâu, ông chẳng bao giờ đến thư viện mượn sách thì không biết cũng phải. Nghe kĩ nè : thời hạn cho mượn một quyển sách dù lớn dù nhỏ đều là hai tuần, nên nếu thực sự muốn đọc thì chẳng việc gì người mượn phải trả trước thời hạn cả.”

“Vậy mà tuần nào quyển sách cũng hiện diện ở đây.”

Ra là thế, quả là bí ẩn.

“Cậu có lưu lại tên những người đã mượn không?”

“Dĩ nhiên, danh sách người mượn dán ở mặt trong của bìa sau ấy, xem thử đi.”

Chitanda lật ra bìa sau và nhìn vào mảnh giấy nhỏ dán trên đó.

“Hả?”, nhỏ thốt lên.

“Có chuyện gì vậy?”

Danh sách ghi tên người mượn cùng ngày mượn và trả. Có thể thấy quyển sách được mượn mỗi tuần nhưng đó không thể là lí do khiến Chitanda ngạc nhiên. Nhỏ chỉ tay vào những cái tên …

Người mượn tuần này là Machida Kyouko lớp 2-D, tuần trước là Sawakiguchi Misuki lớp 2-F. Tuần trước nữa là Yamaguchi Ryouko lớp 2-E. Ba tuần trước là Shima Saori lớp 2-E và bốn tuần trước là Suzuki Yoshie lớp 2-D…

“Mỗi tuần một người khác nhau mượn ư?”

“Và không chỉ thế thôi đâu.”

Chitanda chỉ vào cột ngày trả sách.

Trong ngày sao?”

“Đúng thế. Quyển sách đã được mượn và trả chỉ nội trong ngày thứ sáu. Chị Machida Kyouko mượn quyển sách ngày hôm nay mới trả hồi nãy, bốn người trước cũng vậy. Thời gian mượn cũng giống nhau y hệt là vào giờ nghỉ trưa. Ai có đủ thời gian đọc quyển sách này từ lúc đó đến khi tan học mà trả lại chứ?”

“…”

“Sao? Cậu đã thấy tò mò chưa?”

Trả lại quyển sách cho Ibara, Chitanda gật đầu lia lịa,

“Có … tớ rất là hiếu kì!


Nhỏ nói rất quả quyết. Cũng y như lần trước hai đồng tử của Chitanda nở to, không giấu giếm một nỗi hào hứng mạnh mẽ. Câu chuyện li kì của Ibara đã thổi bùng ngọn lửa hiếu kì của Chitanda lên và chắc chắn Satoshi sẽ tha thiết chứng tỏ sự vô dụng của mình bằng cách giả ngây : “Tớ chẳng nghĩ được gì cả”. Tôi quyết định quay về với cuốn truyện chữ nhỏ bé của mình …

… Mà công nhận đôi khi tôi cũng ngây ngô đến kinh dị khi đã bị chỉa mũi dùi từ lúc nào chẳng hay. Lại một lần nữa cuốn truyện bị đè lên tàn nhẫn bởi “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC”.

“Vậy Oreki-san nghĩ gì về chuyện này?”

“Hả, tớ á?”

Cái cười bất thường của Satoshi đã nói lên tất cả, hắn đã dụ tôi sụp bẫy thật ngọt ngào. Đồ độc địa.

“Tụi mình cùng suy nghĩ vấn đề này nhé!”

“…”

“Nhé nhé, Oreki-san!”

Tại sao? Sao lại là tôi nữa? Tôi ổn với tính hay tò mò của Chitanda, tôi thừa nhận những mặt tốt của Satoshi dù số lượng chẳng là gì so với mặt xấu của hắn. Nhưng tôi chỉ không hiểu … tại sao lúc nào tôi cũng phải tham gia trò chơi mà hắn là người bày đầu còn nhỏ là người ép buộc cơ chứ?

Biết mình không có đường thoát, tôi phải đáp : “Ờ ờ, có vẻ thực sự thú vị ghê. Để tớ thử nghĩ xem.”

Ibara đứng cạnh Satoshi hỏi hắn : “Fuku-chan này, Oreki có thông minh không?”

“Hình như là không. Ít khi nào được việc nhưng quả thật lâu lâu cậu ta có làm nên chuyện.”

Đứng cạnh Ibara chú gan cùng mình nhỉ ?

Thế là tôi bắt đầu suy nghĩ…

Một quyển sách dày cộm được mượn và trả nội trong ngày thứ sáu suốt năm tuần liền, và bởi năm người khác nhau. Khả năng điều đó xảy ra vì ngẫu nhiên gần như là con số không, với lại Chitanda sẽ không chấp nhận câu trả lời “ngẫu nhiên” như thế. Đối với tôi việc làm cho nhỏ chấp nhận một giả thuyết còn quan trọng hơn cả lời giải đúng.

Vậy nên dẹp cái ngẫu nhiên sang một bên, động não chút nào. Có thể kết luận quyển sách đã không được dùng để đọc, bởi xét khoảng thời gian quá ngắn ngủi từ giờ nghỉ trưa đến sau tan lớp, nếu thực sự muốn đọc người mượn hoàn toàn có thể mang về nhà hoặc đọc ngay ở thư viện. Nói cách khác chẳng có lí do gì khiến quyển sách bị mang ra ngoài thư viện để biện hộ cho mục đích ‘đọc trong ngày’ cả.”

“ … Vậy nếu mượn sách mà không để đọc thì còn làm gì được?”

Chitanda hồn nhiên trả lời : “Nó vừa to vừa nặng, để ép dưa muối chăng?”

Satoshi đáp : “Có thể làm một cái khiên vững chắc đó!”

Đến lượt Ibara thêm vào : “Nó dày như vậy thì cũng có thể làm gối nằm.”

Hỏi tụi này cũng như không!

Tôi quyết định chuyển hướng suy nghĩ.

Tại sao mỗi tuần lại một người khác mượn? Khả năng ngẫu nhiên đã bị bỏ qua, vậy chỉ còn hai trường hợp là khả thi. Thứ nhất là nếu năm cô gái này không có điểm chung nào cả, thì có thể họ đã thay phiên nhau mượn quyển sách để thực hiện một trò mê tín nào đấy vào trưa thứ sáu hàng tuần…

Mà nhắc đến mê tín thì có thể là gì nhỉ, xem tử vi chăng? Dạng như “vật may mắn tháng này là kỉ yếu của trường, nếu nó được mượn vào trưa thứ sáu và trả ngay trong ngày bạn sẽ gặp được bạch mã của mình” à?

Không, ngớ ngẩn quá.

Trường hợp thứ hai là năm cô nàng điểm chung. Cả năm đều là nữ, điều này khỏi phải bàn và chẳng có vẻ gì là bất thường cả. Những người cùng giới thường có xu hướng tụ tập với nhau nên điều này củng hoàn toàn bình thường.

Có thể xét đến việc họ đều là học sinh năm hai, nhưng lại thuộc về ba lớp khác nhau…

Hửm?

Ồ… vậy ra cũng có thể.

“Gì vậy? Nghĩ ra rồi à?”

Mạch suy luận của tôi bị gián đoạn bởi Satoshi, mình vừa nghĩ đến đâu rồi ta?

Thôi thì bắt đầu từ đây vậy.

“Có thể là một loại ám hiệu, ví dụ như … đây là cách những người trong nhóm bọn họ liên lạc với nhau : khi đem trả sách để ngửa bìa trước là ‘có’, để úp là ‘không’ chẳng hạn.”

“Chỉ ‘có’ và ‘không’ thì liên lạc được cái gì?”

“Là ví dụ thôi, có thể họ có quy luật khác.”

Chitanda bắt đầu suy tư. Tốt lắm, cứ thong thả mà suy nghĩ nhé.

Ngay sau đó, người phản đối giả thiết của tôi không phải Chitanda, mà là Ibara.

“Không thể đâu! Nhìn này.”

Ibara trỏ vào thùng sách trả bấy giờ đã đầy nghẹt. Ra là vậy. Ngoại trừ thủ thư là người sẽ xếp lại sách vào kệ, nếu không đứng gần người trả thì chẳng ai có thể thẩy quyển sách đã được để úp hay là ngửa. Khỉ thật, nhỏ Ibara này cũng sắc sảo đấy.

Tôi chẳng còn ý tưởng nào khác, cái thùng trông quá kín đáo còn thủ thư thì luôn túc trực tại quầy khiến việc lục lọi là hoàn toàn bất khả. Ước gì có thêm một manh mối. Tôi nhìn chiếc gáy sách trang trọng nằm gọn trong vòng tay của Ibara mà thoáng nghĩ : có cách nào để rút lui trong êm thắm hay không?

Ngay lập tức sự chú ý của tôi hướng về Chitanda. Nhỏ đã rướn người qua quầy thủ thư và nhìn chằm chằm vào quyển sách mà Ibara đang ôm trước ngực.

“Ơ … này?”

Ibara giật nảy mình về phía sau, chắc chắn rồi.

“Gì vậy Chitanda? Cậu nhận ra một kí hiệu đặc biệt trên bìa sách à?”

Chitanda vẫn giữ cái vẻ ngạc nhiên, nhỏ thì thầm :

“Quyển sách này … có mùi gì đó.”

“Thật không? Mayaka cho tớ mượn chút … đâu có mùi gì đâu?”

“Chắc chắn là có mà.”

“Có thể nó quá nhẹ… là mùi mực, hay mùi của kệ sách?”

Chitanda lắc đầu trước những đề xuất của Satoshi.

Ibara và Satoshi bèn dí mũi thật sát vào lớp bìa nhưng sau đó cả hai đều nhướn mày trăn trở. Tụi nó không ngửi thấy cái gì hết.

“Tớ cũng không chác lắm… nhưng nó giống mùi của dung môi pha sơn ấy.”

“Sao lại có thứ mùi kì dị đó ở đây?”

“Tớ chỉ ngờ ngợ thôi, tại nó hơi hơi giống.”

Tôi không ngửi thấy nhưng đâu đó trong tôi bảo ràng Chitanda đúng, dựa vào giọng điệu rành rọt của nhỏ. Nhưng một mùi đặc trưng như dung môi pha sơn mà chẳng ai ngoài nhỏ ngửi thấy thì cũng lạ.

Giả dụ như đúng là liên quan đến sơn, thì… hừm.

… Có một hướng mới rồi.

Nhưng mà giải thích sẽ khá là dài dòng đây.

Khi tôi còn đang tìm cách xử lí tiết kiệm năng lượng nhất thì Satoshi đã reo lên : “Houtarou à, cậu không giấu được vẻ mặt ta-đã-tìm-ra-rồi trước tớ đâu!”

“Hả, Oreki đã tìm ra rồi sao?”

Ibara nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, tôi gật đầu và thành thật trả lời :

“Đại loại thế … mặc dù không chắc hoàn toàn … Chitanda này, cậu muốn vận động chút không? Tính nhờ cậu ra đây hộ tớ một chút.”

Chitanda có lẽ đã sẵn sàng phóng đến bất cứ địa điểm nào sắp phát ra từ miệng tôi, nhưng Satoshi đã ranh ma ngăn lại,

“Đừng để bị dắt mũi chứ Chitanda? Thám tử phải tự mình đến hiện trường, phải không anh bạn?

Thật khó chịu khi Satoshi luôn cố gắng ít thân mật với Ibara nhưng trình độ ma mãnh của hắn lại tăng đáng kể khi có nhỏ ở bên. Tức hơn nữa là lần này hắn nói có lý.

“Được rồi tớ sẽ đi. Nhờ trời mưa không phải học thể dục nên mới còn năng lượng để mà phí.”

Chitanda trông như muốn được tôi kéo đi, và còn …

“Vậy thì tôi cũng đi, mặc dù chẳng dám hy vọng người như Oreki làm được cái gì. Fuku-chan trực hộ tớ nha!”

Ibara vọt ra khỏi quầy và để lại Satoshi ngơ ngẩn trơ mặt ra như một thằng đần, hắn miễn cưỡng đáp “Ờ… được” rồi im re bước vào quầy. Lâu rồi chưa thấy hắn bí xị như thế.

Khi đã thoả mãn với kết quả vừa đạt được, chúng tôi quay về thư viện.

“Sao rồi?”

“Fuku-chan này, Oreki kì lạ thật đó!”

“Giờ cậu mới biết à?”

“Sao mà một mình hắn ta suy nghĩ được đến như thế?”

Nói xong nhỏ cứ lẩm bẩm “sao mà, sao mà”. Vậy là nhỏ đã hoàn toàn công nhận tôi là người chiến thắng, mặc dù đó là một chiến thắng đầy may mắn.

“Oreki-san thật đáng ngưỡng mộ, tớ rất là hiếu kì muốn biết trong đầu cậu ấy có gì nữa!”

Hình ảnh Chitanda đang phẫu thuật thuỳ não của tôi trong nhà kho của một lâu đài kiểu Gothic, còn ngoài trời thì mưa giông bão bùng vừa lướt qua tâm trí khiến tôi nổi hết da gà. Còn với tôi thì khả năng nhận mùi quá nhạy bén của Chitanda cùng trí nhớ của nhỏ mới là những bí ẩn lớn nhất.

“Chỉ cần là Oreki-san thì chắc chắn có thể …”

Có thể gì cơ? Nhỏ mà tính làm phẫu thuật thật là tôi chạy đấy!

Satoshi trông có vẻ đã hết chịu được nữa, hắn hỏi ngay : “Vậy giờ giải thích cho tớ được chưa? Nãy giờ Houtarou cùng mọi người đi đâu vậy?”

Chống cùi chỏ lên bàn thủ thư, tôi đáp : “Phòng Hội Hoạ.”

“Hội Hoạ? Ở tuốt bên kia trường phải không?”

“Thế nên tớ mới lười đi.”

“Vậy cậu kiếm được gì ở đó?”

“Nghe này …”

Tôi lặp lại như máy những gì đã nói với Chitanda và Ibara,

“Kỉ yếu của trường đã được sử dụng trong tiết năm hoặc sáu, hoặc cả hai vào ngày thứ sáu hàng tuần. Chắc chắn không ai đủ khả năng đọc vào giờ nghỉ trưa, vì vậy nó có thể đã được sử dụng trong những tiết học mà các lớp cùng khối sẽ học chung với nhau.”

Đó chính là điểm chốt của dòng suy nghĩ mới nãy bị Satoshi làm đứt quãng. Thú vị là ở chỗ cũng nhờ duy nhất một tiết học như thế mà Chitanda biết tôi.”

“Chỉ có thể là thể dục hay những môn nghệ thuật phải không? Và chắc chắn chẳng có tên nào dám dùng nó làm khiên hay gối nằm vào giờ thể dục cả. Hơn nữa khi nhìn vào cái bìa này, cậu có cảm thấy rằng độ sáng của màu sắc là khá hài hoà không? Năm chị ấy đã thoả thuận với nhau mỗi người một ngày thứ sáu đi mượn sách để phục vụ cho tiết học của họ.”

Satoshi chen vào : “Nhưng tớ không hiểu tại sao phải là ‘một ngày’? Ý tớ là thư viện cho mượn đến hai…”

“Xì tốp cái nội quy Ibara vừa nhắc lại lúc nãy dùm cái, hai người quả là hợp nhau kinh khủng. Satoshi à, cậu có muốn giữ một quyển sách mà chính cậu còn không định lật trang nào để đọc không? Đèo theo nó về nhà so với việc trả ngay cho thư viện chẳng phải phí sức hơn sao?”

“Ừm đúng thế. Vậy thì khi đến đó cậu đã thấy…”

“Đoán ra rồi phải không? Những bức vẽ, và những học sinh đang ở đó thuộc lớp 2-D, 2-E và 2-F.”

Những bức vẽ từ nhiều góc nhìn khác nhau về một hình mẫu đã được hoàn thành. Đó là một cô gái ngồi bên chiếc bàn có bình hoa, tay ôm một quyển sách để lộ ra cái gáy xanh thẫm thanh lịch “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC”. Xét về tổng thể những bức tranh đều đẹp và toả ra một sức mê hoặc kì lạ.

“Đỉnh đấy Houtarou à! Vậy cái mùi Chitanda-san đã ngửi được là sơn phải không?”

“Chính xác, và phòng Hội Hoạ vẫn còn thoang thoảng cái mùi đó đấy.”

Satoshi vỗ tay nhiệt liệt,

“Ôi, thật là quá tuyệt! Nhờ cậu mà một lượng lớn thời gian đã bị giết hại!”

Chitanda mỉm cười đồng tình,

“Ừm vui thật đó, cảm giác thời gian vừa trôi thật là nhanh!”

“Tôi thì chẳng quan tâm giờ giấc … nhưng vẫn là không tin nổi Oreki mà lại thành công!”

...

Tụi nó đều ngạc nhiên, còn tôi thì lại thấy “khác biệt”. Ibara đã nhận ra điều bí ẩn, Chitanda quyết định cả nhóm sẽ cùng nhau giải quyết và Satoshi chỉ đơn giản là đồng ý tham gia. Họ với tôi sao mà “khác biệt” quá. Họ đều phấn chấn, và tôi bắt đầu tự hỏi cái lễ hội văn hoá sắp tới có làm tôi được như vậy không nhỉ?

...

Biết diễn tả thế nào đây? Mà thôi sao cũng được.

Cơn mưa đã sắp tạnh, gần đến lúc được về nhà rồi. Tôi xách cặp lên chuẩn bị nói lời chào thì chitanda đã kéo tôi lại,

“Tụi mình chưa thể về mà?”

“Ơ, bộ còn chuyện gì nữa sao?”

Quay mặt lại tôi thấy Satoshi và Ibara đang nhìn với ánh mắt đầy lạnh lùng. Bộ tôi vừa làm gì sai à?”

“Oreki, ông đến thư viện làm gì thế?”

Thì để giải quyết bí ẩn về quyển-sách-nổi-tiếng-mà-không-ai-thèm-đọc chứ còn gì nữa? Chính tụi nó nhờ…

Ấy không! Là cái vụ tập san chứ!

Satoshi cười phá lên,

“Tự hào chưa quý vị? Quý vị vừa được chứng kiến khoảnh khắc hiếm hoi khi vài cái bu-lông vừa long ra khỏi não của Houtarou!”

Hiếm hoi á? Fuku-chan nói vậy là tử tế quá rồi.”

Cầu cho hai đứa này dính nhau luôn đi.

Một giọng nói vang lên khiến Ibara quay ngoắt lại,

“Cám ơn em nhé Ibara-san, em có thể về rồi.”

“A … dạ vâng. Cô Itoikawa cũng sắp về ạ?”

Dù chưa gặp trước đây nhưng tôi dám chắc cô giáo trung niên và hơi nhỏ người này là Tổng thủ thư. Trên áo cô đính một bảng tên nhỏ - Itoikawa Youko.

Tổng thủ thư đã trở về và Satoshi là người nhanh nhất trình bày vấn đề :

“Thưa cô em là Fukube Satoshi thuộc CLB Cổ Điển. Tụi em dự định sẽ xuất bản một tập san văn học nên cần tham khảo những ấn bản trước của CLB, nhưng có vẻ là không có ở đây. Không biết tụi em có thể tìm trong kho không cô?”

“CLB Cổ Điển … và tập san à?”

Giọng của cô cao vút thể hiện một nỗi ngạc nhiên kì lạ, lại một giáo viên nữa nghĩ CLB này đã giải thể chắc.

“Các em là CLB Cổ Điển? Ra là thế… xin lỗi nhưng theo cô biết thư viện không lưu trữ bất cứ tập thơ nào của CLB cả.”

“Ơ, vậy còn trong kho?”

“Cũng không có em à.”

“Cô cho tụi em kiếm lại được không?”

“Cô nghĩ là không được đâu.”

Kì lạ. Cô Tổng thủ thư trả lời điềm nhiên như thể muốn công khai là mình che dấu một bí mật nào đó khỏi chúng tôi vậy, nhưng mà cũng có thể nhà kho vừa được tổng dọn dẹp và sắp xếp lại. Bị phán một câu từ chối thẳng như vậy Satoshi đành bỏ cuộc,

“Vậy à, em cám ơn cô… Giờ tính sao đây Chitanda?”

“…Quả thật là không ổn rồi.”

Chitanda thất vọng nhìn tôi. Có ngắm đến cỡ nào cũng thế thôi, tôi chỉ biết nhún vai đáp :

“Rồi tụi mình cũng kiếm được mà, về nhà thôi.” Tôi xách cặp lên trước khi Ibara lạnh lùng nói :

“Trông khoẻ quá nhỉ? Đúng là sau khi tự mình làm được cái gì hơi lớn lao người ta thường tỏ ra thư thả.”

Trông tôi thực sự “thư thả” sao Ibara? Lúc nào nhỏ cũng chỉ biết buộc tôi người khác vô căn cứ. Mà như đã nói – chẳng ích gì khi đấu tay đôi với nhỏ, tôi bèn nhún vai lần nữa.

“Cậu ấy nói đúng đấy. Đã đến lúc về nhà rồi … dù sao hôm nay chúng ta cũng giải được một bí ẩn thú vị.”

Chitanda vừa nói một câu không giống với nhỏ chút nào. Nhưng nhỏ đã thuận theo ý tôi, thế là đủ.

Tôi vắt chiếc cặp qua vai rồi bước ra nền đất ẩm nơi cơn mưa đã ngừng hẳn. Vài tia nắng lại xuất hiện xuyên qua những đám mây…

Tôi khẽ quay đầu lại khi loáng toáng nghe Chitanda cứ thì thầm lặp đi lặp lại đúng một câu :

“Chỉ cần là Oreki-san, thì chắc chắn có thể …”

CHƯƠNG 4 : LỚP HẬU BỐI CỦA CLB CỔ ĐIỂN NHIỀU TRẦM THĂNG[]

Chủ nhật tuần này tôi có cái hẹn với Chitanda. Nhỏ bảo muốn gặp tôi ở một nơi nào đó, ngoài trường, và tuỳ tôi quyết định. Thế nên mới dẫn đến hiện tại là tôi đang ngồi chờ trong một quán cà phê có cái tên kì lạ là “Pineapple Sandwich”, nhấm nháp một tách Kilimanjaro đã bị tên pha chế quá tay nêm nhiều hương liệu phi-cà-phê nhất có thể...

Điều khiến tôi duyệt ngay nơi này không đến từ tấm bảng hiệu trang trí đầy màu sắc ở bên ngoài, mà bởi gam màu nâu tối đã được chọn cho không gian bên trong. Không có tivi lẫn radio, sự yên tĩnh hiếm thấy ở một quán cà phê như ở đây đối với tôi nghiễm nhiên là rất ổn cho việc thư giãn và không kém phần… chán khi phải đợi một ai đó.

Còn vài phút nữa là đến giờ hẹn nên tôi cũng hơi sốt ruột khi Chitanda chưa đến. Tách cà phê dở òm tôi đang nhìn chằm chằm vào vẫn dửng dưng nằm gọn trên chiếc bàn nhỏ xíu mà xoáy lên một lọn khói.

Chitanda đã đến vào đúng boong một giờ ba mươi phút. Cái bảng hiệu nổi quá nên tôi chẳng lo lắng rằng nhỏ không tìm ra. Diện một chiếc đầm trắng, nhỏ tiến đến và ngồi đối diện với tôi. Phải thành thực công nhận rằng Chitanda mà không phải mặc đồng phục thì hiếm ai ăn mặc đẹp một cách đầy giản dị được như nhỏ.

“Xin lỗi vì đã hẹn cậu mà chẳng giải thích gì cả.”

“Không sao”, tôi đáp trước khi cố gắng húp trọn tách cà phê và gọi anh bồi tới. Chitanda nhìn lướt qua menu rôi dịu dàng nói : “Xin cho một tách cacao Wiener.”

Nghe có vẻ ngon nhỉ? Nhưng túi tiền của tôi chắc chắn sẽ khóc thét nếu gọi thêm một thứ đồ uống nữa.

Trước khi vào chuyện chính chúng tôi có tán gẫu với nhau, bắt đầu bằng ấn tượng của nhỏ về không gian của quán tĩnh lặng như thế nào còn tôi thì thắc mắc sao nhỏ vào đây mà lại không gọi một tách cà phê. Chitanda đáp trả lời ví von của tôi với nhỏ - như du khách vào vườn thú Ueno mà không đi xem gấu trúc khổng lồ - bằng cách liệt kê một danh sách về tác hại do tiêu thụ nhiều caffein gây ra. Tách cacao Wiener vừa được mang tới và ngay lập tức tôi nổi da gà bởi lượng kem hào phóng trên bề mặt. Nhỏ chắc là hảo ngọt.

Chitanda lấy muỗng khuấy một bọng kem vào lớp cacao nâu phía dưới, trông nhỏ giống như đang tận hưởng tách cacao hơn là có chuyện phải nhờ vả. Tôi sợ rằng cứ thế thì mình sẽ mất toi cả buổi chiều chỉ để nói chuyện phiếm và nhìn nhỏ uống nước nên đã chủ động đi thẳng vào vấn đề,

“Vậy, thì cậu muốn gì?”

“Hở?”

Một lời đáp quá dễ thương dành cho một người mình nhờ vả đã bỏ ra nửa ngày cuối tuần thiêng liêng của cậu ấy để ngồi đây.

“Ý tớ là, cậu hẹn tớ vì việc gì?”

Húp một ngụm cacao còn bốc khói, Chitanda khẽ thốt lên “ngon quá!” rồi ngó tôi mà đáp : “Dù gì cũng là Oreki-san chọn nơi này mà?”

“Thế đấy, tớ đi về.”

“Ơ, chờ đã!”

Đặt thìa và ly xuống cùng lúc đứng bật dậy, nhỏ từ từ ngồi xuống lại rồi lí nhí : “Xin lỗi, tại tớ… tớ hơi lo một chút.”

Nhìn nhỏ cứng đơ như vậy chắc là chưa hết lo đâu. Như đã mô tả từ trước, Chitanda có một cây bút vô hình tự động viết lên mặt tất cả xúc cảm đang cố giấu, và chẳng hiểu sao tôi lại nổi hứng muốn chọc vào cái điểm ấy.

“Lo sao? Bộ, cậu có gì muốn thổ lộ với tớ à?”

Và cũng không thể hiểu sao tôi lại quên mất những câu nói đùa như vậy có thể tác động đến nhỏ mạnh mẽ thế nào.

“Không, không… tớ, mà…”

Biết mình không thể nói năng rõ ràng, nhỏ gật đầu với gương mặt giờ đã chuyển sang màu đỏ gấc.

...

Giờ thì đến lượt tôi thấy hãi đây này. Tôi lắp bắp gọi anh bồi bàn :

“…Cho em một cà phê đen!”

Chẳng để ý đến phản ứng của tôi, Chitanda bắt đầu lưu loát trở lại :

“Cũng có thể xem là thổ lộ, nhưng tớ nghĩ nó đúng hơn là một lời nhờ cậy. Thực ra đây là lí do cá nhân… nên tớ không biết mình có tư cách nhờ vả ai hay không… Nhưng mà, cứ nghe câu chuyện của tớ đã nhé!”

Tách cacao dường như đã nằm ngoài sự chuý ý của Chitanda. Đã vậy thì… dù không thoải mái lắm với vẻ nghiêm túc của nhỏ nhưng tôi vẫn đáp : “Được thôi.”

“Cám ơn cậu.”

Thế là Chitanda tằng hắng một tiếng, nhỏ bắt đầu kể :

“Tớ có một người cậu là em trai của mẹ, tên là Sekitani Jun. Mười năm trước cậu có việc phải đi Malaysia nhưng sau ba năm thì người nhà tớ không ai còn liên lạc được với cậu.

Hồi còn trẻ… à ý tớ là hồi còn nhỏ, nhỏ hơn bây giờ ấy, tớ rất là thân với cậu. Tớ còn nhớ cậu đã giải đáp bất kì thắc mắc nào của tớ và điều đó thật là tuyệt. Có thể tớ không còn nhớ chính xác những câu trả lời ngày xưa ấy, nhưng tớ vẫn luôn ấn tượng về cậu như một người không gì là không biết.”

“Một người bạn tuyệt vời quá ta.”

“Cậu vừa biết nhiều vừa có tài ăn nói nữa, dù bây giờ chẳng biết có còn được như vậy không nữa.”

Tôi cười khì và đáp hơi bông đùa một chút : “Ờ, ít nhất cậu còn có kỉ niệm nhỉ? Tớ có hai hay ba người cậu gì đó, không ai mất tích và cũng chẳng ai trong số đó tớ nhớ được tên... Mà thôi, vậy ‘yêu cầu’ của cậu là gì? Đừng nói là tớ sẽ được một chuyến sang Mã Lai để tìm người cho cậu nhé.”

“Ồ không, lần liên lạc cuối trước khi bặt vô âm tín thì cậu đang ở Bengal … ờm … thuộc Ấn Độ ấy. Điều tớ muốn nhờ Oreki-san là … hãy giúp tớ nhớ lại những gì cậu của tớ đã nói hồi tớ còn nhỏ.”

Chitanda kết thúc câu chuyện của mình với một yêu cầu nghe rất hợp lí : nhờ tôi giúp nhỏ nhớ lại những gì cậu của nhỏ đã nói cho riêng nhỏ nghe, hơn mười năm về trước.”

“Nghe có vẻ dễ dàng nhỉ?”

“Tớ không đùa đâu. Như đã nói tất cả những kỉ niệm về người cậu ấy đều là từ hồi tớ còn nhỏ xíu nên không thể tự tớ mà nhớ được, nhưng chắc chắn đã có một sự kiện để lại trong tớ ấn tượng mạnh hơn hết thảy. tóm lại tớ chỉ nhờ cậu giúp về cái đó thôi.

Chitanda húp thêm một ngụm cacao. Nhỏ lại tiếp tục nhưng với giọng nhỏ hơn : “Hồi còn mẫu giáo có một lần tớ nghe cậu nhắc đến cái gì liên quan tới ‘CLB Cổ Điển’. Tớ đã nghĩ ‘CLB Khủng Long’[16] thì sẽ liên quan đến những con khủng long to kềnh từ xa xưa nên từ đó tớ bắt đầu hiếu kì đến ‘CLB Cổ Điển’ của cậu ấy.”

Trẻ mẫu giáo nhầm lẫn từ là chuyện thường, nếu không thì “khủng long” và “cổ điển” đúng là một phép chơi chữ đồng âm ngớ ngẩn. Vậy là tôi phải dành lời cảm ơn sâu sắc đến loài khủng long vì chúng đã cho nhóc tì Chitanda Eru biết thế nào là hiếu kì.

“Tớ sau đó được nghe cậu kể rất nhiều về ‘CLB Cổ Điển’. Rồi vào ngày nọ tớ vào phòng cậu để hỏi một câu có liện quan đến CLB, mà thông thường cậu sẽ cười và trả lời. Nhưng ngày hôm ấy cậu lại lưỡng lự. Tớ còn nhớ rất rõ cậu đã run rẩy vặn mấy ngón tay và nhìn tớ với ánh mắt thấm đẫm hối hận như thế nào. Phải một lúc sau cậu mới bình tĩnh lại mà trả lời câu hỏi ấy, và ngay lúc đó tớ …”

“Cậu đã làm sao?”

“… tớ khóc. Chẳng còn nhớ câu trả lời đó bi thảm hay đáng sợ thế nào nhưng tớ đã khóc rất nhiều. Điều cuối cùng tớ nhớ là mẹ đã hốt hoảng chạy đến, chứ không phải là cậu. Đó là lần đầu tiên cậu không dỗ dành khi tớ khóc.”

“Bị sốc à?”

“Tớ tin rằng mình đã bị như vậy. Tớ nhớ mãi ngày hôm đó nhưng cũng phải đến cấp hai tớ mới đem nó ra mà trăn trở : tại sao trông cậu lại hối hận như thế? Sao cậu lại không đến dỗ tớ? … Oreki-san, cậu nghĩ sao?”

Chẳng đợi đến lúc bị hỏi tôi đã bắt đầu suy nghĩ. Một người cậu luôn ân cần như thế mà lại để mặc một đứa bé đứng khóc thì đúng là bất thường.

Tôi nhanh chóng có một ý tưởng và nói với nhỏ bằng giọng điệu nghiêm túc và thận trọng nhất có thể :

“Tớ nghĩ trong những câu truyện trước cậu của cậu đã vô tình nói ra những lời không thể rút lại. Chú ấy không muốn dối gạt một đứa bé và đã cực kì mong cậu biết những câu chuyện của cậu hoàn toàn là thật.”

Chitanda há miệng ra rồi mỉm cười,

“Cậu và tớ có cùng suy nghĩ rồi.”

Nhỏ lại nhìn thẳng vào tôi … ôi tách cà phê thứ hai chừng nào mới tới đây?

“Mong muốn tìm ra lí do khiến tớ hành động và trước tiên là phải nhớ lại cái không gian ấy như thế nào. Vì thế tớ đã phải lẻn vào nhà Sekitani, tại bên đó với nhà tớ giờ coi nhau như người lạ ấy.”

Đúng là để đạt được mục đích cái gì nhỏ cũng dám làm.

“Ra vậy, ‘lí do cá nhân’ để cậu vào CLB Cổ Điển là cái này phải không?”

Chitanda gật đầu,

“Đúng thế, đến tận tháng trước tó mới để ý đến việc CLB Cổ Điển có nguy cơ bị giải thể. Tớ biết văn học khá là khô khan nhưng khó mà tin được ba năm liền nó lại không có lấy một thành viên nào. Tớ cũng tính tới việc hỏi các thầy cô đã dạy hồi cậu còn đi học, nhưng ba mươi ba năm rồi nên tất cả đều đã nghỉ hưu.”

“Và… bây giờ cậu hỏi tớ. Tại sao vậy?”

“Bởi vì…”

Chitanda đột ngột ngừng lại khi bồi bàn đến lấy cái tách cũ và thay bằng một tách cà phê mới thơm phức. Đến lúc anh bồi đã khuất dáng đằng sau quầy Chitanda khẽ húp thêm một ngụm cacao rồi mới nói tiếp : “Vụ tớ bị nhốt trong phòng và quyển kỉ yếu trường do Ibara khởi xướng, cậu đã đều tìm ra lời giải nhanh và chính xác vượt ngoài sự mong đợi của tớ. Nói thế này có lẽ là sỗ sàng, nhưng tớ thực lòng tin Oreki-san có thể tìm ra câu trả lời cho tớ.”

Tôi thấy mặt mình nóng bừng.

“Đừng đánh giá tớ cao quá. Chỉ là dựa vào một số manh mối, và có may mắn tớ mới tìm ra đấy chứ.”

“Vậy thì cho tớ nhờ vả sự may mắn ấy.”

“Tớ không nghĩ mình giúp được gì cho cậu.”

Thứ nhất, tôi không có bổn phận phải giúp nhỏ giải quyết cái vấn đề chắc chắn rất là rắc rối này. Thứ hai, nếu tôi thất bại thì Chitanda sẽ thất vọng, chẳng kém gì tôi tự thất vọng về mình. Và thứ ba, không giống như hai vụ trước chỉ đơn thuần giống như trò đố vui, câu trả lời bị lãng quên của cậu Chitanda là một biến cố quan trọng trong cuộc đời nhỏ. Các bạn có nghĩ một tên “tiết kiệm năng lượng” như tôi cáng đáng nổi trách nhiệm này không?

“Tại sao lúc nào cũng phải là tớ? Những người khác đâu sao cậu không nhờ?”

Chitanda trợn tròn mắt. Tôi đã không để ý đến mà tiếp tục nói : “Ý tớ là nếu nhờ càng nhiều người giúp thì sẽ hiệu quả hơn không phải sao? Cậu có thể hỏi Satoshi, Ibara hay những người bạn khác của cậu cơ mà?”

Không có hồi đáp, Chitanda chỉ im lặng trước lời từ chối của tôi. Lát sau nhỏ cúi gằm mặt xuống mà lí nhí : “Tớ… Oreki-san này, tớ… không thường hay kể cho người khác về quá khứ của mình …”

“…”

“Đúng hơn là… câu chuyện này… tớ chưa từng kể cho ai hết.”

Cứng họng.

Ra là vậy, tôi ngu quá.

Tại sao Chitanda lại hẹn mình tôi vào chủ nhật này? Quá đơn giản, nhỏ chỉ muốn tôi biết về câu chuyện. Chitanda đã đặt niềm tin vào tôi – người bạn nhỏ chỉ mới quen hơn một tháng, vậy mà tôi đã khuyên nhỏ “nhờ càng nhiều càng tốt”. Ai mà chẳng có bí mật riêng tư để mà trân trọng chứ? Thổ lộ chúng cho người khác đã là một cố gắng không nhỏ, thế mà…

Đến lượt mặt tôi đỏ bừng, cái sự hối hận bây giờ nặng đến nỗi đầu tôi phải gục xuống,

“… cho tớ xin lỗi nhé.”

Khi ngẩng được mặt mình lên tôi thấy Chitanda cười, nhỏ thật dễ tha thứ người khác mà.

Cả hai đều lặng thinh. Chitanda có lẽ đang đợi câu trả lời còn tôi thì nghĩ mãi không biết nên nói sao cho đúng. Tách cacao Wiener của Chitanda đã nguội, chỉ còn những làn hơi đến từ tách cà phê mới gọi đang quyện thành từng gợn xoắn nhỏ mà bốc lên giữa chúng tôi.

Tôi giữ chặt chiếc tách một hồi lâu trước khi Chitanda quyết định phá vỡ bầu yên lặng,

“Tớ biết mình đang đòi hỏi quá đáng và kéo cậu vào chuyện này là không đúng, nhưng mà, tớ chỉ…”

“…”

“Oreki-san, khi cậu tìm ra những câu trả lời… trông hệt như cậu của tớ. Cậu là người thứ hai giải đáp cho tớ nhiều thắc mắc như vậy, cho nên… tớ thật là ích kỉ mà.”

“Ba năm học ở đây chẳng phải là ít để cậu không thể tự mình tìm hiểu, và nếu cậu vẫn gặp rắc rối thì tớ sẽ không keo kiệt năng lượng tới mức không thèm giúp một tay đâu.”

Chitanda gật đầu,

”Tại tớ muốn nhớ ra trước khi cậu mất. Tớ mong được tìm ra tất cả những lời không thể rút lại và câu trả lời ấy trước tang lễ.”

“Trước khi mất?”

Quả là một cách ví von trạng thái không bình thường. Người chết mà còn sống mới lạ, nhưng mà “mất tích” thì đâu có nghĩa là “chết”?

… À không.

Đúng là vẫn có khả năng một người “mất tích” sẽ bị “chết”.

“Tớ có nói là cậu Sekitan Jun đã mất tích từ bảy năm trước phải không? Trong trường hợp cậu không biết, thì một người bị mất tích từ bảy năm trở lên sẽ bị hợp pháp hoá là đã chết. Cơ quan đảm nhiệm người mất tích đã thông báo cho nhà Sekitani về chuyện này, và họ đã quyết định tổ chức tang lễ đúng thời hạn. Thế nên tớ muốn đạt được điều đó trước khi cậu bị xem là không còn trên đời nữa.”

Chitanda thở dài rồi trông ra cửa sổ, tôi hướng mắt theo ánh nhìn của nhỏ. Chẳng có gì ngoài cảh đường phố tấp nập.

Tôi húp một ngụm cà phê. Có lẽ Chitanda đã nói hết những gì nhỏ muốn nói.

Có một kí ức cần phải được nhớ, và hơn hết nó đáng phải được nhớ. Lối sống của tôi thật là khó để định nghĩa điều này khi tôi đã luôn nỗ lực né tránh bất cứ thứ bất-bình-thường gì xảy ra trong cuộc sống. Hoá ra cũng vì thế mà tôi chẳng có lấy một kí ức gì được coi là đáng nhớ cả.

Chitanda thì khác, nhỏ đã cố gắng hết mình để tìm lại những kỉ niệm đã phai. Tính hiếu kì đặc biệt của nhỏ đã thôi thúc nhỏ mò mẫm trong đáy biển thời gian, điều đó không lạ. Nhỏ muốn nhớ không chỉ vì người cậu mà còn vì chính mình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhỏ không làm được điều đó?

Dòng gần cuối trong lá thư của chị tôi chợt thoáng qua tâm trí…

Vả lại, chắc hẳn là em không bận việc gì có ích để từ chối lời thỉnh cầu của chị nhỉ?

Đúng thế, tôi là một Houtaou tiết-kiệm-năng-lượng. Không phải làm thì bỏ, đã làm thì…

… phải làm cho nhanh! Vậy giúp một người làm một công việc cần phải hoàn thành là trung thành với phương châm ấy phải không?

Tôi đặt tách cà phê xuống và gõ năm ngón tay lên mặt bàn. Cái tách gốm chạm vào mặt bàn cái “cộp” khiến Chitanda quay mặt vào nhìn tôi. Tôi bắt đầu nói chậm rãi :

“Tớ sẽ không chịu trách nhiệm với những gì cậu tính làm.”

“Hở?”

“Thế nên tớ không nói là chấp nhận lời nhờ vả của cậu. Tuy nhiên tớ sẽ suy nghĩ về câu chuyện ấy, và nếu có ý tưởng hợp lí nào xuất hiện trong đầu thì tớ sẽ cho cậu biết ngay – thế này để đỡ trường hợp tớ giải thích dư thừa quá nhiều.”

“Tớ đồng ý!”

“Nếu như thế với cậu là ổn, thì tớ đồng ý giúp.”

Chitanda đột ngột đứng dậy, rồi nhỏ cúi mình một góc bốn mươi lăm độ hoàn hảo,

“Cảm ơn cậu rất nhiều. Chuyện này có thể sẽ làm cậu vướng bận, nhưng tớ rất cảm kích được nợ cậu điều đó.”

Có thể gây vướng bận thôi à?

Tôi quay mặt đi chỗ khác để giấu một nụ cười mỉm. Thật đáng ngạc nhiên khi có thể tự nhìn thấy bản thân đang làm một chuyện trước đây chưa từng làm : giải quyết vấn đề cá nhân của người khác. Tôi chẳng dám nghĩ đến vẻ mặt của Satoshi nếu hắn biết về vụ này. Có lẽ hắn sẽ trợn tròn con mắt để làm như đang bị đả kích sâu sắc, sau đó xổ ra một tràng từ ngữ lạ lùng để thể hiện niềm kinh hãi của hắn về tôi ví dụ như : “Houtarou đồng ý giúp đỡ người ta? Vậy nghỉ hè tớ sẽ đi ứng cử làm thủ tướng…”

Thế thì chống chế bằng cách nào đây?

Tôi tiếp tục trăn trở với câu hỏi ấy, còn Chitanda vẫn chỉ biết cám ơn. Vậy là tôi đã uống sạch hai tách cà phê trong khi tách cacao của Chitanda đã trở nên nguội ngắc.


CHƯƠNG 5 : ẨN TÍCH TRONG KỈ YẾU CỦA CLB CỔ ĐIỂN[]

“Thánh địa của hoạt động ngoại khoá” trường Kamiyama, như đã nói, vẫn có những chương trình đào tạo cho kì thi đại học nhưng chưa bao giờ thực sự cố gắng cải thiện thành tích học tập của học sinh cả. Những ai thực sự muốn vào đại học sẽ tham gia đủ một (hoặc hai, nếu hên) kì thi thử và trường cũng không mở lớp bồi dưỡng trong các kì nghỉ dài ngày. Tóm lại đúng như biệt danh của nó, trường Kamiyama chẳng khác nào một tên học trò lười biếng.

Nhưng dĩ nhiên phải giống như bao ngôi trường bình thường khác, Kamiyama có những đợt thi và kiểm tra định kì – thiên địch của “cuộc sống màu hồng thời học sinh”. Một trong những lí do là tất cả hoạt động CLB bao gồm CLB Cổ Điển đều bị ngừng lại, mặc dù chúng tôi cũng chẳng có gì đang làm để phải tiếc.

Hôm nay là ngày thi cuối. Tôi nằm trên giường mà ngước nhìn trần nhà. Như mọi khi cái trần sơn màu trắng ấy chẳng có gì đặc biệt, ít nhất là không đặc biệt bằng kết quả thi của các thành viên trong CLB Cổ Điển.

Đầu tiên là Fukube Satoshi. Tuy hắn đúng là một cơ sở đồ sộ với nhiều dữ liệu từ vô dụng đến hơi hữu ích nhưng hắn lại tỏ ra không hứng thú lắm với việc học ở trường. Kết quả giữa kì của Satoshi là cực kì tệ hại nên tôi cũng chả mong hắn làm nên trò trống gì trong đợt ngày. Để biện hộ cho kết quả lần trước hắn đã nói thế này : “Đó là vì tớ đang bận nghiên cứu vì sao người Nhật ngày nay không còn viết Hán tự theo lối liền nét[17] nữa.”

Nếu Satoshi nghĩ điều gì là quan trọng thì nó chắc chắn là quan trọng với hắn. Không muốn xem thường gì nhưng đi trên một chặng đường dài như học tập mà suy nghĩ như thế thì ngốc nghếch thật. Cơ mà hắn có thèm quan tâm mình ngốc hay không đâu? Hắn là loại sẽ coi lời cằn nhằn “Mày sống buông thả quá!” là một lời khen đầy ngưỡng mộ. Kết luận : một thằng ngốc không đụng hàng.

Dù đang là thành viên của CLB Nghiên Cứu Manga, Ibara Mayaka đã tham gia CLB Cổ Điển để tiếp tục sự nghiệp cưa đổ Satoshi. Nhỏ chắc chắn thuộc loại chăm chỉ, và nhờ cái tính miệt mài “vạch lá tìm lỗi sai” của mình nên điểm nhỏ cũng vừa đủ ngoi lên tốp nửa trên. Thành thực mà nói thì có lẽ quỹ thời gian Ibara bỏ ra cho học hành dường như chưa tương xứng với kết quả của nhỏ. Ibara là người theo Chủ nghĩa hoàn mỹ. Nhỏ bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo đến mức lúc nào cũng trăn trở để tìm lời giải tốt nhất cho toàn bộ câu hỏi – nhưng thường thì không thành công lắm. Phải chăng vì thế mà nhỏ sinh ra cái tính hay gắt gỏng?

Kế đến là Chitanda Eru, người đứng đầu cả nhóm với số điểm tuyệt vời của mình – hạng sáu toàn khối. Và cũng như hồi giữa kì nhỏ không tỏ ra thoả mãn với kết quả của mình lắm. Nhỏ từng nói với tôi nhỏ không muốn chỉ được học một cách phiến diện, nhỏ muốn hiểu toàn thể cơ. Một trong những ví dụ tiêu biểu là vụ ông cậu của nhỏ : ý nghĩa đằng sau những lời nói mà cả nhỏ cũng không nhớ chính là cái “toàn thể” mà nhỏ đang kiếm tìm, và nhỏ sẽ dám làm tất cả để đạt được điều đó.

Cuối cùng là tôi, điểm của tôi trung bình.

Trong số ba trăm năm mươi học sinh toàn khối tôi xếp thứ một trăm bảy mươi lăm. Có thể bạn nghĩ đây là một trò đùa tức cười nhưng quả thật tôi đã nằm đúng boong chính giữa bảng xếp hạng. Nếu tính hay hiếu kì của Chitanda giúp nhỏ đạt điểm cao, lối sống buông thả “giúp” Sasoshi có kết quả tệ hại và Chủ nghĩa hoàn mỹ chỉ làm Ibara ngày càng trở nên khó chịu, thì số điểm lần này là kết quả rất xứng đáng cho những ngày ôn tập không-quá-lười-biếng của tôi. Dường như đã trở thành bản năng, tôi luôn để mình cheo leo ở một khoảng lưng chừng – đủ thấp đối với đỉnh và đủ cao so với đáy. Vậy có lẽ Satoshi đã đúng, có thể cuộc sống của tôi “xám” thật.

Đương nhiên để kết luận một thứ trừu tượng như “màu” của cuộc sống cần phải đi từ nhiều khía cạnh cụ thể hơn như hoạt động xã hội, thể thao, sở thích, tình cảm… những thứ không-trừu-tượng trực tiếp tạo nên cuộc sống con người. Một danh nhân từng nói đừng chỉ nhìn một cái cây mà bỏ qua cả khu rừng, một kết quả thuộc về phương diện cảm nhận lại càng không thể được áp đặt cho toàn thể. Từ điển tiếng Nhật đã định nghĩa đầy văn vẻ “thời học sinh” như một đoá hồng, nhưng thử trồng trên sa mạc xem nó có nở hoa nổi không?

Thế thì cứ xem như tôi là loại đất không phú hợp để trồng hoa đi, cho nó “văn vẻ”.

Nắp khe bỏ thư vang lên tiếng lách cách dưới nhà. Nếu không phải do người phá thì một bức thư đã vừa được gửi đến…

Tôi ngẩn người. Bao thư có sọc ba màu đỏ, xanh và trắng chỉ có thể là gửi từ nước ngoài. Tên người nhận là tôi, vậy tác giả bức thư chắc chắn không ai khác ngoài Oreki Tomoe. Để xem gửi từ đâu nào… Istanbul à?

Tôi liền mở phong bì và thấy khá nhiều lá thư nhỏ bên trong, một trong số đó là dành cho tôi.

*****

Chào em, Houtarou.

Chị đang ở Istanbul[18]. Một vài rắc rối cỏn con vừa xảy ra và hiện tại chị phải trú nhờ trong đại sứ quán Nhật, thế nên chưa được tham quan thành phố tẹo nào cả.

Tuy vậy chỉ với vài cú liếc mắt chị đã thấy thành phố này rất đỉnh. Nếu có cỗ máy thời gian để được trở về thời Istanbul còn bị giam cầm trong một cánh cổng, chắc chị sẽ đóng chặt nó mà giữ hết những cảnh quan tuyệt đẹp này cho riêng mình quá.

Hiện tại thì chuyến du ngoạn thế giới của chị vẫn thú vị như ngày đầu tiên chị rời Nhật Bản. Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.

Thế CLB Cổ Điển ra sao rồi? Thêm được bé nào không?

Nếu vẫn chỉ có mình em thì cũng đừng có buồn. Sự cô độc sẽ làm một người đàn ông trở nên mạnh mẽ. Còn nếu có thêm người thì quá ổn! Em của chị sẽ có cơ hội giao thiệp rộng rãi hơn.

Thôi vào vấn đề chính, có một thứ chị đang quan tâm đây.

Em (hay các em) đã bắt tay làm tập san văn học chưa? CLB Cổ Điển năm nào cũng xuất bản một tập nên chị không muốn em (hay các em) dừng truyền thống này lại đâu đó.

Còn nếu đã nghĩ tới việc làm tập san thì chị cá là chưa có chủ đề để viết và phải tìm các ấn bản cũ phải không? Khỏi mò mẫm trong thư viện, không có đâu.

Những tập san của CLB đều được đặt trong cái hộp sơ cứu cũ kĩ trong phòng họp ấy. Ổ khoá hư luôn rồi nên khỏi lo cần chìa.

Đến Pristina chị sẽ gọi điện.

Yêu cục cưng của chị

Oreki Tomoe

*****

Trú trong lãnh sự quán, lần này là chuyện gì nữa đây hả bà chị yêu dấu? Chi tiết chắc là nằm trong đống thư còn lại nhưng tôi chẳng việc gì phải làm bộ lo lắng cho bả. Pristina… nghe quen quen nhỉ? Đã là nơi Oreki Tomoe thèm đặt chân đến thì không là tàn tích thì cũng phải thắng cảnh.

Điều làm tôi quan tâm – đúng hơn là ngạc nhiên – là bà chị yêu dấu này hiểu rõ hoạt động của chúng tôi ác liệt thật, và ai ngờ mấy tiền bối ở CLB Cổ Điển đã chủ động tạo điều kiện cho đàn em tiếp nối truyền thống như thế? Thật là đỡ tốn công. Chitanda mà nghe tin này chắc là mừng lắm. Cám ơn bà chị yêu dấu nhiều.

Nếu xem kết quả là mục đích thì để đạt được mục đích chúng ta chỉ cần nhắm đến việc tạo ra kết quả.

Vậy là lại một lần nữa Oreki Tomoe thành công trong việc thò một chân vào cuộc sống của tôi.

Đành vậy, tôi bỏ lá thư vào túi áo đồng phục.

Vừa hết giờ học ngày hôm sau tôi lên thẳng phòng Địa Chất. Ngày sau-kì-thi đầu tiên thật đẹp trời nên dường như mọi CLB đều hoạt động sôi nổi hẳn lên. Tiếng hô hào, tiếng đập bóng xen lẫn vô số giai điệu đến từ CLB Trống Kèn, CLB Nhạc nhẹ, CLB nhạc Dân Gian vân vân và vân vân. Mặc dù người ta thường thấy các CLB Thể thao hoạt động hơn nhưng linh hồn của lễ hội văn hoá lại là ở các CLB Văn hoá nghệ thuật, vậy nên vào thời gian này không lạ gì khi hầu hết các phòng học ở khu Chuyên Dụng đều chật kín người và ồn ào.

Chitanda và Ibara đã ngồi sẵn trong phòng. Chỉ qua vụ quyển sách trong thư viện mà hai nhỏ đã thân nhau trông thấy. Mùa hè đã đến và nữ sinh bắt đầu khoác lên mình những bộ đồng phục thoáng mát hơn, tôi có thể thấy đôi tay bé tẹo ngăm nâu của Ibara tương phản với lan da trắng nõn của Chitanda. Hình như hai cô nàng đang bàn bạc chuyện gì đó, tôi bèn ghé đầu vào khe hở nhỏ xíu để nghe ngóng chuyện bên trong.

“…Nói cách khác, cần phải có một chủ đề chung cho những bài viết.”

“Nhưng ai có thể giúp bọn mình đây?”

“Đừng lo lắng quá, để tớ nhờ bạn bên CLB Manga xem.”

“Nhờ được à?”

Ra là bàn chuyện tập san, vậy thì chúc may mắn nhé.

Bỗng nhiên Chitanda bụm tay vào mặt, chuyện gì mới xảy ra vậy?

“…Ách xì!”

Lo lắng thừa rồi, nhỏ vừa hắt hơi một cách rất truyền thống.

“…Ách xì! Ách xì!”

“Sao vậy, cậu bị cảm à?”

“…A, cũng đỡ nhiều rồi. Thật là kì nhưng tớ hay bị cảm hè.”

Kinh nghiệm bị cảm hè đủ cho tôi biết cảm giác đó khó chịu như thế nào, mà quả là giọng nhỏ có hơi khàn khàn.

“Chào Chitanda, Ibara.”

“A, Oreki-san. Xin chào.”

“Thấy CLB Manga đang bàn luận sôi nổi lắm, ở đây có sao không thế Ibara?”

“Đã phân ca hết rồi. Sao nào, có vấn đề gì khi tôi ở đây à?”

Lại gây sự. Thôi kệ.

Tôi quyết định lờ nhỏ mà đi thẳng vào vấn đề chính – lá thư của bà chị,

“Chị tớ là cựu thành viên CLB Cổ Điển, vừa rồi chị ấy có gửi thư chỉ tớ nơi cất mấy cuốn tập san cũ.”

Chitanda vẫn ngơ mặt ra, nhỏ chậm hiểu quá.

“Có nghĩa là tớ biết mấy cuốn tập san đó ở đâu rồi.”

Nhỏ mím môi như đang kiếm từ ở đó,

“Thật …”

Và hai mắt nhỏ sáng rực lên,

“Thật thế sao?”

“Dĩ nhiên là thật, tớ gạt cậu thì được gì?”

Rốt cuộc nhỏ cũng hiểu. Cặp môi mỏng manh của Chitanda bừng lên một nụ cười thật tươi, rất rất tươi mới đúng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tiểu thư nhà Chitanda cười toe toét đến thế - điều mà cơ mặt của tôi chắc chắn làm không nổi. Chitanda từng tâm sự với tôi ở “Pineapple Sandwich” với Chitanda bây gờ cứ như là hai người khác nhau vậy.

“Vậy là, đã có tập san rồi…”

Chitanda hạ giọng xuống, và thực sự nhỏ thì thầm rất dở.

“…Hi hi, tập san ơi… tập san à…”

Đấy, đừng trông mặt mà bắt hình dong nhé các bạn.

Tôi quay sang Ibara, nhỏ đang ca mày và bắt đầu hỏi : “Tôi không hiểu, sao khi không chị ông lại gửi thư để nói về chuyện tập san của chúng ta?”

Hỏi hay. Không người nào có đầu óc lại nghĩ đến chuyện tìm kiếm thông tin về đồ thất lạc liên quan tới lễ hội văn hoá trong một lá thư từ Istanbul cả. Nhưng đây đúng là thư của bà chị yêu dấu, và cũng cần lưu ý một chút : không một ai biết cái gì Oreki Tomoe xem là quan trọng.

“Sự thật là lá thư đang có ở đây, đọc đi rồi cậu sẽ biết tôi có giỡn hay không?”

Tôi mở thư và đặt lên bàn cho Ibara và Chitanda cùng xem. Hai nhỏ đọc từng dòng thư cả một lúc mà không nói câu nào, cuối cùng Chitanda cũng quay lên nhìn tôi.

“Chị cậu có thích đi Thổ Nhĩ Kỳ không?”

“Cả thế giới đang là mục tiêu của bả.”

“Oreki-san có một người chị thật tuyệt nhỉ?”

Ôi giời! Đọc nhanh xuống dưới một chút đi.

“ ‘Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu’. A, thật là một lời nói đầy quyết đoán.”

Đồng ý là bả rất quyết đoán, nhưng đọc xuống cái đoạn phía dưới nữa kìa!

Lia mắt vào đoạn chữ tôi mong muốn, hai cô nàng cùng đồng thanh:

“Hộp sơ cứu?”

“Hộp sơ cứu à?”

Ibara nhìn quanh phóng một lượt rồi khoanh tay lại.

“Hừm… tôi chẳng thấy cái hộp sơ cứu nào ở đây cả.”

“Đúng là vậy.”

Không khó để lộ ra điều đó, và không khó để thấy Chitanda bắt đầu xanh mặt.

“Ể!? V… vậy thì… vậy mấy cuốn tập san…”

“Chi-chan à bình tĩnh nào! Bình tĩnh một chút.”

Tôi công nhận “Chi-chan” là một biệt danh dể thương. Vậy ra cái mồm độc địa của Ibara không phải là dành cho tất-cả-mọi-người-trừ-Satoshi nhỉ, đúng là chả ai lại nỡ tỏ ra thô lỗ trước Chitanda cả.

Tôi vẫy lá thư trước mặt Chitanda vừa chấp nhận ngồi lại vào ghế,

“Chitanda này, trong thư nói là ‘cái hộp sơ cứu cũ kĩ trong phòng họp’. Chị tớ đã ra trường hai năm rồi nên rất có thể ‘phòng họp’ CLB Cổ Điển đã bị đổi đúng không?”

“Ơ… đúng là vậy.”

“Thế ông có biết phòng họp của CLB hai năm trước là ở đâu không Oreki?”

Để tránh lãng phí năng lượng tôi đã đi hỏi thầy phụ trách.

“Vừa hỏi thầy xong, đó là phòng thí nghiệm Sinh Học.”

“Chuẩn bị kĩ càng quá ha.”

“Dĩ nhiên, cho nó hiệu quá.”

“Bắt đầu biết hoạt động hơn rồi sao?”

Đây là tôi hào phóng giúp cho, lâu lâu hoạt động một lần thôi.

“Phòng thí nghiệm Sinh Học ở ngay dưới chúng ta một lầu, vậy tụi mình đi xuống đó chứ?” Nói xong Chitanda đi thẳng ra cửa cái một.

Có một người luôn rất là hoạt động, đừng hỏi là ai đấy.

Đúng như Chitanda nói phòng thí nghiệm Sinh Học nằm ngay dưới phòng Địa Chất, tức là cùng ở vị trí sát góc của khu Chuyên Dụng và cũng tức là bị biệt lập chẳng kém gì phòng ở trên. Nãy tôi có nói khu Chuyên Dụng giờ này chật kín người là hơi sai, bời vì phòng Địa Chất và Sinh Học đều được bố trí ở cuối hai hành lang toàn những phòng học rộng và (lúc này) trống trơn nên không gian ở đây cực kì tĩnh lặng, chỉ đang có tiếng bước chân của ba đứa học sinh.

Trên đường đi Chitanda hắt hơi liên tục.

“Cậu bị cảm nặng rồi đấy.”

“Cám ơn cậu đã quan tâm. Chỉ là mũi tớ khá nhạy cảm, nên khó mà dừng hắt… Ách xì!”

Nếu đang phải hắt hơi cả chục lần trong một phút như Chitanda thì chắc tôi sẽ khóc mất. Bị như vậy mà trông nhỏ vẫn cố gắng tươi tỉnh, thật đáng khâm phục.

Ibara bước nhanh về phía trước và ngoảnh đầu lại,

“Mà Oreki, ông có mang chìa khoá phòng này theo không đấy?”

“Không, có người mượn rồi.”

“Ách xì… vậy là phòng Sinh Học đang có CLB họp sao?”

“Hoặc là có một thằng ngốc nào mượn để vọc chơi, nếu không họp thì chắc chắn là thế.”

“Oreki-san… đừng gọi người khác là ‘thằng ngốc’, thô lỗ lắm.”

Tôi vừa bị mắng, nếu chỉ thế mà nhỏ giận thì có là Satoshi hay Ibara cũng đừng hòng chống chế. Trong lúc cười dạo và nhìn quanh cho qua chuyện, một vật đã đuợc đặt sát vào chân tường lọt vào tầm nhìn của tôi. Chẳng biết nó là cái gì, và hình như cả Chitanda lẫn Ibara đều không để ý. Đó là một cái hộp nhỏ, sơn màu trắng giống hệt bức tường phía sau như là để nguỵ trang vậy. Ở chân tường đối diện cũng có một hộp như vậy. Chẳng biết có phải là đồ để quên không, nhưng trông chẳng có chút giá trị gì nên tôi lờ nó luôn. Hành động khom người sẽ tốn nguồn năng lượng trị giá khoảng một yên, mà để lượm một vật trị giá chưa tới một yên là hoàn toàn phí phạm năng lượng. Một người tiết kiệm năng lượng phải hiểu rõ điều đó.

Thế rồi cả ba đã đứng trước phòng thí nghiệm Sinh Học. Trong khi tôi đang suy nghĩ có nên gõ cửa hay không thì Chitanda đã với lấy tay nắm,

“Ơ?”

Cửa không mở.

“Nó bị khoá rồi.”

“Đúng là vậy.”

Hai cô gái nhìn chằm chằm vào tôi, Chitanda trông có vẻ bối rối còn Ibara thì nheo mắt lạnh lùng. Cả hai ánh mắt đều khó chịu như nhau.

“Thực sự là không mượn được chìa khoá mà, làm sao tớ biết cửa bị khoá chứ?”

Ibara cố đẩy thêm vài lần nữa và chỉ nghe thấy tiếng lách cách của tay nắm bị chặn lại. Khá ngẫu nhiên Chitanda nói ngay điều tôi vừa nghĩ tới : “Lại nữa sao?”

Lại nữa rồi!

“Ý của Chi-chan là gì vậy?”

“Ưm, là sự viện hồi tháng tư…”

Chả có cánh cửa nào ở trường Kami mang lại điều tốt lành cả. Trong khi Chitanda thuật lại câu chuyện hồi tháng tư, tôi bắt đầu kiếm cách giải quyết.

“… và thế là bí ẩn đã được giải đáp.”

“Hừm, Oreki tự mình đoán ra hết sao?”

Tôi xoay mũi chân hướng lại vào cánh cửa mà la to :

“CÓ AI TRONG NÀY KHÔNG?”

Dĩ nhiên tôi không mong đợi lời hồi đáp nào cả.

Nhưng lại là có đấy, một tiếng cách vang lên và có lẽ cánh cửa đã được mở khoá.

“Ai vậy?”

Cánh cửa bắt đầu trượt sang bên.

Đứng trước chúng tôi lúc này là một nam sinh mặc áo thun bó và quần đồng phục. Anh cao và có dáng người mảnh khảnh trông ra dáng thư sinh hơn là tuýp người ưa vận động. Nhìn nhanh vào cổ áo để biết chúng tôi là học sinh lớp dưới, anh mỉm cười lịch sự và nói : “Ồ xin lỗi mấy em nhé, mấy em muốn tham gia vào CLB Báo Tường phải không?”

Không nghe tiếng đẩy cửa bao nhiêu lần à? Thay vì cằn nhằn như vậy tôi chọn cách hỏi anh : “Đây là CLB Báo Tường sao?”

“Đúng vậy. Bộ em không đến đây vì thế à?”

Người nam sinh đi ra ngoài và đóng cửa lại. Ngay lập tức tôi ngửi thấy hương cồn khử mùi thoảng ra từ anh, có lẽ anh chàng này gặp rắc rối với mùi cơ thể. Anh liền nhướn mày khi để ý sự chăm chú của tôi,

“Có vấn đề gì không?”

Rồi như vừa sực nhớ ra điều gì anh vội quay về với giọng điệu ân cần :

“Thế, anh giúp gì được đây?”

Tôi và Chitanda nhìn nhau, dĩ nhiên hội trưởng nên là người thương lượng.

“Chào anh, em là Chitanda Eru, hội trưởng CLB Cổ Điển. Anh là Toogaito-sempai ở lớp 3-E phải không ạ?”

Người vừa được gọi là Toogaito thốt lên kinh ngạc :

“Sao em biết?”

Một nỗi đồng cảm dành cho anh chàng này khi đó chính xác là điều tôi gặp phải vào tháng tư : bị một người hoàn toàn xa lạ gọi đích danh. Và cũng như hôm ấy, Chitanda chỉ mỉm cười,

“Em đã gặp anh ở trang viên nhà Manninbashi năm ngoái.”

“Nhà Manninbashi… thế, thế hồi nãy em nói tên em là Chitanda, vậy em là người nhà chú Chitanda sống ở Kanda sao?”

“Vâng, ông là ba của em. Cám ơn anh đã quan tâm.”

Ồ, ở đây đang diễn ra cuộc hội ngộ của hai người con thuộc tầng lớp thượng lưu đây. Tôi nhớ ra trước đây khi Satoshi kể về những gia tộc lâu đời ở vùng Kamiyama này thì nhà Toogaito cũng là một trong số đó.

“À, không anh mới phải cảm ơn. Ra em đúng là người nhà Chitanda...”

“Dạ vâ… ách xì!”

“Bị cảm à? Nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé.”

Biết Chitanda Eru là tiểu thư của gia tộc điền nông lớn nhất vùng khiến thái độ của anh Toogaito thay đổi đến kì lạ. Anh vẫn giữ cung cách lịch sự nhưng đôi mắt thường hay nhíu lại và trong nó đang lộ rõ sự căng thẳng. Chitanda có gì làm anh sợ thế nhỉ? Hay đó là là áp lực là một “Luỹ Thừa gia tộc” có thể gây cho những gia tộc khác ít tiếng tăm hơn? Cũng có thể là tôi chỉ tưởng tượng, nhưng có một sự thật là anh ta đang tránh nhìn vào mắt Chitanda và phát ra từng lời đầy cẩn trọng :

“Vậy, em cần gì?”

Ngược lại, tiểu thư cả chúng ta hầu như chẳng để ý gì đến anh chàng tội nghiệp.

“Dạ, thật ra, em được biết tập san những năm trước của CLB được lưu trữ ở phòng thí nghiệm Sinh Học. Nhưng đây từng là phòng họp CLB của tụi em phải không ạ?”

“Hồi anh học năm nhất thì đúng là vậy, nhưng năm ngoái thầy phụ trách đã cho đổi cái roẹt vị trí của tất cả phòng họp.”

“Thế anh có thấy mấy cuốn tập san ở trong phòng không?”

Toogaito khựng lại một tích tắc trước khi đáp : “Không em à, chẳng thấy cuốn nào cả.”

Im lặng lắng nghe hai người họ nói chuyện, Ibara quay qua nhìn tôi và tôi gật đầu. Một người có trực giác hắc chắn sẽ thấy những hành động của anh này rất bất bình thường.

“Vậy à …”

Một trí nhớ siêu phàm, tính hiếu kì siêu hạng và khả năng học tập siêu đẳng; thế nhưng ông trời đã không quá hào phóng khi để Chitanda sở hữu một trực giác cực tệ hại. Nhỏ trông thất vọng thấy rõ và định quay về thì Ibara đã chen vào,

“Xin lỗi sempai, anh có phiền nếu tụi em vào phòng và tìm một chút chứ?”

“Em là …”

“Ibara Mayaka, CLB Cổ Điển. Vì hoạt động của mấy anh không dính dáng gì mấy cuốn tập san nên anh cũng đâu để ý nhiều đến nó đúng không?”

Sẽ có lãng phí năng lượng nhưng tôi muốn trợ giúp nhỏ một tay ,

“Tụi em sẽ cố gắng không đá động gì đến đồ đạc của anh, được chưa hay là anh còn phiền gì nữa?”

“Được không anh?”

“Em cũng muốn vào xem thử.”

Hứng một loạt thỉnh cầu của chúng tôi, anh Toogaito đã bắt đầu hơi hoảng,

“Anh thường không thích người lạ vào phóng họp …”

Chưa được dứt câu Ibara đã phản pháo :

“Nhưng sempai à, dù đây có là phòng họp thì nó cũng vẫn là phòng học đấy!”

Tôi bụm miệng cười, trong khi Ibara giảng đạo cho anh chàng : “Anh không có quyền từ chối học sinh vào phòng học để làm những việc chính đáng.” Lúc này trông Toogaito đã rối lắm rồi, công với sự quyết liệt của Ibara khiến anh rốt cuộc cũng chào thua,

“Thôi được, mấy đứa có thể vào. Nhớ là không được đụng vào đồ của anh đấy.”

Vậy là không còn cách nào khác người hội trưởng của CLB Báo Tường phải mở cửa cho chúng tôi vào.

Phòng thí nghiệm Sinh Học nhìn chung không khác gì mấy so với phòng của chúng tôi ngoại trừ có thêm một cánh cửa, trên cửa phụ có gắn biển “Phòng trù bị dụng cụ”. Cạnh phòng Địa Chất trên tầng bốn cũng có một phòng trù bị nhưng không có cửa nối giữa hai phòng.

Anh Toogaito bắt đầu giải thích : “Tụi anh có bốn người, nhưng vì hôm nay không có hoạt động gì nên chỉ mình anh ở đây suy nghĩ xem CLB sẽ xuất bản cái gì vào dịp hội sắp tới.”

Nếu tôi nhớ không nhầm thì hội Kanya tổ chức vào tháng mười hằng năm, vậy là còn tầm hai tháng rưỡi nữa.

“Có gì khác giữa CLB Báo Chí và CLB Báo Tường vậy anh?” Chitanda hỏi một câu hoàn toàn lạc quẻ, và anh Toogaito cũng từ tốn đáp :

“Có ba đầu báo được phát hành trong trường Kami : thứ nhất là báo ‘Thanh Long’ được phát đến mỗi lớp học mỗi tháng một lần, thứ hai là ‘Tin tức Hội học sinh Cao trung Kami’ được dán ở ngoài phòng Hội và không định kì, cuối cùng là ‘Nguyệt san Cao trung Kami’ phát hành hàng tháng trừ tháng tám và mười hai được dán ngay trên cảnh thông báo cạnh cổng chính. Tụi anh phụ trách ‘Nguyệt san Cao trung Kami’.”

“Còn hai cái kia?”

“ ‘Thanh Long’ là của CLB Báo Chí, còn ‘Tin tức Hội học sinh Cao trung Kami’ dĩ nhiên thuộc Hội học sinh rồi. Báo của tụi anh có lịch sử phát hành xưa nhất đó. ‘Nguyệt san Cao trung Kami’ sắp kỉ niệm kì thứ bốn trăm, trong khi hai tờ kia lẹt đẹt mãi còn chưa tới nổi một trăm.”

Bốn trăm kì cơ à? Vậy CLB Báo Tường cũng có truyền thống lâu năm đấy chứ. Chitanda có nói cậu của nhỏ từng kể chuyện về CLB Cổ Điển hồi cậu còn đi học ba mươi ba năm trước, vậy là chí ít CLB đã gấp đôi tuổi chúng tôi. Ước gì cuộc sống tiết kiệm năng lượng của tôi cũng kéo dài được như thế, dù hiện tại nó đang bị đe doạ nghiêm trọng.

“Hình như không có ở đây.”

Ibara kết luận sau khi rảo quanh căn phòng gần chục vòng. Vậy chỉ còn lại phòng trù bị, tôi bèn lên tiếng : “Tụi em xem luôn phòng trù bị được chứ?”

“…Ờ, cứ tự nhiên.”

Tôi bước vào căn phòng nhỏ và lập tức nghe tiếng giấy kêu loạch xoạch xen lẫn tiếng có vẻ là mô-tơ đang chạy, chả biết là cái gì.

Căn phòng rộng cỡ một phần ba phòng thí nghiệm và tất cả những dụng cụ chuyên dụng cho bộ môn hình như chỉ là vài cái kính hiển vi đặt trên kệ. Trường Kami chú trọng lí thuyết là chính nên việc dụng cụ thực hành bị bỏ xó chẳng có gì là lạ. Bây giờ phòng trù bị là nhà kho riêng của CLB Báo Tường. Tôi thấy một chiếc camera loại cầm tay, một hộp bút chì nhiều màu và loại đen thì đủ độ đậm nhạt, bốn năm thùng các-tông chất thành đống cạnh cái máy photo cùng một cái loa nhỏ… nhưng nổi bật nhất là một cái giống-như-bàn án ngữ ngay giữa căn phòng vốn đã hẹp về không gian. Nói “giống-như-bàn” vì nó chỉ là một tấm gỗ đặt trên một cái thúng các-tông cỡ lớn và trông khá vững chãi. Bày ra khắp mặt bàn là cỡ chục tờ giấy B1[19] với những dòng chữ viết tháu không đọc nổi đang bị đè chặt dưới chiếc hộp bút bằng kim loại. Tiếng loạch xoạch ban nãy hoá ra là do mớ giấy bị gió thổi…

Gió?

Có gió trong phòng này, gió từ bên trong phòng. Hướng mắt về nguồn phát ra thứ âm thanh như mô-tơ tôi thấy một chiếc quạt máy. Cũng khó để nhận ra từ đầu vì chiếc quạt khá nhỏ lại bị kẹp giữa chồng thùng các-tông và cái máy photo bự chảng. Quạt được để hướng về cái giống-như-bàn và đối diện cửa sổ đang để mở, nấc mạnh nhất.

Gió còn đang làm phất phời một thư nữa, đó là cái áo đồng phục hè của nam sinh đang vắt tạm trên khung cửa sổ.

“…?”

“Tìm được gì chưa Oreki?”

Chitanda và Ibara đang đứng ở cửa phòng trù bị. À quên, phải đi tìm cái hộp sơ cứu chứ.

Với cách bố trí đồ đạc trong cái phòng nhỏ hẹp mà “không được đụng đến đồ đạc của anh” thì khó đây. Theo lời bà chị nó là một cái hộp cũ kĩ trong khi những thứ hiện giờ có thể thấy bằng mắt thường vẫn còn mới.

Hừm…

Tôi bước ra ngoài và hỏi anh Toogaito, người nãy giờ theo dõi chúng tôi rất sát : “Anh có biết tại sao năm ngoái vị trí các phòng họp lại phải đổi không vậy?”

“Không, chắc là có nhiều CLB không còn hoạt động nữa nên thầy phụ trách muốn ém lại cho gọn ấy mà.”

“Khi mới chuyển tới anh đã mang vào đây mấy cái thùng à?”

Toogaito nghĩ ngợi một chút …

“Ý em là thùng nào?… À là thùng các-tông ấy hả? Đó, cái đống cạnh máy photo.”

“Vâng.”

Xong!

Rất có khả năng là chỗ đó. Xém nữa tôi quên mất rằng nhà Toogaito cũng là một gia tộc lớn, vậy thì “động cơ gây án” – mảnh ghép cuối cùng đã được tìm ra.

Kiếm được chỗ giấu mấy cuốn tập san rồi, vậy câu hỏi được đặt ra là làm sao để lấy?

…Thử đặt cái bẫy xem sao. Tôi lại quay về phía anh Toogaito,

“Sempai này, trong đây có nhiều đồ quá mà chỉ có ba tụi em thì khó mà tìm nổi. Hơi phiền anh một chút, nhưng để công việc diễn ra nhanh hơn tụi em có thể nhờ thầy Ooide đến giúp được không?”

Toogaito trợn mắt lên, nhìn sơ cũng biết khả năng giữ một bộ mặt bình thường của anh chàng đã mấp mé giới hạn.

“Không. Anh đã bảo mấy đứa không được động vào đồ ở đây!”

“Sau khi tìm xong tụi em sẽ sắp xếp lại đâu vào đấy mà, anh khỏi lo.”

“ĐÃ BẢO KHÔNG LÀ KHÔNG!”

Anh đột ngột quát.

“Ơ… cho em xin lỗi! Xin lỗi đã làm phiền Toogaito-sempai ạ.”

Không thèm để ý tới Chitanda, anh Toogaito vẫn tiếp tục lớn tiếng :

“Ngày mai phải trình bày ý tưởng cho nhóm biên tập nên giờ anh đang rất bận, vậy mà tụi bây tính lục lọi trong đây cả tiếng à? Không có cuốn tập san nào trong đây hết, tụi bây đi dùm cho anh nhờ!”

Tôi nhìn đầy thương hại trước một Toogaito đang sửng cồ. Dính bẫy rồi!

Chỉ mỉm cười, tôi nói :

“Sempai à, cái tụi em cần tìm thực ra là một hộp sơ cứu.”

“Cái gì?”

“Những cuốn tập san nằm trong một cái hộp sơ cứu cũ kĩ, nhưng anh đã nói là không có thì đành vậy. Tụi em không có ý làm phiền hơn nữa…

Nghiêm mặt lại, tôi bồi thêm cú chót : “Mà anh này, bây giờ tụi em đến thư viện. Nếu sau khi tụi em đi anh vô tình tìm thấy mấy cuốn tập san thì chắc anh sẽ tử tế mang lên phòng Địa Chất cho tụi em chứ? Cửa không khoá đâu.”

Toogaito trông đã điên máu lắm rồi nhưng anh ta không làm gì khác ngoài việc trừng mắt nhìn tôi. Kệ, trước giờ có ai chết vì bị nhìn đâu?

“Sao lại? Sao m…”

“Sempai muốn hỏi gì ạ?”

Sau khi lấy lại bình tĩnh, anh Toogaito bỏ lửng câu nói. Anh thở dài cái thượt rồi quay trở lại với bộ mặt hiền từ,

“Được rồi, tìm thấy anh mang lên cho.”

“Cám ơn anh rất nhiều … Vậy giờ mình đi thôi há Chitanda, Ibara?”

Dù chưa hiểu mô tê gì về cuộc đấu khẩu ban nãy nhưng hai cô nàng cũng đành đồng ý mà đi theo tôi, chứ ở lại để mà nghe chửi tiếp à?

“Oreki-san, chuyện gì vừa diễn ra vậy?”

“Tí nữa tớ giải thích.”

Thế là ba chúng tôi rời khỏi phòng thí nghiệm Sinh Học …

Bỗng dưng một giọng nói từ phía sau vói theo : “Nè năm nhất, tôi chưa biết tên cậu.”

Tôi ngoảnh đầu lại và đáp ngắn gọn :

“Oreki Houtarou. Xin lỗi chuyện hồi nãy nhé.”

Tôi đang dựa lưng vào bức tường trên hành lang nối dãy thường và chuyên dụng. Thời gian chúng tôi chờ đợi ở đây là dịp để hai cô nàng được thắc mắc.

“Oreki, tôi không biết là chuyện gì nhưng ông vừa bảo phải đến thư viện cơ mà?”

“Không, không cần đâu”, tôi vẫy tay.

“Là sao? Nếu không cần thì sao không lên thẳng phòng họp luôn?”

“Giờ thì chưa, chút nữa mới được.”

“Mưu tính cái quái gì không biết”, Ibara làu bàu. Chắc chắn là nhỏ vẫn chẳng hiểu cái gì.

Sau một cơn hắt hơi dài đến lượt Chitanda lên tiếng : “Hồi nãy trông anh Toogaito giận lắm đấy Oreki-san.”

“Có lẽ thế.”

“Tìm được tập san thì tốt, nhưng cậu cũng không phải khi ép buộc anh ấy quá.”

“ ‘Ép buộc’? Yêu cầu có lí do hẳn hoi cơ mà?”

Chitanda tính mở miệng rồi lại thôi, rõ ràng tôi đã nhờ một cách hoàn toàn chính đáng.

“Nhưng mà ảnh giận thiệt đó.”

“Có giận thật không?”

Bước tới cạnh Chitanda, Ibara tiếp tục nói :

“Sau khi Oreki đề xuất việc mời thầy, trông vẻ tức tối của anh ta giống như là đang làm bộ ấy.”

Ô, ra là có người để ý.

“Thật thế sao?”

Và chác chắn Chitanda không nằm trong số đó.

Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã ba phút trôi qua. Sắp đến lúc rồi. Tôi đứng thẳng người và hỏi : “Chitanda này, gia đình anh Toogaito nổi tiếng cỡ nào?”

Chitanda khẽ nghiêng đầu trước một câu hỏi lạ, nhỏ đáp : “Chủ yếu là trong lĩnh vực giáo dục trung học. Một người ở Bộ Giáo Dục cấp tỉnh, một người ở Bộ huyện, còn ở đây thì có thầy hiệu trưởng và hai giáo viên là người nhà anh ấy.”

Chả trách…

“Oreki, vậy mấy cuốn tập san tính sao?”

“Đến lúc về lấy rồi đó.”

Tôi chỉ mỉm cười còn Chitanda và Ibara thì nhìn nhau bối rối.

Chúng tôi đã về đến phòng Địa Chất.

“Ơ, có rồi nè!”

Trên bàn giáo viên là vài tá quyển tập mỏng để ngổn ngang. Tôi không thể ngăn mình vỗ hai tay vào nhau một cái bốp. Còn gì tuyệt vời hơn khi kế hoạch thành công hệt như dự tính?

“Đùa hả trời? Sao mà có thể…” Ibara vừa nói vừa đi đến chồng tập. Cầm một lên một quyển nhỏ lẩm bẩm như là tưởng mình đang mơ : “Đúng là tập san văn học thật này!”

“Ơ, hả? C-cho tớ xem với!”

“Lần này là trò bịp gì thế hả Oreki?”

Cứ làm như tôi vừa làm sai ấy. Ngồi lên cái bàn học sinh gần đó tôi nói : “ ‘Trò bịp’ ấy là một tối hậu thư, thế thôi.”

“Tối hậu thư? Cho cái anh ở CLB Báo Tường đó hả?”

“Đúng, nhưng Ibara này. Chuyện tôi sắp kể khá là quan trọng nên phải giữ bí mật đấy.”

Ibara làm bộ mặt khinh khỉnh,

“Tôi không lười, nhưng cũng chẳng phải là hạng to mồm đâu.”

“Ai biết được... Tóm lại như vầy, câu chuyện ở đây là một bí mật của anh Toogaito. Nếu bí mật này bị lộ chắc là thảm cho ảnh lắm.”

“Nếu ông không tin thì tôi sẽ ra về… nhưng tôi đã hứa sẽ không nói thì là không nói”, Ibara nhấn mạnh. Chitanda thì không phải lo lắm, bởi chắc chắn vì cái tính hiếu kì nhỏ sẽ làm mọi thứ để được ở đây nghe. Thế là ổn, tin vào sự kín tiếng của hai cô nàng vậy,

“Xin lỗi. Mà Ibara này, cậu có thấy lạ khi anh Toogaito phải chặn cửa không?”

Nhỏ đáp : “Thì ảnh đã nói không muốn ai quấy rầy để tìm ý tưởng cho ngày mai cơ mà.”

“Rồi, vậy thì về cái phòng trù bị. Tại sao mở cửa sổ rồi ảnh lại bật quạt máy?”

“Vì không có gió… và ảnh nóng?”

“Thế thì phải đặt bên cạnh chứ, ai lại để đối diện với cửa sổ bao giờ? Đó là chưa nói đến cái quạt còn hướng vào cái bàn giữa phòng. Lỡ ai mà nhấc cái hộp chặn lên thì mớ giấy phía dưới có mà thi nhau bay ra ngoài cửa sổ hết.”

Ibara gãi đầu,

“Đúng là lạ thật, rồi sao nữa?”

“Vẫn chưa hiểu anh Toogaito muốn làm gì à?”

“Phần nào, nếu để quạt như vậy… tức là ảnh muốn thổi bay cái mùi gì ra khỏi phòng đúng không?”

Tôi giơ ngón cái lên thể hiện sự tán dương. Dĩ nhiên Ibara sẽ không bao giờ coi nó là lời khen để mà vui nên nhỏ quay mặt đi chỗ khác.

“Vậy đây là câu hỏi tiếp theo là tại sao anh ta lại muốn khử mùi căn phòng? Hay nói cho đầy đủ luôn : tại sao anh Toogaito – con trai của một gia tộc giàu truyền thống nhà giáo – lại khoá mình trong phòng cùng một bộ cảm ứng hồng ngoại thủ sẵn bên ngoài?”

“T-từ từ đã! Cái gì mà có cảm ứng hồng ngoại ở đây? Ông bị lậm tiểu thuyết hành động rồi hả?”

Biết ngay, quên chưa giải thích là y như rằng,

“Chưa ghé qua cái cửa hàng công nghệ mới khai trương à? Họ từng giới thiệu một bộ cảm ứng hồng ngoại có khả năng kích hoạt chuông báo cho người sử dụng. Giờ mà mua là 5000 yên một bộ thì phải.”

“Chúng được gắn ở đâu?”

“Ngay hành lang trước phòng thí nghiệm Sinh Học. Anh Toogaito đã sơn bộ cảm ứng bằng màu trắng nên chỉ nhìn sơ thì khó mà nhận ra, nhưng khi thấy cái loa nhỏ xíu trong phòng trù bị thì nghi ngờ của tôi cũng được xác nhận phần nào.”

“Ông kì dị thật đó”, Ibara cau mày.

“Muốn thằng kì dị này nói tiếp không?… Đến đâu rồi?… À đây. Vì chúng ta đã đi qua bộ cảm ứng nên một thông báo khẩn đã được gửi đến ảnh. Có ai nghĩ được vì sao ảnh dám liều cái chồng giấy đặt trên bàn để mở quạt không?”

Tôi có kiên nhẫn chờ câu trả lời của Ibara.

Nhỏ ngần ngừ một chút rồi đáp lại với ánh mắt nghi ngờ : “Chẳng lẽ là… không muốn chúng ta ngửi thấy cái mùi trước đó còn ở trong phòng?”

Kì này nhỏ đáng nhận được một tràng pháo tay,

“Quá chuẩn. Anh ta thậm chí còn xịt cồn khử mùi lên khắp người. Vậy thứ mùi gì có thể phát tán nhanh chóng ra xung quanh và bám chặt lấy cơ thể của một người nhất định nào đó?”

“Đừng nói là…”

“Đúng vậy, Toogaito đã hút thuốc lá. Anh ta còn đi xa tới mức sắm cả cảm ứng chỉ để sở hữu một nơi hút thuốc riêng tư, nhưng đây là chuyện có thể tạm thông cảm. Đừng quên nhà Toogaito là một gia tộc danh giá và có ảnh hưởng lớn trong ngành giáo dục của vùng. Tưởng tượng xem việc quý tử nhà Toogaito bị phát hiện hút thuốc trong trường sẽ tạo nên tai tiếng lớn đến cỡ nào?”

“Hiểu rồi, nếu đúng là vậy … thì ảnh cũng tội nghiệp thật.”

Quả vậy. Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi – nói đúng hơn là của Chitanda – đã làm sụp đổ cả một hệ thống phòng ngự của anh chàng Toogaito tội nghiệp cố công gầy dựng. Chính cái họ “Chitanda” làm anh run sợ. Nếu Chitanda phát hiện bí mật của anh và kể cho nhà mình nghe thì có thể không chỉ mối quan hệ giữa hai nhà, mà mọi quan hệ với các gia tộc danh giá khác đều sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tính ra anh cũng may mắn vì Chitanda đang bị cảm. Nếu cái mũi của nhỏ hoạt động bình thường có nước anh giấu cái mùi thuốc lên trời.

“À, và tôi không có thừa năng lượng để tìm hiểu cái sở thích khoái hút thuốc ở trường của ảnh nhé. Hài lòng với lời giải thích rồi chứ?”

Nói xong tôi thấy ánh nhìn của Ibara thay đổi hẳn.

“Này, thực ra nãy giờ điều tôi cố gắng hỏi ông là làm thế nào mấy cuốn tập san lại có ở đây? Anh Toogaito đã giấu chúng ở đâu để có thể mang lên phòng của chúng ta ngay sau khi ông gửi cái tối hậu thư cho ảnh?”

Đúng là bỏ quên phần này rồi, tôi lai phải nói tiếp : “Chắc là trong cái hộp sơ cứu.”

“O – re – ki!”

“Không hề đùa đâu. Vậy vấn đề cuối cùng đặt ra là tìm cái hộp sơ cứu. Còn nhớ câu trả lời của anh Toogaito về việc chuyển mấy cái thùng các-tông vào phòng trù bị không? Ngay lúc đó tôi đã đoán được chắc chắn cái hộp sơ cứu vẫn còn ở trong phòng.”

“…Nhưng chúng ta đâu có thấy?”

“Không thấy không đồng nghĩa với không có. Dĩ nhiên là nó đã bị giấu đi, nguỵ trang, cùng với nhiều thứ khác.”

Để Ibara tiêu hoá xong những lời vừa rồi tôi mới tiếp tục : “Lí do anh ta phải giấu biệt cái hộp vì nơi đó còn là nơi chứa đống ‘sở thích’ của ảnh. Có ai thấy đầu lọc, bật lửa hay gạt tàn để đâu không nào? Nhớ mãi cảnh ảnh lồng lộn lên khi nghe đến tên thầy Ooide… Quay lại chủ đề chính, nơi mà cái hộp bị giấu ấy tôi đoán chính là bên trong chiếc thùng các-tông lớn nhất được dùng làm cái bàn ngay chính giữa phòng trù bị.”

Kết thúc một lời giải thích dài, tôi thở phào.

Không sai khi Chitanda nói tôi đã có phần không phải khi cố cài anh Toogaito vào thế bí và buộc ảnh nổi nóng, nhưng thực tình tôi không bao giờ muốn bí mật của anh bị lộ. Ai cũng có bí mật, và cũng như ảnh tôi sẽ không vui chút nào khi có kẻ tò te được bí mật của mình. Cứ xem như kì này anh ấy gặp xui đi.

Ibara có vẻ không còn muốn đưa ra câu hỏi nào. Đến lúc này tôi mới nhận thấy sự hiện diện cùa một người bình thường rất hay nói. Tôi quay sang người ấy,

“Chitanda?”

Chitanda đang nhìn vào mấy cuốn tập san trên bàn giáo viên, ánh mắt của nhỏ nghiêm túc hệt như lần tôi thấy ở “Pineapple Sandwich”. Hình như nhỏ đã không nghe thấy tiếng gọi của tôi.

“Sao thế Chitanda?”

Nhỏ vẫn chẳng để ý, tôi đành vác thân mình lên đó để vỗ vào vai nhỏ một cái,

“Có chuyện gì vậy?”

“Ồ, Oreki-san à… cậu xem này”, nhỏ đưa cho tôi một trong những cuốn tập san.

Đó là một quyển tập khá mỏng , cỡ bằng loại tập Campus[20] bán ở nhà sách. Từng trang từng trang được kết với nhau bằng chỉ, bởi một bàn tay cực kì thành thục nào đó. Trang bìa là một lớp da thuộc màu nâu lợt, trên có một hình vẽ bằng mực đen hai loài vật : chó săn và thỏ.

Một đàn thỏ quây thành một vòng tròn và trong vòng là hình một con chó săn và một con thỏ cắn chặt lấy nhau. Hàm răng sắc nhọn của con chó cắm sâu vào đầu con thỏ như sắp dứt lìa nó ra, trong khi bộ răng cửa của con thỏ cũng ngoạm cả cần cổ kẻ thù. Vì được vẽ theo kiểu hoạt hình nên trông bức tranh này buồn cười hơn là thấy ghê. Từng có một thành ngữ của người xưa nói về việc những con chó săn bị giết chung với lũ thỏ chúng vừa bắt được[21], nhưng ở đây cứ như thể hai con thú đang săn lẫn nhau vậy. Để ý kĩ đám thỏ bên ngoài có thể thấy hai con trong số chúng ném cái nhìn bàn quan vào cảnh tượng bên trong. Tự dưng tôi cảm thấy một thứ điềm báo như vừa toát ra từ bức tranh, điềm không lành…

Trên phần hình minh hoạ có ghi mấy chữ “Kem Đá[22], tập hai” cùng với năm xuất bản là 1968. Khá là xưa đấy, nhưng cái làm tôi băn khoăn là …

“Kem Đá?”

Nhan đề đây sao?

“Tên gì lạ thế?”

Ibara ngó qua vai tôi để nhìn cuốn tập. Nhỏ đồng ý : “Ừ, còn khó hiểu nữa.”

Y như lần đầu tôi nghe đến tên “Hội Kanya” vậy, mặc dù đoán gốc gác của nó kể ra cũng có hướng – bằng chứng là Satoshi đã mò ra được. Thông thường nhan đề một tác phẩm sẽ bao trùm toàn bộ nội dung chứa trong nó, đằng này chẳng có chút xíu liên quan nào giữa “CLB Cổ Điển” và “Kem Đá” mà tôi có thể suy ra được.

Chỉ vào hình minh hoạ, tôi hỏi Ibara : “Với tư cách là thành viên của CLB Nghiên Cứu Manga, cậu nghĩ sao về hình vẽ này?”

“Một bức tranh ấn tượng. Tất cả hình ảnh được gói gọn trong một hình tròn nên hầu như không có khoảng bị trống … Nói chung là tốt, tôi thích đấy.”

Tôi khá bất ngờ khi nhỏ có thể nói thích hay ghét một thứ rõ ràng như vậy. Nhận ra điều mình vừa nói, Ibara liền trả cuốn tập lại cho tôi mà chống chế :

“Ơ, cũng không hẳn là ‘thích’ đâu, vì nó chẳng đẹp gì cả … thấy gớm là đằng khác. Xét về mặt nghệ thuật thì ổn, nhưng về ý nghĩa thì …”

Lúc này Chitanda có vẻ không vui, hình như mọi niềm vui mà nhỏ lẽ ra phải có khi tìm được tập san vừa bị mộ con ma cà rồng hút hết sạch.

Tèn bèn hỏi lần nữa : “Chitanda này, có chuyện gì vậy?”

Vừa nghe tiếng nhỏ liền kéo tôi vào một góc phòng và nói khẽ : “Cái này.”

“Cái gì?”

Thay vì một đôi mắt nở to vì hiếu kì như thường lệ, bộ mặt nghiêm túc được tô sáng bởi vô vàn ánh tà dương màu cam sẫm của nhỏ làm tôi cảm thấy nhỏ vừa phát hiện một bí ẩn quan trọng. Nhỏ tiếp tục thì thầm : “Tớ tìm ra rồi, đây chính là thứ cậu của tớ muốn cho tớ xem. Cuốn tập san này sẽ giúp tớ tìm lại những lời nói ấy!”

Hay vậy.

“Thế là cậu đã nhớ ra chút gì rồi sao?”

Thay vì trả lời nhỏ chỉ tay vào cuốn “Kem Đá, tập hai” tôi đang cầm,

“Trong đây họ có nhắc về cậu ấy, liên quan đền một sự việc nào đó xảy ra ba mươi ba năm về trước. Cậu xem đi.”

Tôi làm theo lời nhỏ mà mở cuốn tập ra, trang đầu tiên …

*****

Lời tựa

Vậy là năm nay chúng ta lại tham dự hội văn hoá…

Thời gian thấm thoát, vậy là đã một năm kể từ lúc Sekitani-sempai[23] rời xa CLB Cổ Điển và chúng ta.

Năm ấy, sempai đã giũ bỏ tấm áo anh hùng để trở thành huyền thoại, nhờ đó mà lễ hội văn hoá năm ngày vẫn được tổ chức như thường niên.

Tuy vậy, tôi vẫn thường trộm nghĩ : những con người đang bàn tán và ca tụng kia mười năm sau liệu còn nhớ đến người chiến binh thầm lặng và người anh hùng tử tế ấy chăng? Khi tất cả những gì anh để lại chỉ là một quyển tập san, với nhan đề “Kem Đá” do chính tay anh đặt?

Dù là người hy sinh trong cuộc tranh đấu ấy, sempai vẫn cười. Nụ cười của anh như đã theo dòng thời gian mà đến cõi vĩnh hằng, mà đến tận cùng của sự vô biên…

Không, có lẽ chúng ta không ai nên nhớ về anh. Vì câu chuyện của anh không phải là câu chuyện về một người anh hùng.

Khi một câu chuyện bị mất đi phần chủ ngữ cụ thể, nó sẽ được trao cơ hội để trôi theo dòng chảy vô tình của thời gian, để hy vọng được trở nên “kinh điển”.

Liệu ngày đó có tới, khi câu chuyện của chúng ta trở nên kinh điển với một ai đó?

13/10/1968

Kooriyama Youko.

*****

“Đây là…”

“Cụm từ ‘đã một năm’ tức là chỉ ba mươi ba năm về trước, vậy ‘Sekitani-sempai’ chắc chắn là cậu của tớ. Vậy chuyện gì đã xảy ra với cậu ấy? Câu trả lời cuối cùng của cậu dành cho tớ … về một câu hỏi liên quan đến CLB Cổ Điển …”

Tôi mỉm cười, và tôi cũng không kịp nhận ra nhỏ đanh vui một tí nào khi lên tiếng :

“Vậy là tốt rồi đúng khô…”

Tôi đã không kịp nhận ra ánh mắt vô hồn của nhỏ.

“Nhưng tớ vẫn không thể, dù đã tiến sát đến mức này rồi! Chẳng… chẳng lẽ trí nhớ của tớ tệ hại đến thế ư? Câu trả lời ấy là gì? Chuyện ba mươi ba năm về trước rốt cuộc là chuyện gì?”

Nhỏ đang cố gắng ghê lắm để phát âm rõ ràng, nhưng từng chữ từng chữ cứ run lên rồi lạc đi không biết là bệnh cảm hay do nước mắt của nhỏ.

Chitanda…

Có lẽ không lên tiếng không được rồi,

“Chúng ta thử tìm hiểu xem!”

Có ba điều chúng tôi biết được từ cuốn “Kem Đá, tập hai” đó là : nó được xuất bản một năm sau khi chú Sekitani Jun ra đi, chú ấy ra đi vì một sự kiện nào đó, và cuối cùng cái nhan đề “Kem Đá” là do chú đặt.

Đây là một thời cơ tốt. Ba manh mối bất ngờ xuất hiện giữa lúc chúng tôi đang mò mẫm trong bóng tối. Một trực giác mạnh mẽ mách bảo rằng tôi phải tận dụng triệt để các manh mối quý giá này mới có cơ hội giúp Chitanda tìm lại kí ức.

Vì vậy tôi nói tiếp : “Chúng ta chỉ cần điều tra về sự việc xảy ra ba mươi ba năm về trước.”

“Nhưng mà …”

Chitanda thả lòng hai vai,

“Trong đây bảo là không ai nên nhớ về cậu ấy …”

“Nhưng cậu muốn nhớ, phải không?”

“Đúng vậy, nhưng nếu khám phá được nhiều hơn …”

Nhỏ hơi khựng lại, “…Nếu tụi mình khám phá được nhiều hơn, để rồi kết quả đạt được lại không như mong muốn… Có những thứ quên được thì tốt hơn, phải không?”

“…”

Đó là bởi vì cậu hiền lành quá thôi Chitanda à.

“Dù cho đó là chuyện của ba mươi ba năm trước?”

“Không phải sao?”

Tôi gật đầu,

“Trong đây cũng có nói mà. Khi một câu chuyện bị mất đi phần chủ ngữ cụ thể, nó sẽ được trao cơ hội để trôi theo dòng chảy vô tình của thời gian, để hy vọng được trở nên ‘kinh điển’…”

“Nói cách khác, ‘chủ ngữ cụ thể’ của chúng ta sắp quá đát rồi đấy.”

Nói xong tôi cười khì, Chitanda không cưởi theo nhưng ít ra nhỏ cũng gật đầu,

“…Cám ơn cậu.”

Và thế là …

Vâng, và thế là mọi chuyện xem như xong. Quá dễ! Nếu “tập hai” đã đề cập đến “một năm trôi qua” thì chẳng khác nào mời gọi ta đọc tập san năm trước – cuốn “Kem Đá, tập một”. Hành trình tìm hiểu về chú Sekitani Jun đã đến hồi kết thúc. Ha, kì này đúng là chả biết né tránh hay giải quyết cái nào dễ hơn nữa…

…Chí ít là cho tới khi Ibara làm hỏng bét cái dự tính ngây thơ ấy của tôi.

“Gì thế này? Thiếu đâu cuốn một rồi?”

Mất một thời gian tôi mới nuốt trôi cái sự thật oái oăm này.


CHƯƠNG 6 : THỜI VÀNG SON CỦA CLB CỔ ĐIỂN ĐẦY HÀO HOA[]

Tháng bảy đã trôi qua và đây là lúc những tiết học nhường chỗ cho kì nghỉ hè, dù vậy tôi vẫn đang đạp xe hướng về trường Kami. Với việc trù tính một khoảng thời gian hai mươi phút thì dù có cuốc bộ đến nơi vẫn đúng giờ, vậy nên tôi cho phép mình thong thả mà tận hưởng một ly cà phê trong khi đỗ xe cạnh cái máy bán nước tự động. Sau đó tôi tiếp tục lao dọc bờ sông, rẽ qua bệnh viện và dừng ngay trước cổng trường. Tại đó tôi đã thấy một cảnh tượng bất ngờ.

Chẳng phải nghỉ hè rồi sao?

Khắp sân trường là ngổn ngang những dàn khung, phông màn và đồ trang trí. Hầu như tất cả học sinh vẫn “đi học” đầy đủ với trang phục mùa hè đang cùng nhau dựng một cái sân khấu trông có vẻ sẽ khá là lớn. Cổ động cho họ bao gồm những tiếng sáo trúc, tiếng ghi-ta điện từ tuốt bên khu Chuyên Dụng mà ở tận ngoài đây còn nghe được rõ to. Cả trường đang tất bật chuẩn bị cho hội Kanya và thực sự phải học ở đây mới biết học sinh Cao trung Kami tràn trề năng lượng đến cỡ nào. Một đám học trò có nhiệm vụ quậy để hâm nóng không khí bắt đầu chạy vòng quanh sân trường và tên dẫn đầu đã kiếm đâu được cái loa…

“ANH CHỊ EM ƠI HỘI RỒI ANH CHỊ EM ƠI! KHÔNG CÓ HỌC HÀNH GÌ NỮA HẾT, CỐ GẮNG LÀM MỘT BỮA ĐÃ ĐỜI NHA ANH CHỊ EM ƠI!”

Ánh mắt của tôi bị cuốn theo cái đám dư thừa năng lượng ấy trước khi kịp để ý một thằng học sinh đang lóc chóc chạy ra cổng. Chính là Fukube Satoshi. Hôm nay hắn mặc áo thun tay ngắn và quần soóc, vai đeo một chiếc balô mini trông khá ra dáng vận động viên thể thao.

“Chào.”

“Mìiiiiiinh ơiiiiiiii! Em xin lỗi vì để mình chờ lâuuuuu…”

Cáí giọng luyến éo kinh dị của Satoshi đúng là sự sỉ nhục đối với một bản nhạc rất hay mà CLB Acapella đang biểu diễn. Tôi đã tính đạp xe thẳng về nhà để rửa tai nhưng nghĩ sao lại quay lại, tôi xuống xe mà đi về phía hắn với điệu bộ như sẵn sàng đạp hắn một cái.

“Ê ê, sao vũ phu quá vậy Houtarou?”

“Còn nói nữa à? Biết chữ ‘xấu hổ’ viết thế nào không?”

Satoshi nhún vai.

Quên mất, đúng là hắn không biết thật.

“CLB Thủ Công họp trễ nên kết thúc muộn hơn so với dự tính.”

“Họp về vấn đề gì thế?”

“Tình hình là tụi này tính đan một tấm phông lớn hình cây Mạn-đà-la[24], nhưng có vài rắc rối mới phát sinh nên hôm nay mới phải vào đây đó chứ.”

Nghe có vẻ gấp gáp nhỉ, nhưng không chỉ hắn hay là anh chàng Toogaito kia. Cả trường đúng là đang cưỡi trên một quả tên lửa.

“Vậy, đã chuẩn bị cái đó chưa?”

Satoshi vặn lại :

“Còn cậu thì sao? Dù gì thì cái đó cũng không phải việc cậu hay làm ở nhà há, có ý tưởng thú vị nào rồi chăng?”

Trả lời câu hỏi đó làm tôi hơi ngượng : “Ờ, đại loại vậy.”

“Ô! Nếu ‘đại loại’ nghĩa là ‘có’ thì hôm nay trời đổ mưa lớn đây. Cảm thấy kiếm cớ trốn khó hơn tìm lời giải hả?… Thôi tớ đi lấy xe, chờ tí nhé.”

Nói xong hắn nhảy chân sáo đến bãi giữ xe.

Để biết lí do vì sao tôi phải chờ Satoshi trước cổng trường cũng như phải dậy sớm vào ngày đầu tiên của kì nghỉ hè quý giá, chúng ta cần quay về thời điểm một tuần trước – ngày mà chúng tôi tưởng như đã tìm ra sự thật về chú Sekitani Jun. Sự thật đó nhiều khả năng đã được đề cập trong “Kem đá” – cuốn tập san đầu tiên của CLB Cổ Điển, nhưng oái oăm thay nó lại là cuốn duy nhất chúng tôi bị thiếu. Điều này dẫn đến một hiện trạng là tôi không có hướng để giải quyết vấn đề, và cũng càng không thể từ bỏ. Tiến thoái lưỡng nan, ôi đắc thắng cho cố vào!

Để Chitanda thất vọng ngay sau khi nhỏ vừa lấy lại tinh thần thì thật là tàn nhẫn, vì thế tôi đã thương lượng với nhỏ : điều tra chuyện này mà không có cuốn tập san là việc quá sức với hai người, hơn nữa người ta có câu “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đúng là có hơi khó xử cho nhỏ nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cho thêm Satoshi và Ibara vào cuộc…

…Và Chitanda đã đồng ý,

“Tớ đoán tụi mình chẳng còn sự lựa chọn nào nhỉ?”

Dù biết là không nên, nhưng chẳng biết sao tôi lại không tự ngăn mình suy nghĩ : liệu Chitanda đã thực sự nhận ra mình cần nhiều hơn một sự giúp đỡ hay nhỏ đã không còn coi chuyện tìm lại quá khứ quan trọng như trước, và phải chăng cuộc hẹn ở “Pineapple Sandwich” chỉ là một lúc cao hứng nhất thời của nhỏ?

Bởi vì ngay hôm sau nhỏ đã triệu tập tất cả thành viên của CLB Cổ Điển, thuật lại đầy đủ những gì đã kể cho tôi và kết thúc bằng một lời nhấn mạnh :

“Tớ rất hiếu kì về chuyện đã xảy ra cho cậu của tớ ba mươi ba năm trước.”

Ibara đồng ý ngay tắp lự,

“Ngay ban đầu tớ đã ấn tượng cái trang bìa rồi. Nếu vụ này được giải quyết biết đâu bên CLB Manga của tớ lại có được ý tưởng hay ho ấy chứ.”

Satoshi tiếp lời : “ ‘Giai thoại về người anh hung thầm lặng đã được lớp hậu bối ba mươi ba năm sau tìm ra’, một chủ đề đáng được nghiên cứu đó!”

Hai cánh tay giơ lên, thế là tốt. Đến lượt tôi lên tiếng :

“Và vì chúng ta đang tìm chủ đề để viết cho tập san năm nay, thế thì sao lại không lấy chuyện của Chitanda làm chủ đề… ý tớ là, nhất tiễn hạ song điêu… à không, ý là viết cái gì có ý nghĩa về câu chuyện đó ấy?”

Lời đề nghị cũng được chấp thuận nhanh chóng. Thế là từ đó việc điều tra sự kiện ba mươi ba năm trước trở thành ưu tiên số một của CLB Cổ Điển.

Xe đạp của Satoshi thuộc loại leo núi, hắn mặc quần soọc nên tôi thấy rõ hai bắp đùi chắc nịch trái ngược hẳn với nửa thân trên gầy nhom một cách ẻo lả. Mà dễ hiểu thôi, một tên nghiện tìm tòi thông tin như hắn thì đạp xe đi đây đó dường như là cơ hội tập thể dục duy nhất.

Mà cũng nói luôn, xe của tôi là một chiếc “mẹ bồng con”[25] và cũng như chủ của nó, chả có gì đặc biệt.

Chúng tôi rời đường cái mà chạy dọc theo bờ sông. Các dãy nhà mới đây còn san sát bắt đầu tách ra. Chúng cứ tách dần, thưa dần, để cuối cùng quang cảnh trước mắt chúng tôi chỉ còn là những ruộng lúa rộng thẳng cách cò bay. Dạt vào trốn nắng dưới bóng của mấy tán cây, tôi lấy ra một chiếc khăn tay để lau hết những giọt mồ hôi thi nhau chảy xuống mặt.

Aaa, mất sức quá!

“Cuộc cách mạng thông tin vẫn chưa giành được thắng lợi. Các bằng hữu, chúng ta phải cố lên!”[26]

“Satoshi, sắp đến chưa?”

Cũng dừng lại để lau mồ hôi, hắn cười đáp : “Ờ, nếu với tốc độ của cậu thì chúng ta sắp bò đến nơi rồi.”

Đáng ghét.

“Đi xa cũng có cái đáng của nó, rồi cậu sẽ há hốc mồm khi thấy dinh thự nhà Chitanda. Điền chủ lớn nhất vùng Kamiyama mà lị!”

Ừ, đáng trông chờ ghê. Đáng để biết họ tốn bao nhiêu tiếng đồng hồ để lau dọn cái dinh thự ấy mỗi ngày. Sau khi lau mặt một lần nữa tôi tiếp tục nhấn pê-đan mà đuổi theo Satoshi…

Hắn dẫn tôi qua một chục cái biển báo giao thông nữa trước đi đến một con đường thẳng tắp với hai bên chỉ còn là ruộng. Tôi cố đạp nhanh, và khi đã chạy song song với Satoshi tôi thấy hắn dang huýt sáo. Vui vẻ là bản tính của Satoshi nhưng hình như hắn đang hứng chí hơn thường ngày. Tôi bèn lên tiếng:

“Satoshi.”

“Hử?”

“Có gì mà vui thế?”

Hắn tươi tỉnh đáp : “Tất cả! đạp xe này, trời xanh này, mây trắng nữa… cơ mà cũng hổng trắng lắm, sắp mưa thì phải. Nhưng mà được lao vun vút trên một con đường vắng tanh rộng rãi và ngắm thiên nhiên chẳng phải là đỉnh của đỉnh sao?”

Tôi chen vào một câu đùa:

“Tớ tưởng ai đó đã đồng ý cái luận điểm làm học sinh là sướng nhất cơ mà?”

Nó có tác dụng khi mặt Satoshi xìu đi thấy rõ, hắn đáp : “Ờ… cái ‘cuộc sống hoa hồng’ đó hả…”

“…nhớ lâu quá ta, đã ba tháng rồi còn gì.” Satoshi đột nhiên giảm tốc độ trong khi hắn tiếp tục nói : “Cậu biết không, cơ bản thì tớ vẫn thấy đời học sinh của mình là màu hồng.”

“Hồng sẫm chứ gì?”

“Haha, cũng hay đó chứ. Vậy cậu là màu xám.”

“Từng nói rồi.”

Tôi có hơi cao giọng làm Satoshi phải vội bào chữa : “Có à? Nhưng mà đừng hiểu lầm, tớ không có ý xúc phạm hay coi thường gì đâu nhé!”

“…”

“Và nếu đúng như cậu nói, rằng cuộc đời tớ là màu hồng sẫm thì đừng hòng tớ cho phép ai sơn lại nó thành hồng tươi.”

Tôi bật cười,

“Thật sao? Mặc dù khách quan mà nói hình như nó bị đổi rồi.”

“Đừng mơ chứ!”

Satoshi thốt lên với vẻ hoảng hốt. “Không đâu Houtarou à. ‘Bao nhiêu cuộc họp với Hội học sinh, rồi việc bên CLB Thủ Công, rồi học nữa, bận bịu quá!’ Cậu nghĩ có ngày tớ sẽ ca cẩm vậy sao? Hài hước đấy. Dù có phải sắp xếp thời gian biểu cho hội Kanya hay bỏ hàng giờ để đan tấm phông đi chăng nữa thì mỗi phút, mỗi giây trong đó tớ đều tận hưởng hết thảy. Nếu không tìm thấy niềm vui thì ai lại bỏ những cơ hội đạp xe vi vu như vầy để tới trường vào mỗi Chủ nhật và trong suốt cái hè này chứ?”

“Vậy à.”

“Houtarou à. Có những lúc cá nhân phải cống hiến tài và sức của mình cho cộng đồng, biết vậy nhưng câu vẫn ‘một tấc không di một li không rời’ phải không? Và khi một ai đó tuyên bố rằng ‘mọi người có màu hồng’ thì cậu sẽ giơ tay mà nói ‘loại tôi ra’ không chút chần chừ phải không?”

Hắn nói một hơi thật dài, sau đó trở về với nét mặt tươi tỉnh hơi kém ban nãy,

“Nếu muốn xúc phạm, tớ sẽ gọi cậu là ‘không màu’.”

Satoshi không nói thêm gì nữa. Tôi bắt đầu suy nghĩ về lời cuối của hắn.

“Tớ sẽ không nói là muốn giống cậu hay đại loại thế, cậu biết đấy.”

“Giời! Đây chả mong được thế.”

Satoshi cười to, hắn cao giọng : “Nhìn kìa Houtarou, đến nhà Chitanda rồi đó!”

Đúng hơn mô tả, “dinh thự” nhà Chitanda nổi lên sừng sững giữa cánh đồng bát ngát mênh mông. Nó được xây theo kiểu một tầng tryền thống và có tường rào bao quanh. Tiếng nước chảy róc rách chứng tỏ sự hiện diện của một cái hồ trong vườn bị che khuất bởi những hàng thông ngay ngắn như một bộ xếp hình. Trước cái cổng vào lớn có vài người đang cầm môi vẩy nước.[27]

“Thấy thế nào? Tuyệt vời đúng không?”

Satoshi thốt lên đầy tự hào. Quả thật dù chẳng phải chuyên gia về làm vườn hay kiến trúc Nhật Bản tôi vẫn cảm nhận được sự vừa trang nghiêm vừa êm dịu toát ra từ căn nhà khổng lồ này. Trong lúc Satoshi còn chưa bày tỏ hết sự ngưỡng mộ của mình thì tôi nhìn vào đồng hồ. Vừa đúng giờ… nhưng còn đứng ngoài đây thì nghĩa là chúng tôi đã trễ.

“Đi thôi, đừng để hai nhỏ kia chờ.”

“Ờ, dĩ nhiên… nhưng mà… Houtarou này.”

“Gì nữa?”

“Lẽ ra phải có người hầu ra tiếp chúng ta chứ?”

Tôi làm như mình chẳng nghe thấy gì, bước tới trước cổng rồi nhấn chuông.

“… Tới ngay!”

Chốc lát sau cửa mở và đứng đằng sau không ai khác chính là Chitanda. Có lẽ bệnh cảm đã khỏi nên giọng của nhỏ đã về với cao độ bình thường. Nhỏ thả suông mái tóc dài qua vai và đang mặc một chiếc đầm màu xanh lục nhợt.

“Xin lỗi đã để cậu chờ lâu.”

Satoshi khẽ tặc lưỡi, vậy là không có người hầu nào cho hắn rồi.

Để giày lại trên bậc thềm trước gian nhà chính, chúng tôi được Chitanda dắt qua một hành lang bằng gỗ mát rượi…

“Hai cậu để xe ở đâu thế?”

“Tụi tớ được để xe ở đâu?”

“Ở đâu cũng được mà.”

Thế thì hỏi làm gì không biết!

Một làn gió mát lạnh ùa ra từ căn phòng khi cánh cửa nhẹ nhàng trượt sang bên. Phòng họp của chúng tôi có cái trần khá cao và diện tích… phải cỡ mười lăm mét vuông, quá rộng rãi và thoáng mát.

“Đến trễ!”

Ibara đã ngồi sẵn trong đó, nhìn thấy bộ đồng phục là biết ngay nhỏ đã phải ghé qua trường trước khi tới đây. Nhỏ đang chống tay lên một chiếc bàn lớn đặt ở giữa phòng. Trên mặt bàn hiện tại có vài khoảng trống nhỏ lộ ra màu nâu đậm của gỗ phản chiếu mờ nhạt ánh sáng phát ra từ mấy hộp đèn gắn trên tường. Phần lớn còn lại của mặt bàn thì bị phủ bởi màu trắng và đen của giấy và chữ. Chắc chắn mấy chục trang đó là thành tựu của Mayaka, vậy là nhỏ đã rất nghiêm túc chuẩn bị “cái đó”.

“Mời các cậu ngồi.”

Tôi ngồi đối diện Ibara, hai đứa chiếm hai cạnh bên của cái bàn trong khi Chitanda ngồi ở vị trí chủ toạ, cạnh còn lại do Satoshi tiếp quản. Tôi tự hỏi những ông bác bảo thủ sẽ lồng lộn lên thế nào khi có một thằng đeo balô thể thao dám can đảm ngồi ở vị trí đối diện chủ toạ như Satoshi[28]. Vừa ngồi xuống hắn liền mở túi và rút ra một xấp giấy cũng kha khá trang, nhiều hơn hẳn xấp của tôi cũng vừa lấy ra khỏi cặp. Ibara ra điệu bộ đã rất sẵn sàng bằng cách xoay bút liên hồi để kìm bớt cái sự háo hức đó, trong khi Chitanda đặt một chồng giấy lên bàn.

“Vậy…”

Chitanda khai màn:

“Hãy bắt đầu buổi thảo luận về kết quả điều tra của chúng ta nhé.”

Chúng tôi đều cúi đầu và mở lời chào nhau.

“Lí do của cuộc họp hôm nay được xác nhận là sự thỉnh cầu để tìm lại hồi ức của tớ. Khi tìm được những cuốn tập san tớ đã nhận ra một sợi dây liên kết giữa chuyện của cậu tớ với sự việc đã xảy ra ở CLB Cổ Điển ba mươi ba năm trước. Hơn nữa, tất cả những gì chúng ta tìm ra sẽ là tư liệu phục vụ cho tập san năm nay.”

Chẳng biết Ibara tự cảm thấy mối liên hệ này là đáng quan tâm, hay là vì Chitanda đã đích thân nhờ nên nhỏ mới hào hứng đến thế?

“Chúng ta đã có một tuần thu thập dữ liệu và bây giờ mỗi người sẽ trình bày hướng suy luận của mình, mà qua đó nêu lên một giả thuyết về sự việc ba mươi ba năm trước. Sau đó chúng ta sẽ nhận xét giải thuyết của từng người để sau cùng rút ra kết luận khả thi nhất.

Hở, có màn thảo luận sau khi trình bày à? Chẳng phải Chitanda chỉ bảo chúng tôi kiếm được manh mối nào hay cái đó rồi mang qua nhà nhỏ thôi sao? … Rồi, nhìn Satoshi và Ibara không ngạc nhiên là biết. Lơ mơ mất cái đoạn đó rồi! Đào đâu ra kết luận bây giờ?

Chitanda đảo mắt qua chúng tôi một lượt rồi nói tiếp : “Đây là trình tự cụ thể, lần lượt từng người sẽ đọc tư liệu của mình, sau đó ba người còn lại có thể đặt câu hỏi, cuối cùng người trình bày đưa ra giả thuyết để mọi người cùng nhận xét. Để đảm bảo trật tự thì việc đặt câu hỏi bắt buộc phải diễn ra sau khi người trình bày đã kết thúc phần báo cáo tư liệu của mình. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu với báo cáo thứ nhất.”

Nhỏ có khiếu điều hành đấy chứ.

“Xin mời người đầu tiên trình bày… ơ?”

“Chi-chan à, người đầu tiên là ai mới được?”

“Ưm, là ai đây ta?”

Vừa khen xong… Tôi bèn lên tiếng:

“Ai cũng vậy thôi. Sao cậu không bắt đầu luôn đi?”

Nhỏ gật đầu và liền lấy ra một xấp từ cái chồng giấy để bên cạnh,

“Ừm đồng ý. Vậy… bắt đầu từ tớ rồi theo chiều kim đồng hồ nhé.”

Nhìn sơ qua cũng biết Chitanda đã lấy cơ sở điều tra từ chính mảng thông tin đầu tiên chúng tôi có được. Nhỏ đi từ nguồn – lời tựa của “Kem đá, tập hai”.

*****

Lời tựa

Vậy là năm nay chúng ta lại tham dự hội văn hoá…

Thời gian thấm thoát, vậy là đã một năm kể từ lúc Sekitani-sempai rời xa CLB Cổ Điển và chúng ta.

Sempai đã giũ bỏ tấm áo anh hùng để trở thành huyền thoại, nhờ đó mà lễ hội văn hoá năm ngày sẽ được tổ chức như thường niên.

Tuy vậy, tôi vẫn thường trộm nghĩ : những con người đang bàn tán và ca tụng kia mười năm sau liệu còn nhớ đến người chiến binh thầm lặng và người anh hùng tử tế ấy chăng? Khi tất cả những gì anh để lại chỉ là một quyển tập san, với nhan đề “Kem Đá” do chính tay anh đặt?

Dù là người hy sinh trong cuộc tranh đấu ấy, sempai vẫn cười. Nụ cười của anh như đã theo dòng thời gian mà đến cõi vĩnh hằng, mà đến tận cùng của sự vô biên…

Không, có lẽ chúng ta không ai nên nhớ về anh. Vì câu chuyện của anh không phải là câu chuyện về một người anh hùng.

Khi một câu chuyện bị mất đi phần chủ ngữ cụ thể, nó sẽ được trao cơ hội để trôi theo dòng chảy vô tình của thời gian, để hy vọng được trở nên “kinh điển”.

Liệu ngày đó có tới, khi câu chuyện của chúng ta trở nên kinh điển với một ai đó?

13/10/1968

Kooriyara Youko.

*****

Tôi kịp đọc xong những dòng chữ đã từng nhìn thấy một lần cũng là lúc Chitanda bắt đầu giải thích : “Đây là lời tựa của ‘Kem đá, tập hai’. Thông thường lời tựa chỉ giành cho việc giới thiệu chủ đề của các bài viết trong tập san nhưng ở đây chỉ toàn nhắc đến sự việc ba mươi ba năm trước. Có khả năng rất lớn sự việc này còn được nêu trong tập san năm trước đó nhưng nó đã bị thất lạc… dù sao thì tớ đã tóm tắt những chi tiết chính vào đây.”

Nhỏ lật ra trang sau.


  1. “Sempai” đã ra đi. (từ đâu?)
  2. Ba mươi ba năm trước “Sempai” được tôn vinh như “anh hùng”, một năm sau thì trở thành “huyền thoại”.
  3. “Sempai” là người “chiến binh thầm lặng” và “anh hùng tử tế”.
  4. “Sempai” đã đặt tên “Kem đá” cho tập san của mình.
  5. Một sự việc xảy ra và đã có sự hy sinh. (“Sempai” = hy sinh?)


“Ồ!”

Rất ngắn gọn và súc tích, quả là tư chất của một học sinh giỏi… và muốn hiểu toàn bộ cấu trúc.

Sau khi chắc chắn mọi người đã đọc xong, Chitanda tiếp tục:

“Điểm đầu tiên là người ‘Sempai’ này, nói cách khác là cậu tớ, đã rời trường Kamiyama trước khi tốt nghiệp. Trong lý lịch cũng có ghi cậu chỉ mới hoàn thành bậc sơ trung… Các bạn cố gắng theo kịp nhé.”

Đây là lần đầu tiên tôi nghe Chitanda nhắc đến việc chú Sekitani Jun từng học ở Kamiyama, thực tình cũng không khó đoán vì ngay lời tựa cũng đã nói “Sekitani-sempai đã rời xa chúng ta”. Cái chính ở đây, là có lẽ nhỏ không biết vì sao chú ấy lại rời trường nên đã không mang chuyện đó ra kể ở quán cà phê. Nhắc mới nhớ, nhỏ cũng từng đề cập đến việc quan hệ giữa nhà Chitanda và nhà Sekitani không được tốt lắm.

“Điểm thứ hai là sự nhấn mạnh về thời gian, ngoài ra kết hợp với điểm thứ ba nó đã nêu bật kình tượng của người ‘sempai’ này : người anh hùng, người chiến binh ‘thầm lặng’ và ‘tử tế’. Sempai đã chiến đấu với cái gì? Điểm thứ năm chỉ nêu lại chứ không trả lời câu hỏi đó, mặc dù có nhắc đến sự ‘hy sinh’ là kết quả cho cuộc tranh đấu. Còn điểm thứ tư… đó là cái tớ rất hiếu kì và là vấn đề duy nhất tớ chưa có đầu mối. Báo cáo của tớ đã hết, các bạn có câu hỏi gì không?”

Với kiểu trình bày rõ ràng như vậy tôi không có nhiều thắc mắc cho lắm. Cứ tưởng Satoshi đã mở đầu màn vấn đáp thì Ibara đã hỏi ngay lập tức : “Ưm, tại sao cái đoạn ‘vì câu chuyện của anh không phải là câu chuyện về một người anh hùng’ lại không được xét đến?”

Hình như Satoshi có câu trả lời nhưng hắn chỉ nhìn tôi, hắn là một tên thích khoe mẽ nhưng đủ lịch sự để không chen vào lời đáp của Chitanda.

“Tớ nghĩ đó là câu văn thiên về cảm nhận cá nhân, bởi mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau về chuyện của người sempai đó.”

“Với lại…”

Vừa đợt Chitanda dứt lời Satoshi đã chen vào ngay,

“Có khả năng là nó không có tính bi tráng của những thiên anh hùng ca khác vì người anh hùng của chúng ta… biết đâu không được quang minh chính đại cho lắm, nên cũng có thể đó không chỉ là cảm nhận cá nhân mà là phép nói giảm nhẹ nhàng.”

Ibara có vẻ đã bị thuyết phục, không còn câu hỏi nào được đưa ra.

“Vậy tớ sẽ đưa ra giả thuyết của mình…”

Chitanda không tỏ ra hồi hộp hay tự tin khi nhỏ trình bày phần cuối:

“Có lẽ cậu của tớ đã vướng phải một rắc rối gì đó mà phải rời khỏi trường. Tớ không chắc lắm nhưng tớ nghĩ nguyên nhân nằm trong một điểm tớ chưa liệt kê ra đây, nó nằm ở phần mở đầu của lời tựa : vậy là đã một năm.”

“… Nói cách khác, có thể cậu của tớ rời khỏi trường đúng vào dịp hội Kanya của năm trước đó, và tớ cũng có thông tin về sự kiện xảy ra ở một số lễ hội truyền thống ba mươi ba năm trước.”

Satoshi vui vẻ nói : “Cuộc bạo động, người ta gọi thế phải không? Các gian hàng bị đe doạ và hàng hoá bị cướp giữa thanh thiên bạch nhật.”

Chitanda gật đầu,

“Có một danh ngôn nói rằng trong mỗi thể chế hay cộng đồng luôn tồn tại những cá nhân chống đối lại thể chế hay cộng đồng đó, hội Kanya hay các sự kiện thường niên khác chắc cũng không ngoại lệ. Hơn nữa các bạn hãy lật sang trang hai mươi bốn quyển Sổ tay học sinh Cao trung Kami.”

Không ai có nó ở đây để mà lấy ra cả, sao tự nhiên lại đề cập đến quyển sổ tay toàn nội quy chán ngắt ấy?

“…Có gì không ổn à?”

“Tình hình là để ở nhà hết rồi, vậy trong cái trang hai mươi bốn đó viết cái gì?”

“Tớ tưởng học sinh nào cũng phải mang bên mình chứ? Mà thôi, ưm, nó viết thế này : ‘Thái độ hay hành vi bạo lực bị tuyệt đối nghiêm cấm trong trường’, vậy đây là giả thuyết của tớ.”

Nhỏ lấy hơi để nói tiếp : “Để giải quyết cuộc bạo động ở hội Kanya cậu của tớ đã sử dụng biện pháp bạo lực và chiến thắng. Có thể cậu được xem như anh hùng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sự hy sinh đầu đau thương đó đã khiến học sinh lớp dưới duy tôn cậu ấy thành huyền thoại.”

Hừm…

Tôi và Satoshi đồng thanh:

“Xin bác bỏ.”

“Thứ lỗi nhé Chitanda.”

Ibara quay sang, không phải hướng Chitanda mà để nhìn hai đứa tôi với ánh mắt đầy khó hiểu.

“Tớ bị sai ở đâu à? Các cậu có thể nói lí lo bác bỏ được không?”

Chitanda nhìn tôi rất nghiêm túc, tôi chỉ nhún vai mà trả lời : “Cậu đã khẳng định rằng một cộng đồng hay thể chế luôn có những kẻ chống đối, và điển hình là các lễ hội văn hoá đã bị nhắm đến ba mươi ba năm về trước. Nhưng Satoshi có nhắc đến chi tiết các gian hàng bị đe doạ và hàng hoá bị cướp, vậy cậu còn nhớ tớ đã nói gì lúc đề xuất làm tập san mới được đưa ra không?”

Đôi mắt của Chitanda xoay một vòng chậm rãi,

“Cậu bảo nó tốn công quá.”

“Không phải cái đó, cái khác cơ.”

“Cái khác à? Ưm… cậu nói chỉ có ba người là quá ít, bây giờ tụi mình có bốn người rồi này.”

Tôi có nên vỗ tay vì trí nhớ siêu hạng của nhỏ không đây?

“Còn gì nữa?”

“Cậu có đề xuất rằng, để thu lợi nhuận nhanh thì nên…”

Nhỏ sắp nhớ trúng điểm rồi.

“… dựng một sạp bán đồ uống hay cái gì đại loại thế, rồi tớ đã nói…”

“Cậu nói rằng quy định trường không cho dựng sạp bán hàng, thế thì chẳng có ‘hàng’ gì để mà bị cướp trong hội Kanya cả.”

Không tỏ ra đồng tình, nhỏ nghiêng đầu đáp : “Vẫn có khả năng đấy chứ.”

“Là gì?”

“Có thể thứ bị cướp ở đây mang giá trị tinh thần chứ không phải tiền bạc như các nơi khác thì sao?”

Ơ.

…Cũng có lí, thế thì tôi hết đường chống đối rồi.

Satoshi cười to,

“Thảm quá Houtarou à, chỉ có vậy thì không đủ thuyết phục Chitanda-san đâu.”

“Thế cậu có gì nào?”

“Một sự thật chắc chắn không bị vặn lại.”

Satoshi bắt đầu trình bày : “ ‘Mỗi cộng đồng hay thể chế đều có người chống đối’, Chitanda-san chọn rất đúng hoàn cảnh để đưa câu này ra đấy. Nhưng có điều, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử mà ‘chống đối’ được thể hiện dưới những hình thức khác nhau.”

“Và như Chitanda-san đã chỉ ra, không phải toàn bộ các cuộc bạo động đều liên quan đến việc cướp bóc những thứ mang giá trị hiện kim. Cần nhớ xem ba mươi ba năm về trước còn có sự kiện nào khác mà động cơ phi-vật-chất của nó có thể khơi nguồn cho một cuộc bạo động hay không?”

Hoàn cảnh lịch sử? Hình thức của ‘chống đối’?

Hắn muốn nói tới cái gì thế nhỉ? Ibara và Chitanda có vẻ cũng đang tự hỏi điều đó.

“Là cái gì vậy?”

Ibara lên tiếng hối thúc Satoshi trả lời. Hắn bèn gật đầu và nói một cách đầy khoái chí:

“Đúng là một mốc cụ thể như ‘ba mươi ba năm trước’ thì khó làm ai nhớ được gì nhỉ? Nhưng nếu tớ dùng một khoảng chung chung, ví dụ như thập niên sáu mươi thì sao?”

Thông thường tôi sẽ không bỏ phí thời gian và năng lượng để tranh luận kiến thức với Satoshi, nhưng cũng thật là khó chịu khi thấy hắn huênh hoang ta-đây-biết-tất như lúc này. Không may một cách đầy may mắn, tôi chả biết hồi đó có chuyện gì.

“Sao nào? Mayaka nghĩ ra được chưa?”

Nhỏ giơ hai bàn tay lên ngang mặt, tư thế của kẻ đầu hàng,

“Xin lỗi Fuku-chan, tớ không có ý tưởng nào cả.”

“Vậy à? Thế toà nhà Quốc Hội ở Tokyo này… thêm gợi ý nữa nhé : những bức bích chương, tranh cổ động, nhưng cuộc biểu tình… sao nào?”

“…”

“…”

“Tớ muốn nói đến Phong trào học sinh[29].”

“Hở?”

Ba người chúng tôi thốt lên ngạc nhiên.

“Nè Satoshi, đừng bắt tụi này nghe giảng một tiết Lịch sử Nhật Bản hiện đại chứ. Còn nếu muốn chơi đố vui thì để sau khi giải quyết xong vụ này có được không?”

Nhưng Satoshi không hể tỏ ra chút gì là bông đùa. Hắn tiếp tục : “Houtarou à, tớ đang giải quyết vụ này đây. Nghe này, đúng theo giả thuyết của Chitanda-san thì những vụ phá hoại nhằm vào lễ hội xảy ra khá thường xuyên vào thập niên sáu mươi. Đây là thời điểm mà xung đột giữa chính Đảng và các tổ chức phản động được đẩy lên rất cao, vì thế một số học sinh đã dùng điều đó để làm cớ học đòi khởi xướng bạo động. Không đơn thuần chỉ là cướp đâu.”

“Nói như thể cậu từng sống vào thời đó ấy.”

“Không chỉ trong tuần trước đâu nha, cả một quỹ thời gian đáng kể đã được dùng để ngâm cứu thì cũng phải xơ muối được chút gì chớ?”, Satoshi nhe răng cười.

Hừm, thậm chí chẳng cần đến bài giảng của Satoshi ít nhiều tôi cũng đã nhận ra vì vài chục năm trước là một thời kỳ hỗn loạn, nhưng tôi không biết (thực ra là không quan tâm) cách nào để chứng minh. Vậy là giả thuyết của Chitanda chính thức bị lung lay.

“Ưm, tớ hiểu rồi… tớ đã chưa xét đến khả năng còn có sự việc khác xảy ra vào cùng thời điểm đó.”

Ibara đột ngột lên tiếng, giọng nhỏ ngập ngừng : “Chi-chan này…”

“Có chuyện gì vậy?”

“Tớ nghĩ rằng những phát hiện của tớ sẽ phủ định hoàn toàn giả thuyết của cậu. Dù sao cũng đến lượt tớ rồi… tớ bắt đầu nhé?”

Bực mình đấy, hết một tên không biết xấu hổ và giờ lại có một con nhỏ chẳng biết lịch sự là gì à?

“Ồ không sao đâu, dù gì giả thuyết của tớ đã được chỉ ra điểm không phù hợp rồi mà”, Chitanda vẫn cười tươi, nhỏ thật đáng khâm phục.

“Vậy tớ sẽ rút lại giả thuyết của mình để đến phần trình bày của Ibara-san. Các bạn đồng ý chứ?”

Không có ai phản đối. Thiết nghĩ tôi cũng thật là hay khi bảo Chitanda mở màn bởi Ibara sẽ là người báo cáo tiếp theo. Và để phủ định lại – với cái tính cẩn trọng có thừa – nhỏ sẽ trình bày một cách dễ hiểu nhất có thể.

“Được rồi Ibara-san, xin mời bắt đầu.”

Những bản copy Ibara phát cho chúng tôi, nói thế nào đây nhỉ, đã đáp lại mọng đợi của tôi bằng một lối trình bày khó chịu nhất có thể. Phông chữ thì loè loẹt, trong khi những nét cong cần có ở từng ký tự thì bị vứt sạch…

Đại loại trên tờ giấy khổ B5 nó ghi thế này:


“…Nói cách khác, Hội Anh Em chúng ta đã giành được được tự do và sự nghiệp chống đối sẽ lại tiếp tục, dù có phải tiếp tục chịu áp bức bằng vũ lực.

Nhờ sự giúp đỡ của hội trưởng CLB Cổ Điển – anh hùng Sekitani Jun trong cuộc Xung Đột Lớn hồi tháng sáu cùng lòng kiên định của chúng ta, hình ảnh Bọn Cầm Quyền trông như một lũ đần khi những tính toán của chúng bị phản pháo lại sẽ mãi khắc sâu trong tâm thức của Hội Anh Em. Một kỉ niệm huy hoàng…”


“Đây là đoạn trích từ một tập san cũ của CLB Nghiên Cứu Manga, nhan đề là ‘Thống nhất và Tán dương, tập một” và tổng cộng có hai tập. Giống như quyển của Chi-chan, nó được xuất bản ba mươi hai năm trước. Tớ đã nghĩ là nếu như ‘Kem đá’ đã nhắc đến sự kiện này thì có lẽ trong thư viện vẫn còn cái để tìm kiếm. Y như dự đoán chẳng có mấy CLB còn tồn tại sau ba mươi bốn mươi năm và CLB Manga không thể nào được thành lập từ xưa như thế, ấy vậy mà lại tìm được cái này. Kì diệu quá phải không?”

Tôi không biết nhỏ dùng từ “kì diệu” để nói về việc phát hiện cuốn tập san hay chính nó là kì diệu. Thống nhất và Tán dương… ngày xưa người ta hay dùng cái kiểu đặt tựa kì dị như thế à? Cả cách trình bày theo văn xuôi nữa, nó phù hợp với CLB Cổ Điển hơn là một CLB về Manga…

Mặt khác, đã quá rõ lí do giả thuyết của Chitanda bị bác bỏ. Đơn giản là vì lễ hội truyền thống trường Kamiyama tổ chức vào tháng mười hàng năm nhưng đoạn văn này đã khẳng định sự việc xảy ra vào tháng sáu.

Ibara lấy ra từ túi áo một cuốn sổ ghi chép và tiếp tục : “Xin lỗi vì tớ không trình bày những tóm tắt ra như Chi-chan nên tớ sẽ chỉ đọc vậy. Đầu tiên, ‘Hội Anh Em’ đã bị cáo buộc là một nhóm phản động. Có một cuộc ‘Xung Bột’ diễn ra vào tháng sáu năm trước. Với sự giúp đỡ của Sekitani Jun vấn đề đã được giải quyết và nó gây ra bất lợi cho phe ‘Cầm Quyền’. Đoạn còn lại có vẻ thú vị nhưng tớ không thấy gì liên quan đến sự kiện này hết.”

Tôi không phản đối gì cái kiểu trình bày này, nhưng mà “xung bột” là cái quái gì? Chitanda lên tiếng : “Phần báo cáo vậy là hết phải không?”

“Ừm.”

“Vậy thì, ai có câu hỏi nào không?”

Tôi hỏi ngay : “Cảm phiền giải thích từ ‘xung bột’.”

Satoshi lại hỏi tôi : “Xung bột là gì cơ?”

Ơ, thế ra hắn không biết à? Ngay sau đó hắn chỉ vào bản copy của tôi mà nói :

“Ý cậu ấy là từ này nè, ‘xung đột’.”

Vậy là hắn biết. Không nhìn vào giấy nữa hắn tiếp tục nói : “Đọc là su-to-RAI-fu, thường dùng để chỉ các mâu thuẫn có dính đến vũ trang.”

Satoshi nhìn tôi và nói như thể hắn đang chỉ trích thậm tệ vấn đề về phát âm, nhưng tôi nhận ra hắn chỉ dùng tôi làm bia để nhẹ nhàng chỉnh lại Ibara. Dù có chỗ tài chỗ dở nhưng hắn luôn rất biết giữ ý. Tôi không có ý định giúp hắn, nhưng rốt cuộc vẫn làm bộ chống chế : “Mười lăm năm học từ vựng tớ chưa từng nghe qua từ này.”

“Dễ hiểu thôi, hiện nay thường người ta chỉ sử dụng ‘mâu thuẫn’ hay ‘tranh chấp’, nhưng ‘xung đột’ lại rất thông dụng vào thời đó. Bây giờ chắc chỉ có Yakuza[30] sử dụng mà thôi.”

Ra vậy, đúng như hắn đã đề cập… những từ như “đi quây” dùng để thể hiện ý nghĩa “đập thằng nào đó”[31], nghe thì có vẻ cổ và nhẹ nhàng nhưng hoá ra chẳng hề như thế.

Satoshi nuốt nước miếng và thêm vào một câu nữa : “…Nhưng cái bài viết này, tớ cảm thấy nó không thật.”

Ibara liền giận giữ phản pháo : “Ý cậu ‘không thật’ là sao?”

Satoshi khẽ lộ ra một tiếng than van. Hắn luôn tự tin với những lời đùa cợt của mình và đây là lần hiếm hoi trông hắn tỏ ra xoắn quẩy như thế khi chỉ biết lí nhí : “Không, tớ không bảo cái đó là giả.”

“Chắn chắn là không rồi. Ưm, biết nói sao đây? Đại loại là vầy, người viết bài này không hề tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan tới sự kiện đó. Giống kiểu một người vừa xem xong một trận đấu và nổi hứng viết bài cảm nhận ấy, thế nên mới dùng lời lẽ như vậy. Nhưng thật sự nó không phải đồ giả đâu, nó…”

Tôi chen vào : “Thế rốt cuộc cậu thấy không thật chỗ nào?”

“A không có gì, chỉ là tưởng tượng ấy mà! Xin lỗi nhé Chitanda-san, chúng ta tiếp tục được chứ?”

Người chủ trì buổi họp gật đầu và chúng tôi cũng đồng ý.

“Vậy thì, mọi người còn câu hỏi nào không?”

Có vẻ là không rồi. Khi Ibara chuẩn bị trình bày giả thuyết của mình, nhỏ trông có vẻ lo lắng khi nhanh chóng đọc lướt qua cuốn sổ một lần nữa.

“Ưm, được rồi, đây là giả thuyết của tớ. Tớ đã bảo nó phủ định hoàn toàn giả thuyết của Chi-chan và mọi người nghe xong sẽ rõ.”

Chúng tôi không ai nói câu nào. Dễ thấy quá mà, tháng sáu và tháng mười cách nhau quá xa.

“Người viết đã chỉ rõ cuộc chống đối đã làm cho tính toán của ‘Bọn Cầm Quyền’ bị phản pháo và kết quả là hội trưởng CLB Cổ Điển rời khỏi trường theo như trong ‘Kem đá’. Vậy, lí do gì dẫn đến việc anh ta phải rời trường? …Giả thuyết của tớ giống với Chi-chan ở chỗ này, là bạo lực. Nạn nhân ở đây… lại chính là ‘Bọn Cầm Quyền’. Có thể là do bị họ cáo buộc dính líu đến phản động như Fuku-chan đã đề cập chẳng hạn. Kết quả sau đó thì thật là dễ đoán : hội trưởng CLB Cổ Điển đã lãnh đạo các thành viên của Hội Anh Em đến đối chất với giáo viên, và rồi…”

Nhỏ nắm tay lại và tung ra một quả đấm.

Bụp! Cho họ một trận. Cũng có thể là phục kích đánh ngầm hay kiểu gì tương tự. Dĩ nhiên không có vẻ là họ muốn làm thế, nhưng ở đoạn đầu đã nhấn mạnh đến sự ‘tự do’ và tớ xem nó là mấu chốt. Ba mươi ba năm trước đã xảy ra một sự việc nào đó đe doạ đến sự tự do của họ, và để tự vệ hội trưởng CLB Cổ Điển không còn cách nào khác ngoài việc dùng vũ lực.”

Ibara kết thúc phần trình bày bằng việc đóng cuốn sổ lại và nhìn chúng tôi.

“Hmm… Thật sự nghe rất là khó chịu.”

Người chủ trì, không cần lấy một giây tiêu hoá những gì nhỏ vừa nghe đã nói thẳng thừng. Tôi gật đầu đồng tình.

“Khó chịu sao? Ở chỗ nào vậy?”

Chitanda trả lời : “Ibara-san, luận điểm chính của cậu nằm ở việc giáo viên thời đó đã đe doạ đến lối sống của học sinh, dẫn đến việc họ phải dùng bạo lực để đáp lại phải không?”

Ibara suy nghĩ một lúc trước khi đáp : “Ừm, đúng thế.”

“Tuy nhiên, có thể nói là, một vài đoạn tớ hiểu… còn lại thì chẳng hiểu gì cả.”

Nói chung là không hoàn toàn không thể hiểu. Ý của nhỏ đại thể là lập luận của Ibara không được thuyêt phục cho lắm. Tôi bèn thêm vào : “Giả thuyết của cậu quá trừu tượng. Hơn nữa, cái tai hại ở đây là cậu hoàn toàn chỉ dựa vào bài viết đó.”

“Đúng là vậy thật, nhưng mà…”

Dù đã thừa nhận nhưng nhỏ vẫn chưa muốn rút lui.

“Khoan đã, ý cậu là chính trong lập luận của tôi có mâu thuẫn sao?”

Nhỏ cứng đầu hơn Chitanda rất nhiều. Nhưng không may, tôi đã chú ý đến cái mâu thuẫn đó.

“Ừm.”

Tôi ngồi thẳng lên và đáp. Đương nhiên không phải là để chuẩn bị cho một cuộc khẩu chiến, chỉ là cuồng hai bàn chân mà thôi.

“Đơn giản là, chính cậu đã bác bỏ giả thuyết của Chitanda là thay vì vào lễ hội truyền thống tháng mười, sự việc đó đã xảy ra vào tháng sáu. Tuy nhiên nếu chúng ta tin vào cả ‘Kem đá’ lẫn ‘Thống nhất và Tán dương’ thì sự việc xảy ra vào tháng sáu, còn việc rời trường diễn ra vào tháng mười. Giả thuyết của Chitanda không hề đề cập đến điều đó, và cậu không thấy lạ sao khi một người có liên đới trực tiếp đến ẩu đả lại phải chờ đến bốn tháng mới bị đuổi khỏi trường?”

Nếu sự việc diễn ra vào thời này thì việc đuổi học có thể được khẩn cầu xin “treo” để suy xét, nhưng thời đó lại là chuyện khác. Tôi thêm điều đó vào suy nghĩ của mình.

“Nhưng, có thể là…” Ibara đáp trả, mặc dù trông có vẻ nhỏ đã hiểu.

“Có thể là ‘Kem đá’ đã không chính xác. ‘Thống nhất và Tán dương’ đã đề cập rõ ràng là tháng sáu, trong khi ‘Kem đá’ chỉ đơn thuần bảo là ‘đã một năm trôi qua’. Sự kiện xảy ra vào tháng sáu và tiếp nối bởi việc đuổi học cũng xảy ra ngay sau đó, trong khi lễ hội thì vẫn cứ là tháng mười. Đâu có quá bất hợp lí phải không?”

Một khoảng cách những bốn tháng, nó làm cho mọi lời nói của Ibara lúc này chẳng hơn gì những lời chống chế. Trong khi tôi còn tần ngần thì Chitanda và Satoshi đã lần lượt đưa ra nhận xét về giả thuyết của nhỏ:

“Tớ tin rằng chúng ta không thể bỏ qua một khoảng thời gian dài như là bốn tháng.”

“Tớ cũng vậy. Trong lời mở đầu cụm từ ‘lễ hội văn hoá’ đã được đề cập trước khi đến câu ‘một năm trôi qua’, vì thế tớ nghĩ rằng việc rời trường thực sự diễn ra vào tháng mười.”

Tôi không nói gì cả mà chỉ gật đầu, hai người kia cũng đồng tình. Vậy là ba phiếu chống. Ibara đưa ra một cái nhìn nũng nịu,

“Ôi, kén cá chọn canh quá đi.”

Dù cái phản ứng dễ thương kia không hợp với nhỏ lắm nhưng nó đã giúp làm dịu lại cái không khí căng thẳng nãy giờ đi một chút. Satoshi cũng muốn dàn xếp mọi chuyện bằng việc chốt lại : “Dù sao tớ cũng nghĩ là cách cậu tiếp cận vấn đề tốt đấy chứ.”

Chitanda cũng dỡ bỏ cái vẻ nghiêm túc nãy giờ mà cười tươi,

“Đúng vậy, thảo luận không cần thiết phải quyết liệt đâu.”

Tôi cũng nghĩ thế. Giống như phải nhìn bản đồ ở một nơi đầy mịt mù sương hay nỗi bực tức khi chuyện không theo ý mình vậy, nếu như Ibara xem xét cả ‘Kem đá’ lẫn ‘Thống nhất và Tán dương’ thì giả thuyết của nhỏ có lẽ đã không vướng phải một lỗ hổng như thế. Vậy bây giờ chỉ còn dữ liệu của Satoshi và tôi quyết định tất cả, và việc tôi phải làm là nghĩ ra cách giải quyết cho tất cả những mâu thuẫn nào có thể bị vạch ra.

Nhắc mới nhớ, rốt cuộc mớ dữ liệu của tôi là về cái gì nhỉ? Vì chỉ nghĩ tới việc mang đến để tập hợp tài liệu nên tôi chưa từng nghiêm túc đọc nó cả.

“Vậy, lượt của tớ đến đây là kết thúc nhỉ?”

Chitanda gật đầu, theo chiều kim đồng hồ thì tiếp theo là Satoshi. Ngay sau khi Chitanda đề nghị hắn bắt đầu sắp tài liệu ra bàn. Đột ngột dừng lại, hắn thốt lên đầy vui sướng:

“À vâng, suýt nữa thì quên nói. Vài dữ liệu của tớ bác bỏ giả thuyết của Ibara đó!”

Lần này chúng tôi nhận được những bản copy của “Nguyệt san Cao trung Kami”. Nó làm tôi nhớ lại việc anh Toogaito đã từng nói họ sắp tiến đến kỳ thứ bốn trăm. Nếu trung bình một trăm xuất bản mười kì thì CLB Báo Tường cũng đã trạc tứ tuần, thế mà tôi đã không để ý đến sự hiện diện tất yếu của họ trong sự việc ba mươi ba năm trước. Một trong những tiêu đề đã được khoanh tròn…

Phần liên quan đến cuộc thảo luận của chúng tôi chỉ gói gọn trong một góc nhỏ, nhưng thế là quá đủ để phản bác giả thuyết của Ibara. Chả trách hắn ta tự tin như vậy, có lẽ hắn thực tế vẫn muốn duy trì sự cạnh tranh giữa các người trình bày. Liếc nhanh qua Ibara, tôi thấy nhỏ đang có một vẻ mặt khó hiểu chẳng biết là đang vui hay đang buồn. Không có gì lạ, khi mà Satoshi đã mở đầu màn diễn thuyết của mình bằng việc phê bình giả thuyết của nhỏ chứ không phải Chitanda. Cơ mà Satoshi có lẽ chỉ nhại theo nhỏ cái kiểu mà giả thuyết sau phủ định giả thuyết đầu, một trò đùa tiêu biểu của hắn mà thôi.


▼Sau vụ bê bối ở khu Chuyên Dụng tuần trước – thứ đã để lại vết nhơ trong lòng tự tôn của tất cả các thành viên của tất cả các CLB Nghệ Thuật ở Cao trung Kamiyama – hai người đã bị đuổi và năm người khác bị cảnh cáo lần chót.▼Dĩ nhiên, vẫn tồn tại danh dự trong thế giới của những kẻ trộm. CLB Nghiên Cứu Phim Ảnh lên tiếng rằng họ không đời nào chịu ngồi yên mà chấp nhận sự trừng phạt hà khắc này, và CLB Nhiếp Ảnh khẳng định sẽ một trăm phần trăm đồng tình (bài báo này không đi sâu hơn vào việc xác nhận điều đó). ▼Vấn đề lớn ở đây là việc giải quyết bằng nắm đấm. Coi thường tất cả nỗ lực nhằm giải quyết thông qua đối thoại, những người quá khích đã chọn phương án giản đơn nhưng thảm hại đó là dùng bạo lực. ▼Chúng tôi đã yêu cầu những thành viên năm Ba của CLB Nghiên Cứu Phim Ảnh nhận trách nhiệm về hành động đánh đập dã man Sachimura Yukiko-san (CLB Điện Ảnh Mới, lớp 1-D), người đã hoạt động tích cực trong việc dàn xếp những cuộc đối thoại. Khi chúng tôi xuất bản bài báo này Yukiko-san vẫn đang nằm trong bệnh viện. ▼Cuộc nổi dậy huyền thoại hai năm trước lẽ ra không nên đi đến tình trạng như thế này. Dù tất cả mọi người đều tức giận những quy định được đặt ra gần đây, chúng ta đều không được phép để nó làm tổn hại đến tình đoàn kết quý báu ấy, chúng ta phải kiên trì với sự bất phục tùng trong cộng đồng của chính chúng ta. ▼Chỉ như vậy chúng ta mới có thể sống mà biết mình đang sống vì truyền thống và danh dự.


Satoshi bắt đầu giải thích với bộ mặt bình thản:

“Tất cả phát hiện của tớ là kì báo ‘Nguyệt san Cao trung Kami’ này. Vô tình vấp phải đống báo cũ đang ngủ đông cho kho lưu trữ của thư viện cả chục năm trời nên tớ quyết định đọc để giết thời gian sau giờ học. Tuy nhiên như đã thấy nó không hề trực tiếp đề cập đến sự việc ba mươi ba năm trước, nói trắng ra thì tất cả những gì nó đề cập đến là nằm trong đây. Nói thật chứ, trình bày cái này ra chẳng khác gì tớ đang dắt cả nhóm đi một vòng tròn cả. Manh mối gì mà bảo quản dở tệ, đọc được không tới một nửa. Đó là còn chưa nói đến đủ thể loại ghi chú bằng bút lông loè loẹt… đành chịu vậy. Mà thôi, đây là những điểm chính:”


◯ Sự việc đó đã không phải giải quyết bằng bạo lực

◯ Sự việc đó đã tác động đến toàn trường

◯ Sau khi sự việc đó xảy ra, “chúng ta” đã đoàn kết

◯ Sau khi sự việc đó xảy ra, tồn tại sự bất phục tùng trong cộng đồng học sinh


“Điểm đầu và cuối trông có vẻ đối lập nhưng thực ra đều liên quan đến cùng một thứ. Sự việc đã không giải quyết bằng ẩu đã, đó là điểm sai trong giả thuyết của Ibara. Hai điểm còn lại gần như là một. Tuy không dám chắc “chúng ta” ở đây có phải là toàn tường hay không nhưng tớ tự cho mình quyền xem điều đó là không quan trọng.”

Thật không?

Tôi không thể thoả mãn với lời giải thích như thế. Nhận ra điều này Satoshi nhanh chóng thêm vào : “Nghĩ như vầy đi : nếu ‘chúng ta’ là cả trường thì dĩ nhiên bao hàm toàn bộ học sinh; còn nếu không, thì nó vẫn mang nghĩa là ‘chúng ta’ đã quyết định che chắn cho toàn bộ những người liên quan đến. Đúng không nào.”

Ra là thế.

“Phần trình bày đến đây là kết thúc. Có câu hỏi gì không?”

Không có âm thanh nào, Chitanda hỏi lại một lần nữa : “Có ai có câu hỏi nào không?”

À đúng rồi, vừa nghĩ ra điều này tôi đã giơ tay lên,

“Satoshi, liệu cái ‘cuộc nổi dậy huyền thoại’ này với sự việc chúng ta nãy giờ xem xét có phải là hai thứ khác nhau hay không? Bản copy này không đủ để khẳng định điều đó.”

Tôi chỉ hỏi để xác nhận vài điều, Satoshi lắc đầu,

“Không biết. Chả có bằng chứng nào cho biết chúng là một hay là hai.”

“Cậu bảo là ‘không biết’…”

Dù đang tỏ ra bình thản nhưng cách trả lời của hắn quả thật là rất vô tâm. Sở hữu một lượng kiến thức khổng lồ nhưng không phải lúc nào cũng giúp hắn sử dụng chúng một cách đứng đắn…

“…vậy thì mớ thông tin này gần như là vô dụng.”

“Thật à, tớ cũng nghĩa thế.”

“Nói kiểu đó là sao?”

Ibara xen vào : “Thật tình thì, cũng có bằng chứng đấy chứ.”

“Thật sao?”

“Đây là một sự việc lớn đúng không? Chúng ta đã nhận thức được điều đó qua tập san của hai CLB. Vụ của chúng ta và ‘cuộc nổi dậy huyền thoại’ cứ xem là hai sự kiện khác nhau đi, vì mỗi bên lại dùng một tên gọi khác.”

Satoshi vỗ hai bàn tay vào nhau cái bốp,

“A, đúng đó. Tớ cũng ngờ ngợ khi họ lại dùng cái tên này. Mayaka thật quá xá tuyệt!”

Ngờ ngợ cái búa, tôi không tin hắn nghĩ đến điều đó trước khi được Mayaka hậu thuẫn. Lần này nhỏ không hề cãi cố, nếu không có gì chắc chắn về việc hai sự kiện có là một hay không thì cách hợp lý nhất là dựa vào một lô-gic mà đi đại theo một hướng – chúng khác nhau. Tôi vẫy tay thể hiện sự chấp nhận lời giải thích ấy.

Thế là không còn câu hỏi nào nữa.

“Tiếp theo, xin mời cậu đưa ra giả thuyết.”

Satoshi nở một nụ cười đau khổ ngay khi được mời,

“Umm… giả thuyết hả?”

“Có vấn đề gì sao?”

“Chitanda-san, tớ không hề muốn làm gián đoạn… nhưng mà thật sự tớ không thể bói được ra bất cứ một giả thuyết hay cái gì giống như vậy cả. Tất cả những gì tớ làm được là tìm thấy tờ báo này và đủ lập luận để bác bỏ giả thuyết của Ibara. Có lẽ chỉ thế thôi, vì dù gì…”

Biết ngay hắn sẽ lại giở ra cái câu này mà. Hai, ba! Kết luận không thể…

“…kết luận không thể được rút ra khi chỉ có mỗi cơ sở dữ liệu.”

Thế là Satoshi không đưa ra kết luận nào cả, dù tôi cũng chả trông mong gì hơn từ hắn. Giờ cái vấn đề chỉ còn dành cho tôi. Bực cả mình, thật là hối hận khi không chịu đọc kĩ càng hơn một chút. Ít ra thì giả thuyết của tôi cũng nằm sẵn trong đầu nên quên sự do dự đi, tôi tập trung vào phần trình bày.

“Vậy, cuối cùng là Oreki-san. Cậu có thể bắt đầu.”

Tôi gật đầu và đưa cho mọi người những bản copy trong khi mắt thì tranh thủ lướt thật nhanh cái bản của mình. Giống như Satoshi, tài liệu của tôi không chứa đựng nhiều thông tin liên quan trực tiếp. Nó chỉ là một danh sách những sự kiện bình thường.


1967

Sự kiện ở Nhật Bản và trên thế giới

  • Tổng sản phẩm quốc gia đã vượt qua cột mốc bốn mươi lăm nghìn tỉ yên, Nhật Bản trở thành trung tâm công nghiệp lớn thứ ba thế giới. Dự kiến năm 1968 sẽ vượt qua Tây Đức để chiếm vị trí thứ hai.
  • Một nhóm học sinh trường Fukashi thành phố Matsumoto bị sét đánh khi đang leo núi tại đỉnh Nishiho, mười một người tử vong.
  • Phong trào sinh viên ở đại học Waseda leo thang và có sự tham gia của học sinh.


Sự kiện ở Cao trung Kamiyama

  • Tháng tư: Trong bài diễn văn của thầy hiệu trưởng Eida Tasuku : “Chúng ta không được để mình tự thoả mãn mà làm trường này trở nên tầm thường. Bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ tiên quyết. Giáo dục trung học phải bồi dưỡng nhân tài để chuẩn bị cho bậc đại học.” Một yêu cầu cải tổ hệ thống dạy và học trong trường đã được hàm ý.
  • 13/6: “Uỷ ban thanh tra lễ hội truyền thống” được thành lập sau giờ học.
  • Tháng bảy: Tổ chức thăm quan ở Hoa Kỳ. (thầy Manninbashi trưởng đoàn)
  • 13 – 17/10: Lể hội truyền thống.
  • 31/10: Hội thao toàn trường.
  • 15 – 18/11: Tổ chức cắm trại cho học sinh năm hai ở Takamatsu, Miyajima và Akiyoshidai.
  • 2/12: Trong tình trạng tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp, học sinh được tập trung và giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn giao thông.
  • 12/1: Một phần kho chứa dụng cụ thể thao bị hư hại do bão tuyết.
  • 23 – 24/1: Mở lớp dạy trượt tuyết cho học sinh năm nhất.


“Nè Houtarou, có phải đây là…”

Tôi trả lời với một cái nhìn ngán ngẩm : “Ờ, lấy từ cuốn ‘CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC’.”

Đã nhìn thấy cách mà ba người kia trình bày, vậy nếu muốn bắt chước thì bây giờ tôi phải tóm tắt lại thành những điểm chính.

… Nhưng lấy gì để tóm tắt bây giờ?

Nhìn thế nào đi nữa đây chỉ là một mớ gần-như-vô-nghĩa, thế nên những phút sau tôi gần như cứng đơ vì chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Xin lỗi nha, tớ chẳng nghĩ ra được cái gì. Sẽ là giống với thằng tôi thường ngày hơn bằng viêc nói toẹt ra điều đó và để Chitanda và Ibara tự thân lo liệu…

Nhưng thậm chí đối với tôi, lựa chọn này thật là “xám”.

“Xin lỗi. Trước khi tiếp tục cho phép tớ đi ‘giải quyết’ một chút nhé.”

Chitanda cười khúc khích,

“Ừm, dĩ nhiên rồi.”

“Lo lắng hả?” Satoshi tỏ ra muốn giúp tôi bình tĩnh lại nhưng tôi không đời nào để hắn giúp. Chitanda đứng lên và chỉ đường cho tôi, tôi đi theo và tiện tay bỏ tờ giấy vào túi áo.

Tôi bắt đầu suy nghĩ khi được dẫn đến một phòng tắm rất rộng.

Đã có bốn bản copy, bốn nguồn dữ liệu.

Và, những mâu thuẫn được chỉ ra từ những cuộc thào luận sau đó.

Câu trả lời có thể nối kết tất cả lại là gì? Ba mươi ba năm trước chuyện gì đã xảy ra?

Suy nghĩ nào…

Kết luận đây rồi!

“Mọi người này, vì tớ vừa có một hướng suy luận khác nên không có giả thuyết, và dù sao cũng là người trình bày cuối nên tớ sẽ đi thẳng đến kết luận được chứ?”

Vừa nghe đề xuất của tôi Satoshi đã nhoẻn miệng cười,

“Ra thế Houtarou, lại lập mưu nữa à?”

“Cảm phiền đừng đọc suy nghĩ nữa… vậy, tớ sẽ trình bày vắn tắt thôi.”

“Tớ…”

Chitanda hít thở một nhịp trước khi tiếp tục : “Tớ nghĩ như vậy là không trọn vẹn đâu. Dù sao thì, nếu người nào có thể đưa ra giả thuyết mà không tồn tại mâu thuẫn thì đó là cậu đấy Oreki-san.”

Th…thật à, giờ mới biết đấy.

“Hãy cho chúng tớ biết suy nghĩ của cậu đi Oreki-san.”

“Đúng đó, nói đại đi đại ca!”

“Tôi cũng mong ông sẽ nói, đây là một cuộc thảo luận mà.”

Vậy là họ đã cương quyết… Không hẳn là bị áp lực, chỉ là tôi cảm thấy khó khăn khi nói trước một đống người đang nhìn chăm chăm vào mình. Thôi được, kiếm cách mở lời vậy. Suy nghĩ một chút tôi nói : “Được rồi, tớ sẽ sử dụng phương pháp 5W1H cổ điển. When (khi nào), where (ở đâu), who (là ai), why (tại sao), how (bằng cách nào) và what (cái gì)… tớ sẽ lần lượt trình bày từng ý một, được chứ?”

Chitanda gật đầu.

“Tốt, vậy đầu tiên là ‘khi nào’. Chúng ta đã biết đó là ba mươi ba năm trước, nhưng không biết là tháng sáu hay tháng mười. Nếu ‘Thống nhất và Tán dương’ đúng thì là tháng sáu, nhưng dựa vào mô tả trong ‘Kem đá’ thì ta lại cảm giác đó là tháng mười. Tuy nhiên, nếu cả hai cùng đáng tin thì có thể nói sự kiện đã diễn ra vào tháng sáu còn việc rời trường của ‘sempai’ là vào tháng mười.”

Ibara nhướn mắt lên trông bực mình thấy rõ, chắc bởi chính tôi đã chỉ ra điểm mâu thuẫn trong lập luận của cô nàng. Tôi lờ đi và tiếp tục nói : “Tiếp theo là ‘ở đâu’, không có vấn đề gì với câu hỏi này : trường Kamiyama. ‘Là ai’, ‘Thống nhất và Tán dương’ cho biết Sekitani Jun – hội trưởng CLB Cổ Điển là nhân vật chính. Cho phép tớ mở rộng ra một chút, nhân vật chính thực sự là toàn thể học sinh trong trường và chú Sekitani chỉ là một trong nhiều nhân vật chính diện.”

Tôi khá chắc chắn những gì vừa nói không mắc chút sai lầm nào, thỉnh thoảng tong lúc nói mắt tôi lại liếc xuống tờ tài liệu. Vậy là ổn, đến món chính nào.

“ ‘Tại sao’. Nếu là đối địch với toàn thể học sinh thì theo lẽ tự nhiên ta sẽ nghĩ đến giáo viên. Xin trích lại câu nói của Ibara, sự tự do bị đe doạ...

…Và nguyên nhân nằm ở chính cái lễ hội truyền thống của chúng ta.”

Vừa dứt lời tôi nhận thấy cả ba người đều hướng ánh mắt khó hiểu về hướng này, tôi nghĩ dường như mình có thể bị đau tim bất kì lúc nào ấy.

“Bộ nó được đề cập ở đâu à?”

“Từ tập san có thể luận ra việc chú ấy rời trường diễn ra vào lễ hội văn hoá, nhưng đâu có gì khẳng định lễ hội liên quan đến sự kiện này?”

Tôi lắc đầu,

“Không, tất cả đều liên quan. Kết luận của tớ đến từ những buổi đối thoại giữa đại diện học sinh và giáo viên và kết quả là lễ hội văn hoá vẫn được tổ chức vào tháng mười như bình thường.”

Satoshi nhìn vào đoạn trích của cuốn sách “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC” rồi nói tiếp : “Ý cậu là cái ‘Uỷ ban thanh tra lễ hội truyền thống’ này à? Nhưng tại sao nó lại là nguyên nhân? Dù có thành lập hay không thì lễ hội vẫn phải được tổ chức như thường niên chứ?”

“Lầm to, nhìn thật kĩ vào cái 50 năm vững bước này này.”

Chitanda và Ibara đã qua chỗ Satoshi để cùng chăm chú quan sát.

“Mỗi sự kiện ở trường đều được đánh dấu bằng hình vuông hoặc tròn.”

“… Tớ nhận ra rồi! Những hình vuông là sự kiện thường niên, còn hình tròn là sự kiện đặc biệt chỉ có trong năm đó!”

“Đúng rồi, nếu xem thêm những năm khác cậu sẽ thấy những sự kiện đó không thể đồng nhất với những cái còn lại.”

Bấy giờ tôi lấy cuốn tập san “Kem đá” ra và tiếp tục nói : “Tại sao lại phải thành lập một uỷ ban thanh tra về lễ hội văn hoá vào ba mươi ba năm trước? Chính là để đáp lại sự đấu tranh mạnh mẽ của học sinh về chính cái sự kiện đó. Thế thì tại sao học sinh lại đòi đấu tranh để thành lập uỷ ban? Gợi ý của câu trả lời nằm ở trong chính cuốn ‘Kem đá’ này.”

Tôi dùng bút bi gạch dưới một dòng chữ.

“Chỗ này. Năm ấy, sempai đã giũ bỏ tấm áo anh hùng để trở thành huyền thoại, nhờ đó mà lễ hội văn hoá năm ngày được tổ chức như thường niên. Mấy cậu có thấy gì lạ không?”

Không ai nói gì, nên tôi tiếp tục : “Chúng ta đã biết lễ hội văn hoá là sự kiện thường niên, thế thì cớ gì người viết lại thêm vào một cụm từ quá hiển nhiên như vậy? Chỗ chúng ta cần chú ý đến không phải là ‘như thường niên’, mà chính là ‘năm ngày’!”

“Oreki à tôi thực sự không hiểu ông đang nói gì, cụm từ này đặc biệt chỗ nào?

“Ý của tôi là, nỗ lực của người anh hùng chính là để đòi lấy việc lễ hội văn hoá phải được tổ chức trong năm ngày. Hãy đọc lại đoạn trích bài diễn văn của thầy hiệu trưởng vào tháng tư trong cái bản copy. Rõ ràng quá phải không? Một thông điệp động viên học sinh quan tâm hơn đến việc học tập. Tuy nhiên, chúng ta phải đào sâu vào hàm ý của nó.

Lễ hội truyền thống trường ta diễn ra vào ngày thường, toàn bộ năm ngày. Đó thực sự là khá dài so với các trường khác, thế nên lễ hội mới trở thành biểu tượng của hoạt động CLB trường ta. Nếu hiệu trưởng đã bóng gió rằng học sinh cần tập trung vào việc học… thì nghĩa là thời gian tổ chức lễ hội truyền thống sẽ bị rút ngắn lại. Đương nhiên là phe học sinh không chấp nhận việc đó, và ‘tất cả chúng ta đều tức giận’. Đó là lí do xảy ra sự kiện – cái ‘tại sao’.”

Tôi thở dài và nhận thấy mình khát nước. Ước gì có một tách trà đại mạch ở đây… đành phải nuốt nước miếng mà nói cho xong vậy.

“Bây giờ, ‘làm thế nào’ : ‘nhờ sự giúp đỡ của hội trưởng CLB Cổ Điển – anh hùng Sekitani Jun’ mà phe học sinh đã tiến hành cái gọi là ‘Xung Đột Lớn’. Cuối cùng là ‘cái gì’. Tức giận với quy định mới, phe học sinh đã thực hiện thái độ ‘bất phục tùng’ nhưng vẫn giữ nó không chạm mức bạo lực. Kết quả là uỷ ban thanh tra được thành lập và lễ hội được tổ chức trong năm ngày. Có thể nói ít nhất trong sự kiện này đã không hề có bất cứ hành vi bạo lực nào. Tớ không rõ lắm, nhưng không dính đến bạo lực thì có thể là… nhịn đói tập thể, diễu hành hay là cúp tiết, chắc chắn Satoshi rõ phần này nhất. Cuối cùng vì không chịu nổi sức ép từ học sinh, nhà trường đành phải rút lại quyết định rút ngắn số ngày lễ hội, đổi lại ‘người anh hùng’ Sekitani Jun phải rời khỏi đây.”

Tôi thêm vào một ý nữa.

“Còn vì sao lại có khoảng cách giữa sự kiện và việc rời trường, tớ đoán là tại lúc đó chú Sekitani Jun còn đang là tượng đài của phong trào học sinh trường ta. Nếu chú ấy bị đuổi học ngay lập tức thì cơn giận của phe học sinh sẽ không có cách nào xoa dịu được, vậy nên quyết định ấy chỉ được đưa ra khi độ nóng của học sinh về vụ lễ hội đã giảm xuống.”

Tôi thở một hơi sau khi kết thúc phần trình bày. Phù, cảm giác như cái nóng của mùa hè dần trở lại.

Chắc chắn là không còn gì để nói nữa.

Một người đang vỗ tay rõ to, đó là Satoshi.

“Wow, chắc chắn là tuyệt đỉnh đó Houtarou! Biết ngay mà.”

Ibara lẳng lặng thu gom mớ giấy trên bàn. Trông nhỏ không được vui, thế là bình thường.

Còn Chitanda…

Như một đứa con nít vừa đi xem xiếc về, nhỏ vui sướng thốt lên : “Oreki-san thật là tuyệt! Cậu đã đưa ra được một kết luận chỉ với những thông tin ở đây… Thật là không sai khi nhờ cậu giúp đỡ!”

Được khen quả là vui thật, đến nỗi tôi bắt đầu cảm thấy mặt mình đỏ ửng lên.

Có vẻ chúng tôi đã giải xong vấn đề của Chitanda và có một lượng nguyên liệu đáng kể cho tập san năm nay. Từ cái hẹn với Chitanda cuối tháng tư, mọi rắc rối đến bây giờ đã được giải quyết ổn thoả.

Không quên nhiệm vụ chủ trì, Chitanda lên tiếng : “Còn ai có câu hỏi nào không?”

Làm sao mà còn được, nhỏ gật đầu và đưa ra lời kết : “Vậy tập san năm nay chúng ta sẽ viết dựa trên kết luận của Oreki-san, chi tiết về công việc sẽ được bàn vào một ngày khác. Buổi thảo luận dừng lại tại đây… Cám ơn sự cố gắng của các bạn.”

Chúng tôi cùng lặp lại lời cảm ơn.

Chitanda tiễn tôi đến trước cổng. Thấy được nụ cười của nhỏ là đủ cho tôi biết nhỏ đã đã rất hài lòng với buổi thảo luận này.

“Tớ thật sự rất cảm kích.”

Nói xong nhỏ cúi chào tôi thật thấp.

“Không chỉ nhờ mình tớ đâu.”

Tôi nói trong khi đeo giày vào, Satoshi đã ra trước và đang làm điệu bộ hối thúc. Vì chưa quen với đường sá nơi đây nên tôi đành phải nhờ hắn dắt về.

“Được rồi, gặp lại cậu ở trường nhé.”

“Ừ, tớ về đây…”

Tôi vẫy tay chào tạm biệt nhỏ và dinh thự Chitanda.

Khi đã rời đi, theo lẽ thường tôi không thể biết Chitanda đã làm gì sau đó.

Nhỏ đứng trước cổng, trên khuôn mặt là một biểu hiện như vừa nhận ra một điều gì đó. Tôi không thể biết nhỏ đã thì thầm với chính mình cái gì.

Có lẽ, là thế này chăng?

“Nhưng… tại sao lúc đó mình lại khóc?”


CHƯƠNG 7: SỰ THẬT VỀ CLB VĂN HỌC CỔ ĐIỂN[]

Buổi thảo luận kết thúc cũng là lúc trời đã quá chiều, tôi đang thong thả đạp xe giữa những cánh đồng được phủ sắc cam của ánh tà dương và nghe những lời ngon ngọt của Satoshi.

“Thực lòng mà nói thì tớ chưa hết bất ngờ đó Houtarou, chắc chắn là vậy. Nếu cậu đúng, vậy thì lễ hội văn hoá trường ta nợ sự tồn tại của nó bằng cuộc đời học sinh của một con người. Vậy mà cũng suy nghĩ ra được, thật là bất ngờ mà!”

“Vậy là cậu nghi ngờ khả năng của tớ sao?”

Tôi nói đùa, nhưng hắn không cười mà chỉ đáp : “Cậu đã giải quyết nhiều điều bí ẩn kể từ khi vào trường phải không nào. Lần đầu gặp Chitanda này, cuốn kỉ yếu và cả vụ anh chàng bên CLB Báo Tường nữa.”

“Đó chỉ là ngẫu nhiên.”

“Nhưng kết quả lại không nói như thế, bởi vì tại sao cậu – một người xem trò giải quyết rắc rối dùm người khác là gánh nặng – rốt cuộc lại luôn thành công trong việc đó? Nếu chịu nghiêm túc suy nghĩ cậu sẽ thấy câu trả lời thật dễ dàng. Cậu đang làm vì Chitanda-san.”

Tôi quay sang nhìn hắn, chẳng biết điều hắn nói có đúng không…

“Làm vì Chitanda” không được chính xác lắm, tôi nghĩ lí do “tất cả là lỗi của Chitanda” dễ chấp nhận hơn. Tôi nhớ Satoshi đã từng bóng gió như thế, đó là tôi sẽ không làm gì nếu không ai bảo phải làm vậy. Quả thật nhỏ không nhờ vả tôi một cách trực tiếp, và thật sự tôi luôn hoàn thành những điều phiền toái cho nhỏ, nhưng mà…

“Hôm nay khác.”

Đúng thế, hôm nay thì khác.

“Cậu có khả năng thu hút sự chú ý của người khác vào mình đó. Hôm nay, nhiệm vụ tìm ra sự thật được chia đều cho bốn người chúng ta. Cậu đã có thể chọn cách nói là mình chẳng nghĩ được gì cả, và tụi tớ sẽ không ý kiến. Thế thì điều gì đã làm cậu chọn cái cớ ‘đi giải quyết’ để có thêm thời gian tìm kiếm câu trả lời cho tất cả?”

Mặt trời tiếp tục lặn, và tôi có thể cảm nhận những làn gió lướt qua mát rượi. Tôi dứt ra khỏi ánh mắt của Satoshi mà nhìn về phía trước.

“Không là vì Chitanda-san thì còn là gì nữa?”

Hắn đã hỏi rất đúng. Thông thường tôi sẽ không thèm quan tâm, vậy mà hôm nay tôi lại thấy mình thật sự tích cực.

Có… có thể là vậy rồi.

Tại sao ư? Có lẽ ít nhiều tôi đã hiểu, và nó chẳng liên quan gì đến Chitanda cả. Tuy nhiên tự hiểu ra một điều thì rất khác với làm cho người khác hiểu được điều đó. Một vốn từ vựng nghèo nàn đã khiến tôi không chuyển tải được suy nghĩ của mình cho họ, thậm chí là cho một tên tinh ý như Satoshi…

Mà không, ngược lại chứ. Chính vì biết hắn từ quá lâu nên việc giải thích mới trở nên khó khăn như vậy, và hôm nay là lần đầu tiên tôi cảm thấy một sự khác biệt quá lớn với lối sống thường ngày của mình. Vì vậy tôi có thể chọn cách lờ câu hỏi này đi vì hắn không hề bắt ép, nhưng tại sao đâu đó trong tôi lại hối thúc câu trả lời. Sau một quãng dài im lặng, tôi chọn lựa từ ngữ thật kĩ càng trước khi đáp:

“…Tớ đoán, mình đã mệt mỏi với cuộc sống ‘màu xám’ này rồi.”

“Hả?”

“Từ lúc gặp Chitanda, khả năng tiết kiệm năng lượng của tớ đã tụt thấp chưa từng thấy. Nhỏ có thể vừa lo chuyện xuất bản tập san, vừa học tập và thi cử và đi tìm quá khứ của mình. Nghĩ thôi đã thấy mệt. Cậu và Ibara cũng thế, toàn bỏ thời gian làm chuyện vớ vẩn.”

“Hì… cũng có thể.”

“Nhưng mà, đôi khi tớ cũng nghĩ là… ‘cỏ mọc ngoài rào thì xanh hơn’.”

Tôi khựng lại ngay, bởi vì lẽ ra nên chọn một câu thành ngữ nào tốt hơn một chút. Thôi lỡ rồi, cứ tiếp tục vậy,

“Bất cứ khi nào nhìn các cậu, tớ lại không giữ được bình tĩnh. Tớ muốn được bình tĩnh, nhưng lại cảm thấy điều đó chán phèo.”

“…”

“Vì thế ít nhất, tớ muốn… làm gì đó. Tớ muốn thử một chút cách sống của các cậu.”

Tôi không nói thêm gì nữa. Hắn cũng chẳng nói gì nên âm thanh tồn tại nơi đây chỉ là tiếng đạp pê-đan và gió. Satoshi là một tên mau miệng, nhưng có những lúc tôi mong hắn nói gì thì hắn lại im lìm. Một lý do hợp lí tạm thời để qua một bên, hiện tại tôi không thể chịu được sự yên lặng này.

“Nè, nói gì đi chứ?”

Tôi có thể cảm thấy Satoshi cười tươi mà chẳng cần nhìn, hắn đã chịu nói:

“Tớ nghĩ là…”

“Hmm?”

“Tớ nghĩ là ‘màu xám’ bắt đầu ganh tị với ‘màu hồng’ rồi đó nha!”

Không chút suy nghĩ tôi đáp : “Có thể.”


Nhìn chằm chằm vào cái trần phòng, nó vẫn trắng như mọi khi.

Tôi đang nằm nhai lại những điều Satoshi nói.

Tôi cũng thích nghe nhạc hay xem hài tạp kĩ. Dù là bị Chitanda xoay như chong chóng, tôi cũng cảm thấy những bí ẩn là cách tốt để giết thời gian…

Nhhưng mà, nếu tôi bị lôi cuốn vào mà không quan tâm đến thời gian, công sức thì sao? Cuộc sống của tôi liệu có vui hơn không? Liệu niềm vui đó có đáng để phản bội tinh thần tiết kiệm năng lượng mình đã hằng tin tưởng?

Ví dụ như, Chitanda đang đuổi theo quá khứ.

Và hơn nữa, người “anh hùng” Sekitani Jun đã bảo vệ hội Kanya ba mươi ba năm trước, nếu suy luận của tôi là đúng.

Không còn có thể tập trung nhìn vào một điểm. Biết ngay mà, cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó tôi lại không thể bình tĩnh. Hướng mắt xuống sàn nhà cạnh chỗ đang nằm, tôi thấy bức thư của bà chị.

Ánh mắt của tôi chăm chú vào chỉ một dóng duy nhất:

Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.

Mười năm sau, đối với người như tôi tương lai chắc cũng chẳng sáng sủa gì. Hai mươi lăm tuổi và nhìn lại bản thân mười năm trước, tôi tự hỏi mình có suy xét về những gì mình đã làm và đã có thể làm hay không? Có lẽ chú Sekitani Jun hai mươi lăm tuổi cũng sẽ nhìn lại cái tuổi mười lăm của chú với ít nhiều nuối tiếc.

Tôi…

Bất thình lình điện thoại đổ chuông.

Và đừng có nghĩ tôi làm quá, tại nãy giờ quá chú tâm nên tiếng chuông ấy thực sự làm tôi bất ngờ. Một cảm giác lo âu khó hiểu chợt dâng lên khi đầu óc vừa trở về thực tại, tôi nhanh chóng tỉnh dậy mà chạy xuống nhà.

“… A lô, nhà Oreki xin nghe.”

“Hở, Houtarou đó à?”

Cột sống tôi tự dưng gai lên. Một giọng nói quen thuộc đến từ người luôn phá đám lý tưởng sống của tôi mà đem đến đủ thứ rắc rối. Cuộc gọi đến từ Oreki Tomoe, đang lang thang ở một nơi nào đó vùng Tây Á và trốn trong đại sứ quán Nhật để tránh sự truy lùng của một nhóm điệp viên Mossad[32]. Gọi quốc tế nên tín hiệu không được tốt lắm, nhưng chắc chắn là bả.

Không tỏ ra nao núng, tôi đáp lại giọng nói đã không được nghe quá lâu rồi:

“Vậy là chị vẫn còn sống.”

“Ăn với chả nói, nghĩ chị đây dễ bị xử bởi một hai thằng trộm à?”

Thế là thoát rồi à, chẳng ngạc nhiên chút nào.

Có lẽ đang lo về cước phí của một cuộc gọi quốc tế, chị ấy nói rất nhanh:

“Chị vừa đến thành phố Pristina hôm qua, thuộc Cộng hoà Yugoslavia đấy[33]. Tài chính và sức khoẻ đều trong tình trạng tốt, mọi kế hoạch đều trôi chảy. Đến Sarajevo chị sẽ viết thư cho em, nếu thuận buồm thì chắc là hai tuần nữa. Báo cáo hết, vậy bên em thì sao?”

Tôi xoắn ngón tay vào cọng dây điện thoại và đáp : “Không có gì bất thường ở hạm đội Viễn Đông.”

“Thế à, vậy...”

Chị ấy chuẩn bị cúp máy. Dù chẳng quan tâm đã cúp hay chưa tôi vẫn cứ nói:

“Tụi em đang viết tập san, ‘Kem đá’…”

“…Hả? Cái gì?”

“Tụi em đã tìm hiểu về Sekitani Jun.”

Chị tôi vẫn nói rất gấp gáp : “Sekitani Jun à? Cái tên gợi nhiều hoài niệm đấy. Hmm, không ngờ câu chuyện đó vẫn sẽ được tiếp nối. Cơ mà cái cụm từ ‘Hội Kanya’ có còn bị cấm không?”

Tôi không hiểu những gì chị vừa nói.

“Ý chị là sao?”

“Một bi kịch, chị không thích tí nào.”

Cấm? Bi kịch? Không thích?

Là làm sao? Chị ấy đang cố nói điều gì?

“Chờ chút, chị đang nói về Sekitani Jun phải không?”

“Còn ai nữa, ‘người anh hùng tử tế’ đó. Em biết mà phải không?”

Chẳng đi tới đâu cả. Dù cùng nói về một người nhưng suy nghĩ của chúng tôi không liên hệ với nhau được.

Và… linh tính mách bảo rằng tôi đã sai lầm. Suy luận tôi đưa ra ở nhà Chitanda có thể đã sai hoặc thiếu vài chi tiết nào đó. Tôi không lấy đó làm lo lắng vì bà chị này chắc là biết ít nhiều về sự kiện ở trường Kami ba mươi ba năm trước.

“Chị này, chị biết những gì về Sekitani Jun?”

Tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc.

Và nhận lại là một câu trả lời đơn giản.

“Hổng có rảnh đâu, bái bai!”

Cụp. Bíp bíp.

Tôi đưa ống nghe ra khỏi tai và nhìn nó như một thằng ngốc.

“…”

… Sao mà …

“Bà chị mắc dịch!”

Tôi quẳng ống nghe vào chiếc điện thoại bàn cái cốp. Nỗi bực bội bây giờ đã được nhân đôi, tất cả là tại bả.


Tôi không nhớ chính xác những gì chị đã nói vì cuộc hội thoại diễn ra quá nhanh, tuy nhiên cái đoạn chị ấy than thở đã kịp hằn trong tâm trí.

Tôi leo lên giường và lấy ra tất cả những gì CLB Cổ Điển đã tìm thấy : “Kem đá”, “Thống nhất và Tán dương”, “Nguyệt san Cao trung Kami” và đoạn trích trong cuốn kỉ yếu “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC”… tôi cũng lấy ra lá thư mà chị đã gửi từ Istanbul và đọc lại một lần nữa cái dòng chữ đó.

Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.

Mười năm. Chú Sekitani là hội trưởng ba mươi ba năm trước, nếu còn sống thì giờ chú ấy cũng phải năm mươi. Chú ấy thực sự không nuối tiếc về cuộc đời học sinh của mình thật ư?

Tôi không nghĩ vậy. Người “anh hùng” đã hy sinh bản thân, quẳng đi con đường học tập trước mắt vì bằng hữu của mình sẽ không có gì để mà tiếc, ở nhà Chitanda tôi đã nghĩ như thế…

Nhưng điều đó đúng sao?

Chỉ là một lễ hội mà để bị nhà trường nhắm đến và cuộc sống thì bị thay đổi mãi mãi. Nếu đời học sinh đã có màu của hoa hồng, thì một cuộc sống màu hồng bị đứt quãng còn có thể được gọi là hồng nữa sao?

Phần ‘xám’ trong tôi bảo không phải như vậy. Một mình hy sinh để bạn bè được tha thứ, một người ‘anh hùng’ là phải chịu đựng điều đó sao? Suy nghĩ này cứ lẩn quẩn trong đầu. Dù có là như vậy đi nữa tôi cũng không thể bỏ qua một sự thật rằng chị tôi đã gọi nó là bi kịch.

Tôi cần phải bắt đầu lại, sử dụng hết những gì liên quan đến sự kiện đó.

Thế là, tôi lại lao vào cuộc điều tra về ba mươi ba năm trước, về cuộc sống của Sekitani Jun có thực sự màu hồng hay không?


Ngày hôm sau tôi mặc đồ thường đến trường. Để kiểm chứng lại vài thứ tôi cũng gọi Chitanda, Ibara và Satoshi tới đây. Những gì tôi nói là : “Có một số chi tiết cần thêm vào suy luận của ngày hôm qua, tớ sẽ đợi ở phòng Địa Chất.”

Cả ba đều đến. Ibara ném cho tôi một cái nhìn khinh khi vì dám kêu nhỏ tới đây để chỉnh lại sai lầm, Satoshi thì cười tươi và có thể thấy hắn vẫn chưa hết bất ngờ vì hành động kì lạ của tôi. Còn Chitanda, vừa nhìn thấy tôi nhỏ đã lên tiếng:

“Oreki-san, tớ cảm thấy mình vẫn còn vài điều cần biết.”

Cũng nghĩ như vậy, tôi gật đầu và đặt tay lên vai nhỏ,

“Sẽ ổn thôi. Tớ nghĩ chúng ta sẽ hoàn toàn tìm ra trong ngày hôm nay, cố chờ thêm một chút nhé.”

“Ông nói ‘một số chi tiết cần thêm vào suy luận’ là sao hả Oreki?”

“Thì nghĩa là tiến hành bước cuối cùng để hoàn thành những gì chưa hoàn thành.”

“Tôi không hiểu, ý ông là chúng ta đã đi sai hướng và dẫn đến một kết luận sai ư?”

“Cứ nghe đi.”

Khi xấp tài liệu được lấy ra, tôi nhìn chằm chằm vào chúng hơn là đưa cho ba người kia xem.

“…’Kem đá’ được viết với một ý nghĩa sâu sắc hơn. Nó không phải để suy tôn cuộc đời của Sekitani Jun hay giai thoại về một người anh hùng, chính lời mở đầu đã nói như thế.”

Đó là phần Satoshi đã trình bày hôm qua, như dự đoán hắn đã chen vào:

“Không phải chúng ta đã nói về nó hôm qua sao?”

“Ừ, nhưng có lẽ chúng ta đã đi sai hướng.”

“Là sao?”

“Đoạn này, ‘Dù là người hy sinh trong cuộc tranh đấu ấy, sempai vẫn cười. Nụ cười của anh như đã theo dòng thời gian mà đến cõi vĩnh hằng, mà đến tận cùng của sự vô biên…’ Ở đây ‘hy sinh’ không mang nghĩa tình nguyện, đúng hơn, phải hiểu ‘hy sinh’ có nghĩa là ‘thế mạng’.”

Ibara nhướn mắt lên.

“Thế thì họ phải dùng từ ‘nạn nhân’ thay vì ‘hy sinh’ chứ?”

“Nạn nhân” à? Tôi không phải bõ công vì Chitanda đã hỗ trợ việc giải thích.

“Không đâu, ‘hy sinh’ có thể là không tình nguyện, hồi xưa người ta chỉ dùng theo nghĩa này thôi.”

Đúng là học sinh giỏi, rất nhanh gọn. Thế mà tôi đã định rút ra quyển từ điển.

Satoshi bình luận với một tiếng thở dài : “Tớ hiểu sự khác biệt về nghĩa mà cậu nói, nhưng mà nếu không hỏi trực tiếp người viết thì làm sao biết họ dùng nghĩa nào?”

Đúng thế, sự khác nghĩa không chỉ đơn thuần là một vấn đề về ngôn ngữ. Khi mà ngôn ngữ không chính xác như toán học thì một từ mang nhiều nghĩa là chuyện thường, và kết luận một từ hoàn toàn phải hiểu theo nghĩa khác là bất khả thi.

Nhưng vẫn có cách để giải quyết. Tôi gật đầu đầy tự tin mà trả lời Satoshi : “Ừm, vậy chúng ta đi hỏi người đó thôi.”

“Ai cơ?”

“Người viết lời mở đầu chứ ai? Kooriyama Youko là học sinh năm nhất ba mươi ba năm trước, vậy bây giờ cô cũng bốn tám, bốn chín là cùng.”

Hai đồng tử của Chitanda nở to.

“Vậy là cậu tìm được cô ấy à?”

Tôi gật đầu một cái thật mạnh.

“Không cần mắc công tìm, vì cô ấy ở rất gần đây mà.”

Ibara giơ tay lên. Biết ngay nhỏ sẽ là người đầu tiên nhận ra mà.

“A, biết rồi!”

“Đúng thế.”

“Ý hai người là sao?”

“Cậu biết người đó rồi à?”

Ibara nhìn tôi, và tôi chỉ gật nhẹ để nhờ nhỏ giải thích dùm.

“Đó là cô Tổng thủ thư Itoikawa đấy! Cô Itoikawa Youko, tên thời con gái[34] của cô là Kooriyama phải không?”

Ibara là thủ thư nên dĩ nhiên sẽ biết tên đầy đủ của cô Itoikawa, thế nên nhỏ mới nhận ra nhanh như vậy.

“Chính xác. Nếu chỉ nghe tên ‘Ibara Satoshi’ thì ta không có cách nào đoán được họ của Satoshi thực sự là Ibara hay không, nhưng vì ta đã biết tên của cô Itoikawa là Youko và tuổi của cô cũng có vẻ phù hợp nên việc suy ra cũng chẳng phải là vấn đề.”

Khoanh tay lại, Ibara bắt đầu một tràng mỉa mai khác:

“Sao lại có người kì dị như ông thế? Cả tôi là người tiếp xúc thường xuyên với cô Itoikawa mà cũng không nhận ra, vậy mà ông lại làm được. Có lẽ nên nhờ Chi-chan quan sát cái gì trong đầu của ông nhỉ?”

Như đã từng nói, tôi may mắn có những phát hiện bất chợt và tôi cũng không muốn bị Chitanda phẫu thuật thuỳ não.

Lúc này khuôn mặt của Chitanda từ từ đỏ lên,

“V… vậy, nếu chúng ta đến gặp cô Itoikawa…”

“Thì chúng ta sẽ thật sự biết chuyện gì đã xảy ra ba mươi ba năm trước. Tại sao nó lại không là câu chuyện về một người hùng, tại sao bìa tập san lại được vẽ như thế, tại sao có tên là ‘Kem đá’… Chúng ta sẽ biết tất cả câu trả lời liên quan tới cậu của cậu.”

“Nhưng mà, cậu có bằng chứng nào chứng tỏ đúng là cô Itoikawa không? Sẽ thật là kì nếu hoá ra lại không phải cô ấy.”

Không còn sai lầm nào nữa đâu. Tôi nhìn vào đồng hồ và nhận thấy đã đến lúc…

“Thực ra tớ đã đi kiểm chứng và biết là vào năm hai cô là hội trưởng CLB Cổ Điển. Tớ cũng đã hẹn cô để nói chuyện. Đến giờ hẹn rồi đó, đi đến thư viện nào.”

Vừa quay lưng lại tôi nghe thấy Ibara lẩm bẩm : “Tích cực quá ha.”

Đúng là vậy đấy.


Trong kì nghỉ hè cửa sổ thư viện được phủ rèm kín mít để bảo quản sách khỏi tác hại của nắng gắt. Với một môi trường trong nhà dễ chịu nhờ máy điều hoà thư viện vẫn đông đúc với những học sinh chuẩn bị cho hội Kanya, và những học sinh năm cuối đang ôn thi đại học. Có thể thấy cô Itoikawa ngồi sau quầy thủ thư mà đang viết lách gì đó, đeo cặp kiếng mà lần trước chúng tôi không thấy. Cô có dáng người nhỏ và trên khuôn mặt đã xuất hiện những nếp nhăn, dấu tích của gần ba mươi mốt năm tốt nghiệp trung học.

“Cô Itoikawa.”

Nhận ra mình được gọi, cô ngẩng mặt lên và mỉm cười,

“À, CLB Cổ Điển phải không?”

Cô nhìn quanh thư viện rồi nói : “Ở đây hơi đông, các em vào phòng cô rồi nói tiếp nhé.”

Và dẫn chúng tôi vào căn phòng nằm sau quầy thủ thư.

Văn phòng của Tổng thủ thư là một không gian ấm cúng đủ rộng rãi để một người làm việc, dù cái điều hoà trong đây nhỏ một cách bất ngờ. Vì rèm treo vẫn còn để cao nên cô đi tới hạ nó xuống và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống sô-fa. Một hương thơm dễ chịu đến từ bình hoa đặt trên chiếc bàn duy nhất trong phòng, tôi cảm thấy nó không phải dành cho khách mà là để chính cô thưởng thức.

Cái sô-fa lớn thật nhưng không đủ để cả bốn chúng tôi cùng ngồi vào, thế nên cô Itoikawa phải lấy một cái ghế xếp để bên cạnh.

Nhưng sao lại là tôi phải ngồi trên ghế xếp trong khi ba người kia ngồi sô-fa?

Cô Itoikawa ngồi trên một chiếc ghế xoay, cô chống hai cùi chỏ lên bàn đối diện với chúng tôi và hỏi : “Rồi, vậy mấy em cần trao đổi gì với cô nào?”

Cô dịu dàng hỏi, theo lẽ thì tôi phải đại diện nhóm lên tiếng. Tôi cố gắng để tay và chân thích nghi với tình huống không quen này rồi trả lời : “Vâng, có vài điều tụi em cần biết. Nhưng trước hết em muốn xác minh một thứ : tên thời con gái của cô là Kooriyama phải không ạ?”

Cô gật đầu.

“Vậy cô là người viết cái này phải không ạ?”

Tôi lấy ra quyển tập san và đưa cho cô. Cô Itoikawa nhìn vào và cười,

“Ừ, là cô đấy. Nhưng thật ngạc nhiên là nó được bảo quản tốt thế này.”

Sau đó cô chuyển hướng nhìn vào tôi,

“Có lẽ cô biết em muốn nói chuyện gì rồi. Thành viên CLB Cổ Điển hỏi về tên thời con gái của cô… Các em muốn biết về biến cố xảy ra ba mươi ba năm trước phải không?”

Trúng phóc, vậy là cô biết thật.

Tuy nhiên, đối lập với kì vọng của chúng tôi, cô chỉ thở dài.

“Nhưng mà, tại sao các em lại quan tâm tới sự kiện đã quá xưa như thế? Sẽ tốt hơn nếu nó bị lãng quên mãi mãi.”

“Dạ, nhờ bạn Chitanda đây rối rít về những bí ẩn giống vầy như khỉ chứ không thì em cũng chẳng để ý tới.”

“Khỉ?”

“Xin lỗi, ý tớ là như quỷ[35].”

Cô Itoikawa và Satoshi đều cười, trong khi Ibara tỏ ra bực bội. Chitanda cũng nhẹ nhàng phản đối nhưng tôi lờ nhỏ đi. Cô Itoikawa quay sang hỏi Chitanda : “Thế lí do gì khiến em quan tâm đến sự kiện này?”

Tôi để ý Chitanda nắm chặt hai bàn tay đang để trên đùi, nhỏ có vẻ lo khi trả lời ngắn gọn:

“Sekitani Jun là cậu của em.”

Cô Itoikawa há hốc lên.

“Ồ, cô hiểu rồi, Sekitani Jun… một cái tên đầy hoài niệm. Giờ anh ấy có khoẻ không?

“Em không biết, cậu đã bị trình báo mất tích ở Ấn Độ.”

Cô lại há hốc một lần nữa, “Ôi…” dù trông không tỏ ra đau buồn. Có lẽ sống gần năm mươi năm nên cô đã trải qua nhưng chuyện thế này rồi ư?

“Vậy à, thế mà cô luôn ao ước được gặp lại anh ấy một lần.”

“Em cũng vậy, em chỉ muốn được gặp một lần thôi.”

Sekitani Jun là người thế nào mà ai cũng muốn gặp một lần nhỉ? Tôi không thể không tự hỏi mình có nên gặp chú ấy một lần không?

Ngập tràn trong cảm xúc, Chitanda chầm chậm nói:

“Thưa cô, hãy cho em biết chính xác chyện gì đã xảy ra ba mươi ba năm về trước? Tại sao sự kiện mà cậu của em liên quan đến lại không phải là chuyện về một anh hùng? Tại sao cuốn tập san của CLB Cổ Điển lại mang tên ‘Kem đá’… và suy luận của Oreki-san có chính xác không?”

“Suy luận?”

Cô Itoikawa hỏi tôi:

“Ý của em ấy là sao?”

Satoshi trả lời : “Thưa cô, Oreki đã đưa một suy luận dựa vào những nguồn tư liệu ít ỏi mà chúng em tìm được. Nên có lẽ cô hãy nghe cậu ấy trình bày.”

Hình như tôi sắp phải lặp lại những gì của ngày hôm qua. Không, tôi đã dự định sẽ làm như thế. Tôi chưa nhận ra rằng đối với một người đã tự trải qua sự việc đó thì đây chỉ là lời phòng đoán không hơn, nhưng tôi tự tin vào lập luận của mình ngoại trừ một chỗ nhỏ có thể là sai. Tôi liếm môi và bắt đầu phần giải thích sử dụng phương pháp 5W1H như cũ.

“Đầu tiên, nhân vật chính trong sự kiện là…”


“… và thế là tụi em kết luận rằng việc rời trường diễn ra vào tháng mười.”

Kết thúc phần nói tôi cảm thấy bất ngờ vì mình đã sắp xếp từng đoạn suy nghĩ tốt như thế nào. Mà lần này là nói mà không cần nhìn ghi chú nên thời gian cũng trôi qua rất nhanh.

Trong lúc tôi trình bày cô Itoikawa không nói gì cả, chỉ khi vừa xong cô mới nói với Ibara:

“Ibara-san, em có giữ những tài liệu đó không?”

“Dạ không, em…”

“Em có này.”

Satoshi mở chiếc túi vải và lấy ra một mớ giấy đã được gấp làm tư đưa cho cô Itoikawa. Cô nhìn sơ qua mà nói:

“Các em có thể suy luận chỉ với những thứ này thôi sao?”

Chitanda gật đầu,

“Vâng, Oreki-san đã làm được.”

Không hoàn toàn chính xác.

“Em chỉ kết nối giả thuyết của các bạn lại mà thôi.”

“Nhưng mà…”

Hời, cô Itoikawa thở dài một hơi và để xấp ghi chú lại trên bàn, cô bắt chéo chân.

“Cô ngạc nhiên đấy.”

“Vậy là không sai sao?”

Ibara hỏi, và cô lắc đầu.

“Không, đúng như những gì Oreki-kun[36] vừa nói. Mọi chuyện đều đúng. Cô đang thấy kì lạ vì cứ như có các em đứng cạnh khi cô quan sát những sự biến đó.”

Tôi thở phào, thật nhẹ nhõm khi biết rằng mình đã đoán đúng.

“Vậy thì mấy em còn gì để hỏi nữa? Cô mong rằng câu trả lời của mình đáp ứng được mong đợi.”

“Dạ em thì không có, nhưng Houtarou cảm thấy dường như có cái gì bị thiếu.”

Đúng vậy, đã có một lỗ hổng.

Điều muốn hỏi là : chú Sekitani Jun đã tự quyết định từ bỏ cuộc đời học sinh màu hồng của mình phải không? Tôi chỉnh sửa câu hỏi trên thành thế này:

“Thưa cô em chỉ có một câu hỏi. Liệu chú Sekitani Jun đã thực sự muốn thành tấm khiên cho toàn bộ học sinh trong trường sao?”

Biểu cảm ân cần của cô Itoikawa ngay lập tức bị đông cứng ngay sau câu hỏi ấy. Cô chỉ nhìn tôi.

“…”

Và nhìn trong im lặng.

Tôi đợi cô lên tiếng, cả Chitanda, Ibara và Satoshi cũng thế. Trong lúc chờ có lẽ ba người họ cũng thắc mắc câu hỏi đó có ý gì...

Bầu yên lặng không tồn tại lâu. Cô Itoikawa di chuyển đôi môi như vừa lẩm bẩm điều gì, rồi quở trách: “Em nhìn thấu cô rồi… Vậy thì cô sẽ trả lời. Cô nghĩ tốt nhất là nên kể lại câu chuyện ấy từ đầu. Đã lâu rồi nhưng cô vẫn nhớ như in.”

Thế là người cựu học sinh Kooriyama Ryouko bắt đầu thuật lại “sự kiện tháng sáu” ba mươi ba năm trước.


“Dù bây giờ lễ hội vẫn sôi động như thế, nhưng so với hồi xưa thì nó tĩnh lặng hơn nhiều lắm. Lúc ấy dường như mọi người đều coi lễ hội văn hoá trường Kami là lẽ sống của mình. Đó cũng là thời kì chứng kiến làn sóng cách tân mạnh mẽ chưa từng thấy, và một số người đã đồn với nhau rằng từ làn sóng ấy mà lễ hội trường Kami đã ra đời. Kết quả là trước khi cô vào trường đã có manh nha rằng bạo động sắp xảy ra, chẳng có gì tốt khi một tình trạng bất ổn vượt ra ngoài kiểm soát phải không nào? Nhưng so với những cuộc xung đột ở các trường khác thì ở trường ta nó diễn ra có trình tự hơn, dù vậy đối với giáo viên hành động như thế vẫn là không chấp nhận được.”

Đúng như những gì được đọc trong tiết Lịch sử Nhật bản hiện đại. Nhưng tôi nghĩ không chỉ lớp học sinh thừa mứa năng lượng thời đó, học sinh thời này với giáo viên có bao giờ hoà thuận?

“Tháng tư năm đó, thầy hiệu trưởng đột nhiên bùng nổ trong một cuộc họp thông thường. Cô tin rằng nó đã được ghi lại đâu đó trong xấp tài liệu của các em. Chúng ta không được để mình tự thoả mãn mà làm trường này trở nên tầm thường. Bây giờ các em có thể chỉ xem lời của thầy là mong muốn học sinh đạt kết quả tốt hơn trong học tập, nhưng vào thời đó nó chẳng khác gì một tối hậu thư đòi xoá sổ lễ hội văn hoá. Khi thời gian biểu cho lễ hội được thông báo là lúc giọt nước đã làm tràn li. Độ dài năm ngày đã bị cắt giảm tàn nhẫn xuống chỉ còn hai, lại còn bị chuyển từ ngày thường xuống hai ngày cuối tuần và không còn nằm trong lịch của trường. Ai cũng cảm thấy như vừa bị dội một gáo nước lạnh và quyết định trên là một thứ ôn dịch không thể tiêu hoá. Từ đó cô đã cảm thấy bầu không khí căng thẳng lan ra khắp trường và một chuyện không hay nào đó sắp sửa xảy ra.

Đầu tiên là đủ loại ngôn từ thô tục nhất được viết đầy trên bảng thông báo. Sau đó là những buổi phát biểu công cộng, khi mà ai cũng có thể lên sân khấu mà tự do nói những mình muốn. Tất cả những lời hùng biện đều mang tính kích động và được nhận những tràng vỗ tay không ngớt. Rồi phong trào bắt đầu mạnh lên khi đề xuất liên kết tất cả CLB văn hoá nghệ thuật của trường được đưa ra.

Nhưng mà, dù thật sự là muốn phản kháng, thì không người nào có vẻ như đã chuẩn bị cho một cuộc phản công mạnh mẽ quyết định cắt giảm lễ hội của nhà trường. Để phong trào thành công ai cũng cần phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận hậu quả. Nhiều người nói năng thì rất bạo gan nhưng thảm hại thay không lấy một dám đứng ra lãnh đạo các CLB đi đấu tranh.”

Cô Itoikawa đổi thế ngồi, tạo nên những tiếng cút kít trên chiếc ghế xoay khi cô tiếp tục:

“Thế là mọi người quyết định rút que để chọn ra người lãnh đạo và cậu của em, Sekitani Jun, đã nhận chiếc que ngắn[37]. Phong trào được chỉ đạo bởi người khác nhưng tên của họ chưa từng được nêu ra. Từ đó phong trào đã được tiếp thêm sức nóng, và thực tế đã dẫn đến kết quả là nhà trường phải rút lại quyết định. Như đã viết trong tài liệu của các em, lễ hội đã được tổ chức bình thường.”

Cô không thể hiện bất cứ cảm xúc gì trong khi kể. Tuy vậy tôi vẫn cảm nhận được cái bầu không khí của ba mươi ba năm trước ấy, không biết nó là sự mạnh mẽ của phong trào hay là sự hèn nhát của những người đại diện, tất cả đều đã là quá khứ. Cô Itoikawa lại tiếp tục :

“Nhưng bọn họ đã đi quá xa. Trong thời kì đấu tranh ấy cô vẫn ngồi học những tiết học bị mọi người tẩy chay, họ đứng dưới sân gào thét và hô vang các khẩu hiệu. Việc dựng lên cả một đài lửa đã đưa bầu không khí gay gắt lên đến cực điểm, và vào đêm nọ chuyện đó đã xảy ra…

Lửa từ đài lửa đã vượt quá tầm kiểm soát. Cô không biết là có ai cố tình làm vậy hay không, nhưng lửa đã lan sang nhà tập võ. Dù sau đó vụ hoả hoạn đã được dập tắt nhưng nhà tập võ đã bị huỷ hoại hoàn toàn do những cột nước cực mạnh từ xe cứu hoả.”

Chitanda và Ibara dường như không thể cử động, cả tôi cũng thế. Thậm chí chúng tôi cũng nhận ra hành động đó không tốt một chút nào, phá hoại tài sản nhà trường là hành động khó có thể bỏ qua.

“Tội ác đó đã vượt quá giới hạn và không thể dung thứ. May là nhà trường không muốn trầm trọng hoá sự việc lên thêm và đã quyết định không dính líu tới cảnh sát. Không ai phàn nàn về việc nhà trường sẽ truy ra vài người để nhận trách nhiệm khi lễ hội kết thúc… dĩ nhiên vì khi hết hội thì ai cũng có thể chối là họ chẳng biết gì cả. Vì vậy, khi thủ phạm vụ hoả hoạn còn chưa được tìm ra thì người duy nhất chịu trách nhiệm không ai khác chính là Sekitani Jun – người đứng đầu trên-danh-nghĩa của phong trào chống đối. Hồi đó việc đuổi một học sinh là chuyện rất dễ dàng, nhưng tuyệt vời thay đến phút chót anh Sekitani Jun vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Cô nhớ rằng câu hỏi của em là anh ấy có thực sự muốn trở thành tấm khiên cho toàn thể học sinh trong trường hay không phải không?”

Cô Itoikawa mỉm cười và nhìn vào tôi,

“Cô là nghĩ em đã biết câu trà lời rồi.”


Kết thúc câu chuyện dài cô Itoikawa đứng dậy, rót một chút nước sôi vào tách cà phê của cô và uống.

Chúng tôi im thin thít, có lẽ là vì không tìm được lời để nói. Tôi chỉ có thể thấy bờ môi của Chitanda mấp mé đôi chút mà không biết nhỏ muốn nói gì, phải chăng là “tệ quá” hay “độc ác quá”?

“Đấy, đó là tất cả những điều cô biết. Các em còn muốn hỏi gì không?”

Ngồi lại trên chiếc ghế xoay cô Itoikawa tiếp tục nói với giọng điệu bình thản. Câu chuyện ấy với cô quả thật chỉ là một quá khứ.

Ibara cuối cùng cũng lên tiếng : “Vậy thưa cô, điều em còn muốn biết chính là hình vẽ trang bìa của cuốn tập san đó…”

Cô Itoikawa gật đầu.

Hình vẽ minh hoạ của “Kem đá” là cảnh một con chó săn và một con thỏ cắn nhau giữa một vòng tròn gồm nhiều con thỏ đứng xung quanh. “Chó săn” chắc là tượng trưng cho nhà trường trong khi “thỏ” là các học sinh, và con thỏ đang đấu với chó săn ở giữa vòng tròn chính là Sekitani Jun.

Sau khi cô Itoikawa đưa ra câu trả lời đúng như đã dự đoán ấy, tôi hỏi cô : “Trong tất cả những dãy nhà ở trường Kami thì nhà tập võ có vẻ là cũ xưa nhất, đó là vì trước đây nó được xây lại phải không ạ?”

Tôi đã nhớ ra đó là cái nhà cũ kĩ mà Chitanda đã mải mê nhìn ngắm vào tháng tư, lần đầu chúng tôi gặp nhau.

“Đúng thế. Những trường công như chúng ta thì phải chờ đến khi mọi thứ gần hết đát thì mới được tu sửa. Mười năm trước tất cả dãy nhà đều được xây mới, trừ nhà tập võ vì trước đó đã được xây rồi.”

Đến lượt Satoshi nói với điệu bộ lễ phép : “Ưm, thưa cô. Em để ý cô chưa từng một lần gọi lễ hội văn hoá là ‘Hội Kanya’.”

Chủ đề bị thay đổi cái roẹt làm cô Itoikawa phải bật cười,

“Em cần phải hỏi à? Vẫn chưa nhận ra sao?”

“Hở?”

Hội Kanya…

Tôi đã hiểu, trong điện thoại bà chị đã bảo nó là một từ cấm của CLB Cổ Điển. Và dù có hơi trễ nhưng rốt cuộc tôi cũng hiểu tại sao nó lại bị cấm.

“Là bởi vì chú Sekitani Jun không hề muốn trở thành ‘người anh hùng’ phải không cô? Thế nên cô mới không gọi lễ hội bằng cái tên đó.”

“Fuku-chan, tên này nói vậy nghĩa là sao?”

Dù Satoshi vẫn cười trước khi trả lời nhưng cái cười của hắn khác với bình thường. Không phải một cái cười để đùa vui.

“ ‘Kanya’ không phải là cách đọc rút gọn của ‘Kamiyama’, mà nó là một cách phát âm khác từ Hán tự của ‘Sekitani’. Gần đây tớ mới phát hiện ra điều đó. Nói cách khác nó là biệt danh cho ‘lễ hội Sekitani’ – một cái tên vừa bịp được giáo viên vừa có thể tri ân người anh hùng của họ.”

Đến lượt Chitanda hỏi : “Thưa cô, vậy cô có biết vì sao cậu của em lại đặt tên tập san là ‘Kem đá’ không ạ?”

Tuy nhiên, lần này cô Itoikawa lại lắc đầu,

“Cái tên này có lẽ là một ý tưởng bất chợt của Sekitani-san khi anh ấy cảm thấy mình sắp bị đuổi học. Anh ấy từng nói là nó có nghĩa nhưng không thể trình bày trong trình trạng hiện thời. Ngoài ra cô không còn biết gì về nó nữa.”

… Cô không biết?

Cô thực sự không biết ư? Cả Chitanda, Ibara và Satoshi nữa, họ đều không biết ư?

Hiếm khi nào tôi cảm thấy tức giận như lúc này. Bây giờ tất cả những cảm xúc tôi đang có chỉ là nỗi bực tức khi không ai hiểu được thông điệp mà Sekitani Jun để lại. Không thể tin được! Không một ai nhận thấy một câu nói hiển nhiên như thế sao?

Chưa kịp nhận ra tôi thấy mình đã gằn giọng : “Mọi người không hiểu ư? Vậy nãy giờ nghe kể chuyện làm cái gì vậy? Để tớ nói thẳng : nó không hơn gì ngoài một phép chơi chữ đồng âm ngớ ngẩn!”

“Houtarou?”

“Sekitani Jun muốn để lại một thông điệp cho chúng ta, lớp hậu bối của CLB Cổ Điển, và chú đã để nó trong chính cái nhan đề của tập san. Chitanda này, cậu giỏi tiếng Anh không?”

Đột ngột bị gọi tên khiến nhỏ bối rối.

“Ơ? T – tiếng anh á?”

“Ừ, nhan đề ấy chính thông điệp bí mật. Như đã nói nó là một phép chơi chữ…”

Cô Itoikawa không tỏ ra sẽ phản ứng gì khi nhìn chúng tôi. Tôi tự hỏi cô có nhận ra… không… cô ấy phải nhận ra, nhưng vì lí do nào đó mà cô không nói. Không hiểu hoàn toàn nên tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của cô. Liệu đây phải chăng là một điều không để oang oang nói cho người ta nghe, hay sự im lặng này là một truyền thống của CLB Cổ Điển?

“Oreki-san đã nhận ra điều gì vậy?”

“Oreki à đừng bắt tụi này phải giải đố nữa, ông đã thực sự hiểu nó rồi phải không?”

“Nói luôn đi Oreki!”

Đã bao lần bị ép trả lời bởi ba người này rồi? Tôi thở dài khi chuẩn bị phần giải thích. Lần này thì không còn liên can tới may mắn hay là sáng kiến gì nữa, chỉ là việc truyền tải thông điệp của chú Sekitani Jun cho người khác.

Thế là tôi nói : “Thế ‘Kem đá’ là gì?”

Chitanda đáp : “Là nhan đề của cuốn tập san.”

“Tớ đang hỏi cái nghĩa cơ, bằng tiếng Anh.”

Satoshi chen vào : “Đây là từ chỉ ‘đồ lạnh’ – là ‘ice’ phải không? ‘Ice candy’?”

“Thử ‘ice cream’ xem.”

Ibara lên tiếng : “ ‘Ice cream’? Thế thì có nghĩa gì ở đây?”

“Thử sắp xếp lại một chút xem.”

Ôi trời ơi! Tại sao lúc nào cũng phải giải thích từ đầu đến đuôi thế này? Cố một lần hiểu tôi đi chứ!

“ ‘Ice cream’ tự nó chả có nghĩa gì cả, thế tớ mới bảo đó là chơi chữ!”

Satoshi suýt nữa phát ra từ “không biết” trước khi mặt hắn trắng bệch như không còn giọt máu. Tiếp đến là Ibara, nhỏ thốt lên : “A, đó!” với một bộ mặt khó chịu.

Cuối cùng, chỉ còn lại Chitanda là người không nhận ra. Một học sinh toàn diện thì chắc chắn phải giỏi tiếng Anh, nhưng có vẻ lần này nhỏ đã không nắm bắt được “cái toàn thể” của ngôn ngữ này rồi. Tôi chẳng còn lòng dạ để trêu nhỏ nữa...

Lấy ra bản copy lời mở đầu của cuốn tập san “Kem đá, tập hai”, tôi viết câu trả lời lên bằng cây bút mang theo.

“Đây là thông điệp mà cậu của cậu để lại.”

Chitanda gật đầu trong khi vẫn còn hơi bối rối.

Và khi nhận ra, hai đồng tử của nhỏ nở to bất chợt. “Ôi!” Nhỏ thốt lên rồi im lặng.

Sự chú ý của mọi người đều dồn về nhỏ.

Hai khoé mắt của Chitanda đã ướt. Đó là lúc tôi nhận ra những tháng ngày cố gắng của chúng tôi đã đâm hoa kết trái.

“… Tớ nhớ ra rồi,” nhỏ thì thào, “Bây giờ tớ đã nhớ ra! Ngày hôm đó tớ đã hỏi cậu vì sao cuốn tập san lại có tên ‘Kem đá’. Cậu chỉ trả lời rằng, đúng rồi, cậu bảo tớ phải mạnh mẽ lên!

Cậu muốn tớ phải cố gắng sống trong những lúc mình mềm yếu nhất, nếu không sẽ có lúc tớ gặp những biến cố … mà tớ không thể thét lên được nữa…”

Nhỏ quay sang nhìn tôi,

“Oreki-san, tớ đã nhớ hết rồi! Tớ đã khóc vì sợ ý nghĩ về việc sống một cuộc sống mà đang chết dần chết mòn bên trong… Ơn trời, giờ đây tớ có thể nhẹ lòng mà tiễn cậu ấy rồi…”

Nụ cười nở lên trên gương mặt nhỏ. Nhận ra mình đang rưng nước mắt nhỏ lấy tay dụi đi vài cái rồi lại nhìn vào tờ giấy tôi đang giữ. Trên đó đã viết ý nghĩa thực sự của ‘Kem đá’ - Ice cream.

I scream (tôi gào thét).


CHƯƠNG 8 : CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT CỦA CLB CỔ ĐIỂN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI[]

Thế là lễ hội văn hoá đã sắp đến. Nhìn ngắm bầu trời đầu thu từ ô cửa sổ phòng Địa Chất, tôi vẫn chẳng tin được là kì nghỉ hè đã kết thúc. Sau khi hiểu ra cảm giác nuối tiếc của chú Sekitani Jun để lại qua nhan đề ‘Kem đá’ CLB chúng tôi đã khởi động tiến trình làm tập san năm nay...

Nhưng hiện tại vẫn chưa đâu vào đâu cả.

Khi đang viết thư hồi âm cho bà chị, tôi được chứng kiến một cảnh tượng rất chi là bi thảm ở ngay bên cạnh.

“Một tí nữa thôi, tí nữa thôi mà! Sắp xong rồi.”

“Tuần trước cậu cũng nói như thế!”

Chịu trách nhiệm chính cho tập san là hội trưởng Chitanda, thế nhưng việc phân phối bài viết của từng người và liên hệ với nhà in lại thuộc về Ibara vì nhỏ đã có kinh nghiệm. Với thời gian biểu gắt gao của nhỏ mọi công việc trong kì xuất bản ‘Kem đá’ này đều tiến hành rất trôi chảy. Tôi chưa được xem bài viết của Ibara, nhưng kiểu gì nhỏ cũng viết như là cái bài cảm nhận về bộ manga kinh điển mà nhỏ từng kể (hình như tên là "Đất, Hư Vô, hay Con Số"… hay là cái kiểu gì đại loại vậy) dù tôi nghĩ nhỏ chỉ nói đại ra mà thôi.

Trong khi đó, bài viết chưa hoàn thành của Satoshi mà Ibara đang đốc thúc như điên đã được hắn mô tả là một câu chuyện dí dỏm liên quan tới nghịch lý Zeno[38], một sự liên quan rất chi là… tuỳ tiện. Đọc những ấn bản trước của “Kem đá” mới biết hoá ra họ đã viết đủ thứ thể loại trong đó. Dù vậy tôi vẫn nghĩ Satoshi đã có thể viết một thứ ra hồn hơn bất chấp hắn luôn miệng quả quyết thứ “nghịch lý cổ điển” của hắn đã được quốc tế công nhận là “cổ điển”. Cũng tội, công việc ở CLB Thủ Công và Hội Học sinh đã làm hắn quá tải và bây giờ trông hắn như phát rồ với phần phân công mới chỉ làm được chút ít. Hắn không giỏi viết lách, đó là một điểm yếu bất ngờ mà tới giờ tôi mới nhận ra.

Ibara vừa nhìn đồng hồ vừa đi qua đi lại quanh Satoshi, trong khi hắn thì cặm cụi viết với một nụ cười đau khổ. Vừa nhớ ra điều gì nhỏ liền quay sang tôi,

“Mà nè, Chi-chan đi đâu rồi? Tôi cần tham khảo với bạn ấy về kinh phí.”

Satoshi ngẩng mặt lên như muốn nói, nhưng ngay lập tức quay lại công việc bởi một cái trừng mắt của Ibara. Không còn cách nào khác tôi phải dừng bút mà trả lời : “Cậu ấy đến nghĩa trang.”

“Nghĩa trang?”

“Mộ của chú Sekitani Jun. Cậu ấy muốn viếng bằng bài văn đó để tỏ lòng tôn trọng những kí ức về chú ấy.”

“Bài văn đó” là chỉ cái kết luận mà chúng tôi đã viết lại về câu chuyện ba mươi ba năm trước, được viết bởi tôi với sự hỗ trợ cùa Chitanda. Tôi đã bỏ qua toàn bộ những phép tu từ không cần thiết và giữ cho bài văn xuôi mạch lạc nhất có thể.

“Ra là vậy.”

Ibara tiếp tục nói, giọng điệu nhỏ không tỏ ra mỉa mai như thường ngày:

“Thế Chi-chan còn nói gì không?”

“Không nói thêm gì hết.”

Tôi không hề nói dối. Cái ngày nhận bài văn của tôi trong lễ tang của chú Sekitani Jun và cả hôm nay khi quyết định đi thăm mộ lần nữa, nhỏ cũng không thể hiện chút cảm xúc gì. Tôi thì không nghĩ nhỏ giấu. Hôm ấy khi bức màn sự thật của “Kem đá” được vén lên Chitanda đã công nhận mọi khúc mắc đã được giải quyết, còn việc nhỏ có hoàn toàn chấp nhận hay không thì có trời biết.

“Ughh… Fuku-chan, tớ nhận thấy tay cậu vừa ngừng. Chúng ta chỉ còn năm phút!”

“Sao lại năm phút? Tàn nhẫn quá đi đó mà.”

Tôi chìm vào suy nghĩ khi hai người đó lại tiếp tục màn bi kịch. Sự kiện đó rốt cuộc không chỉ liên quan đến một mình Chitanda, cả Ibara và Satoshi cũng đã chung tay góp sức vào để tìm câu trả lời…

Thế còn tôi?

Tôi nhét lá thư vừa viết xong vào cặp, những làn gió mát rượi của mùa thu khiến hai mi mắt chỉ muốn sụp xuống. Có vẻ như không còn gì níu kéo ở lại xem cảnh tình tứ của Satoshi và Ibara, tôi nghĩ mình sẽ về nhà sớm.

Và rồi chuyện đó xảy ra...

Cửa mở và một người vừa bay vào phòng trông có vẻ rất vội vã. Đó chính là hội trưởng Chitanda của chúng tôi, nhỏ đang gục mặt xuống đất mà thở lấy thở để. Ba chúng tôi đều đứng hình trước sự xuất hiện đột ngột ấy. Sau khi nhịp thở trở lại bình thường nhỏ mới ngẩng mặt lên nổi.

“Ủa Chitanda-san, tưởng cậu tính đi tới nghĩa trang chứ?”

Nhỏ gật đầu trước câu hỏi của Satoshi,

“Đúng vậy. Nhưng mà, chỉ là có vài điều mình đang thắc mắc.”

Thắc mắc?

Tôi có một linh cảm không lành. Không, chẳng còn là linh cảm nữa, đó đã là “kinh nghiệm” cho tôi biết lại có chuyện sắp xảy ra. Vài nếp tóc của Chitanda bóng lên vì mồ hôi và mặt nhỏ vẫn còn hơi đỏ, trong khi đôi mắt long lanh kia lại tràn trề sức sống. Đó là dấu hiệu cho “thứ đó” sắp sửa bùng nổ.

“Chi-chan đang thắc mắc cái gì vậy?”

Làm ơn đừng hỏi nữa! Tôi tự nói với bản thân khi Chitanda quay lại và chuẩn bị rời khỏi phòng…

Đó ít nhất là những gì tôi đã mong đợi, bởi vì không thứ gì có thể lọt ra ngoài tầm mắt của nhỏ. Tôi nhận ra cổ tay mình đã bị nắm chặt.

“Đi nào Oreki-san! Chúng ta vẫn còn kịp nếu chạy tới sân tập bắn cung.”

“Gì vậy, sao đường đột thế?”

Dù biết là vô vọng nhưng tôi vẫn cứ phản kháng. Nhưng kì này nhỏ lắc đầu trước yêu cầu được giải thích của tôi,

“Cậu sẽ hiểu vấn đề nhanh hơn khi nhìn thấy.”

Đúng là vô vọng. Một khi Chitanda đã quyết việc gì thì cách tiết kiệm năng lượng nhất là làm theo ý nhỏ. Nhìn chúng tôi Satoshi mỉm cười trong khi Ibara thì chỉ nhún vai. Đành vậy, tôi đồng ý:

“Rồi rồi, tớ đi. Gấp gáp vậy tức là như thế đúng không?”

Chitanda khựng lại và quay lại. Với đôi mắt to tròn dán chặt vào tôi, nhỏ đáp nhẹ nhàng:

“Vâng, đúng thế… tớ rất là hiếu kì.”


CHƯƠNG 9 : THƯ GỬI TỚI SARAJEVO[39][]

Chào chị,

Em hồi âm vì có vài điều muốn hỏi. Đành phải tin tưởng cái khách sạn đưa được lá thư này đến tay chị.


Chị biết CLB Cổ Điển nhiều đến mức nào?

Tại sao lại muốn em gia nhập?

Chị thừa biết lối sống của em thế nào phải không? Vậy mà từ khi vào trường này em đã bị vây quanh bởi Satoshi và những người bạn chị chưa gặp lần nào. Quan sát lối sống của họ quá khá biệt so với mình làm em cảm thấy không thoải mái, đó là cảm giác mà nếu không gia nhập CLB Cổ Điển thì em đã không có. Nếu không gia nhập CLB Cổ Điển có lẽ em đã không bao giờ nghi vấn chính nguyên tắc sống của mình.

Phải chăng đó là những gì chị mong đợi, mong em thay đổi?


Kế đến là “Kem đá”.

Em gia nhập CLB Cổ Điển vì một lá thư đến từ Benares của chị, rồi kiếm cái hộp sơ cứu trong phòng Sinh Học vì một bức thư khác từ Istanbul, nhưng không chỉ có thế. Từ lúc cái hộp ấy được mở em đã bị đặt vào tình thế phải giải quyết bằng được sự thật liên quan đến chú Sekitani Jun ba mươi ba năm về trước...

Nói cho gọn là, học sinh của ba mươi ba năm trước đã có cuộc sống quá dư thừa năng lượng và ngập tràn trong sự sôi động. Cái thứ gọi là “cuộc sống hoa hồng” có lẽ đã nảy nở từ lối sống ấy và từ chính “Kem đá”. Khi khám phá ra cốt lõi của sự việc em nhận ra mình không còn cảm thấy không thoải mái như trước. Em sẽ không bảo lối sống của mình là tốt, nhưng giờ em đã biết là nó không tệ.

Chị à,


Không, không thể được.

Sẽ là một lời nói đùa tệ hại nếu bảo rằng chị đang cố tình điều khiển tâm trí của em, vì điều đó chắc chắn là không thể.

Mà thôi, hết rồi đó. Em đã viết ra tất cả những gì hiện thời có thể kể đến, nghĩ thêm nữa sẽ rất là tốn năng lượng.


Đi chơi vui vẻ.


Mến,

Houtarou


Tái bút : cám ơn vì lời khuyên.

~ The niece of time ~[40]


LỜI BẠT[]

Xin chào, tôi là Yonezawa Honobu. Khoảng 60% nội dung trong tiểu thuyết này là giả tưởng thuần tuý, còn lại thì dựa trên những sự kiện lịch sử. Những câu chuyện trong Hyouka đều dựa trên những mẩu tin tức đời thường có thể tìm thấy trên báo.

Nói thêm một chút về việc kết hợp những chi tiết giả tưởng với sự kiện lịch sử. Ai cũng hiểu rõ phần giả tưởng là phần bạn có thể tự do phóng tác còn phần lịch sử thì không. Tuy nhiên trong tiểu thuyết này, khi đã có một điểm tựa lịch sử vững chắc thì tôi lại gặp khó khăn trong việc xử lý phần giả tưởng.

Để hoàn thành một câu truyện người viết cần phải mường tượng được hết đường đi của mạch truyện. Về điểm này tôi nghĩ bộ phim Cô phù thuỷ tuổi teen Sabrina đã từng được chiếu trên kênh NHK-E đã làm tốt hơn tôi. Quyển sách các bạn đang cầm trên tay sẽ không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người. Đặc biệt là Yamaguchi-san và Nakai-kun, hai người đã cung cấp những gợi ý quan trọng vào phút chót. Saitou-san, người đốc thúc tôi phải cố gắng làm cho câu truyện này trở nên thú vị. Tada-san, người đã luôn kiên nhẫn chờ đợi tôi từ đó đến giờ. Akiyama-kun, người chưa từng chán việc khuyên bảo tôi đứng bao giờ tự mãn.

Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến những người này. Cám ơn các bạn. Cũng sắp đến mùa có cá đuôi vàng rồi, mong rằng các bạn có thể đến chơi và cùng tôi ăn một bữa sushi. Tiếp theo.

Với tất cả những người thuộc uỷ ban chọn lọc đã trao cơ hội cho tiểu thuyết này, từ S-san người đảm nhiệm mọi việc cho đến Uesugi-san người đã thiết kế trang bìa (trong lần xuất bản đầu tiên), Hyouka cũng sẽ không tồn tại nếu không có sự cống hiến của các bạn. Xin gửi đến các bạn niềm cảm kích sâu sắc nhất của tô Cơ mà, một ngày nọ anh bạn của tôi mời tôi đi ăn sushi. Sushi ở quán đó hợp vói túi tiền nên tôi đã rất vui khi anh ấy đề nghị chở tôi đến đó. Tuy vậy khi chạy xe trông anh không có vẻ vội vã như tôi.

Sắp tới giờ ăn tối, và bãi đậu xe của quán đã đầy nghẹt. Nói thật, lúc đó tôi cực kì khó chịu, bời vì dù tôi có hối thế nào thì anh ấy cũng chỉ nhoẻn miệng cười mà tiếp tục cho xe đi chậm.

Tôi biết anh ấy không phải loại người thích trêu chọc người khác, trái lại anh ấy còn là mẫu người thận trọng và nghiêm túc. Không biết hôm đó có cái gì nhập vào ảnh nữa. Có lẽ vào một dịp nào đó trong tương lai tôi sẽ biết.

Và cho đến lúc đó, xin cám ơn các bạn đọc.


Yonezawa Honobu


Ghi chú[]

  1. Một trong bốn thánh địa Phật Giáo ở Ấn Độ.
  2. Thủ đô của Ấn Độ
  3. Học thuyết cho rằng quan niệm là công cụ cho hành động, bởi đó tùy hữu dụng hay không sẽ khẳng định hay phủ định giá trị chân lý của nó
  4. Còn gọi là Judo, là môn võ sử dụng đòn vật, quét chân và đè.
  5. Còn gọi là Aikido, là môn võ lấy nhu chế cương, lợi dụng sức mạnh của đối thủ để chống lại đối thủ.
  6. Còn gọi là Taiho-jutsu, là môn võ được huấn luyện cho cảnh sát bên Nhật, đòn tiêu biểu là bẻ ngược tay.
  7. Một thể loại hát nhóm, trong đó những nhịp điệu được tạo ra bởi chính giọng hát của mỗi người.
  8. Tiếp hậu ngữ thông dụng nhất của người Nhật, dùng để xưng hô giữa những người mới gặp, không quá thân thiết hoặc địa vị xã hội không quá cách xa nhau. Khi thân hơn người ta sẽ dùng các tiếp hậu ngữ khác hoặc không dùng, rất thân thì mới gọi bằng tên (Oreki, Chitanda là họ).
  9. Tắc-te (starter) hay còn gọi là "con chuột" là thiết bị hình trụ gắn trên đèn huỳnh quang, có chức năng phóng điện để làm phát sáng chất huỳnh quang trong bóng đèn.
  10. Một thiên anh hùng truyện gồm 106 hồi được viết bởi nhà văn Kyokutei Bakin từ năm 1814 đến 1842, kể về những chuyến phiêu lưu của tám người samurai mà trong tên của họ đều có chữ “tuất”. Phần cuối của tác phẩm được viết bởi con dâu Michi theo lời kể của ông do lúc này ông đã bị mù.
  11. Một tuyển tập gồm 9 câu chuyện có tính chất kì ảo được biết bởi nhà văn Ueda Akinari, xuất bản năm 1776.
  12. Một câu chuyện mà các tác giả lẫn thời điểm sáng tác đều không được xác định rõ, nội dung bao quát từ năm 850 đến 1025 – thời thịnh vượng của gia tộc nhiều thế lực Fujiwara.
  13. Một tiếp hậu ngữ sử dụng thường dùng sau tên con gái trong quan hệ thân thiết hơn “san”, nhưng giữa bạn bè thì có thể dùng tự do. “Chan” cũng có thể dùng với thái độ châm chọc những bạn nam ẻo lả, nhỏ nhắn giống con gái.
  14. Ở đây Houtarou hỏi Satoshi cách viết Hán tự (Kanji) của từ "Kanya", bởi phần lớn từ tiếng Nhật phải biết cách ghi Kanji thì mới luận ra nghĩa được.
  15. Là ngành nghiên cứu nguyên gốc của từ ngữ (thuộc họ ngôn ngữ nào, nghĩa gốc, lịch sử phát triển v.v…)
  16. Bản dịch tiếng Anh đã tự đổi lại để hợp với lối chơi chữ gần âm (Jurassic (khủng long) => Classic (cổ điển)).
  17. (Tiếng Anh gọi là cursive style) Một lối viết Hán tự sử dụng rất ít nét, thường thấy trong lối viết thư pháp.
  18. Thành phố lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
  19. Một loại khổ giấy ít thông dụng hơn khổ A. Kích cỡ của khổ B tuân theo quy luật : chiều rộng bằng trung bình nhân hai kích thước của khổ A tương ứng, chiều dài bằng căn2 lần chiều rộng (giống như khổ A, chia đôi chiều dài của 1 tờ giấy khổ B(n) sẽ tạo ra 2 tờ khổ B(n+1)). Ví dụ khổ A0 có kích cỡ là 841x1189 thì chiều rộng của khổ B0 bằng căn2 của (841*1189) và chiều dài bằng 1000*căn2, vậy kích cỡ của khổ B0 là 1000x1414. Khổ B1 có kích cỡ 707x1000.
  20. Một nhãn hiệu đồ dùng học tập nổi tiếng của Nhật.
  21. Có thể là câu nói “Thịt thỏ hết chó săn bị mổ” ("Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh”), lấy điển tích từ việc công thần Hàn Tín giết viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương (Hạng Vũ) là Chung Ly Muội để dâng cho Lưu Bang, bị Lưu Bang kết tội làm phản và bắt trói nhưng đến Lạc Dương thì được thả và chỉ bị giáng chức.
  22. Nguyên bản là “hyouka”. Hyouka có nghĩa khá rộng là “đồ ăn lạnh”, ở đây người dịch sử dụng từ “Kem đá”.
  23. Một tiếp hậu ngữ để gọi đàn anh hay đàn chị lớn hơn, tương ứng cách gọi “Anh A, chị B” thì người Nhật sẽ gọi là “A-sempai, B-sempai).
  24. Nguyên bản là Mandala (mand: tác riêng, điểm tô; la: vũ trụ) là một đồ hình vũ trụ thu nhỏ, bố cục gồm các vòng tròn với một vòng lớn ở tâm và các vòng khác xung quanh, tuỳ vào phân loại thì các vòng tròn có thể là hình các Đức Phật và Bồ Tát, có thể là biểu tượng, các động tác, hành trạng của Phật và Bồ Tát…
  25. Nguyên gốc là “Mama-chari” (Mama là mẹ, chari là tiếng lóng chỉ xe đạp), là loại xe đạp có một cái giỏ lớn ở phía trước có thể đặt vừa 1 em bé trong trường hợp người mẹ cần phải đi đâu đó.
  26. Houtarou đang nghĩ về câu nói của nhà cách mạng Dân chủ nổi tiếng Tôn Trung Sơn.
  27. Vẩy nước (Uchimizu) là một phong tục của người Nhật vừa mang ý nghĩa tâm linh về sự hoà hợp chân-thiện-mỹ, vừa mang ý nghĩa thiết thực là làm dịu mát mặt đất và chống bụi bay lên. Việc vẩy nước được thực hiện bằng một cái xô nhỏ và một cái môi (còn gọi là mui, đồ múc nước) đều có dạng hình trụ thon.
  28. Theo truyền thống Nhật Bản, người ngồi đối diện với Chủ toạ phải là khách quan trọng nhất (nếu khách là ngang hàng thì không ai được ngồi ở đó) và người khách này chắc chắn phải giữ phép lịch sự tối đa với Chủ toạ.
  29. Một phong trào lớn tại Nhật thời kì sau Thế Chiến thứ hai, thể hiện mong muốn mạnh mẽ của giới học sinh, sinh viên Nhật Bản muốn xoá bỏ lạc hậu và đón chào cái mới.
  30. Yakuza là tầng lớp xã hội đen ở Nhật, tương đương với Mafia nhưng được hợp pháp hoá.
  31. Ở đây người dịch không dùm cụm từ nguyên bản mà chỉ lấy ý tương đương.
  32. Mossad là Cơ quan tình báo của Israel chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, chống khủng bố và tiến hành các chiến dịch bí mật khác.
  33. Hiện Pristina là thủ đô của Cộng hoà Kosovo. Tiểu thuyết này xuất bản năm 2000, trước khi Kosovo tách khỏi Yugoslavia và trở thành một quốc gia độc lập (2008).
  34. Tiếng Anh là Maiden Name, là tên khai sinh của một người con gái bị thay đổi khi lấy chồng (cần phân biệt với Married Name – thường chỉ việc họ của người vợ bị đổi thành họ của chồng), mỗi quốc gia có một phong tục riêng nên Maiden và Married Name có thể là một hoặc khác nhau. Người Nhật sử dụng cả hai cách đổi, trong trường hợp này cô Itoikawa đã đổi tên chứ không đổi họ.
  35. Một lần nữa người dịch chỉ lấy ý tương đương, không dịch sát nghĩa.
  36. Một tiếp hậu ngữ thường dùng sau tên một người con trai trong quan hệ thân thiết hơn “san”. Ngược lại với “chan”, “kun” có thể dùng cho những bạn nữ có cá tính mạnh mẽ và bạo dạn như con trai. Giáo viên thường dùng “san” cho nữ sinh và “kun” cho nam sinh.
  37. Một kiểu rút thăm, các cây que trong đó có một cây ngắn hơn sẽ được một người nắm chặt chỉ để lộ nửa bên trên bằng nhau (người khác sẽ không biết que nào ngắn hơn vì nửa dưới đã bị che bởi bàn tay), sau đó những người khác lần lượt rút 1 que, người rút phải que ngắn sẽ phải làm những việc đã được thoả thuận trước.
  38. Theo nghĩa rộng thì đây là 9 nghịch lý bao gồm nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực Triết học của triết gia Hy Lạp Zeno xứ Elea. Theo nghĩa hẹp thì đây là nghịch lý nổi tiếng nhất “Achilles và con rùa” của ông - cho rằng nếu Achilles và con rùa chạy thi và nếu Achilles xuất phát sau rùa thì sẽ không bao giờ đuổi kịp được rùa. Nghịch lý này có thể được chứng minh bằng giới hạn.
  39. Thủ đô và là thành phố lớn nhất của cộng hoà Bosna và Hercegovina, đây là nơi diễn ra vụ ám sát thái tử Áo-Hung Ferdinand dẫn đến sự bùng nổ Thế chiến thứ nhất năm 1914.
  40. Mỗi tập của “Hội Cổ Điển” đều có hai tựa đề : một tựa đề ở đầu truyện (trong tập này là Hyouka – Kem đá) và một tựa đề phụ bằng tiếng Anh có liên quan đến một tác phẩm văn học. “The niece of time” nghĩa là “người cháu gái của thời gian”, lấy từ tác phẩm “The daughter of time” (người con gái của thời gian) được nhà văn Josephine Tey viết năm 1951. Nguyên bản thì ở tập này tác giả đặt tựa đề tiếng Anh là “You can’t escape” nghĩa là “Không thể thoát đâu”, nhưng từ lần tái bản thứ 28 đã được đổi thành “The niece of time”.

Theo dõi & Thanh chuyển trang

Bỏ theo dõilatest?cb=20190220103837&format=originalbộ truyện này
 ♬   Hyouka   ♬► Xem tiếp Tập 2



Lưu Pocket Xuất PDF
Pocket_Image.png Print_page.gif
Advertisement