Sonako Light Novel Wiki
Advertisement
BÁCH KHOA TOÀN THƯ SENSHA GAKUEN
CHƯƠNG 1: LỊCH SỬ CHIẾN XA ĐẠO

Đừng khinh thường quyển từ điển này nhé các bạn. Kurogane trước khi trở thành tổng chỉ huy liên minh Naha-Oarai cũng phải bị Soujirou lấy quyển này để mài dũa đấy.

1. Lời nói đầu[]

Chiến xa đạo là một môn thể thao chủ chốt cấu thành nên bối cảnh và thế giới của Sensha Gakuen, ảnh hưởng của nó bao trùm cả thế giới và còn giữ vai trò rất quan trọng, đôi khi là gắn liền đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Lịch sử của Chiến xa đạo là cả một quá trình nghiên cứu, sàng lọc với vô số những dữ kiện quan trọng hình thành nên bộ mặt của Chiến xa đạo hiện đại với nhiều trường phái ra đời. Nghiên cứu Chiến xa đạo cũng vì thế, là sự kế thừa, chọn lọc và đúc kết lại để hiểu rõ được quy luật vận động và phát triển của bộ môn thể thao này.

2. Lịch sử hình thành và phát triển[]

Chiến xa đạo (tiếng Anh: Tankery; tiếng Nhật: Sensha-dõ) hiện đang có những tranh cãi giữa những học giả về sự xuất hiện của bộ môn này hoặc là nền móng cho nó vào thời sơ khai, tuy nhiên có một số giả thiết rằng Chiến xa đạo đã manh nha hình thành khi mà con người biết sử dụng đến xe ngựa trong chiến tranh. Theo một số nghiên cứu khảo cổ và sử học cho thấy rằng xe ngựa đã ra đời ở Lưỡng Hà vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên và đã được áp dụng trong chiến tranh. Để huấn luyện cho binh sĩ điều khiển những cỗ xe ngựa này một cách hiệu quả, các tướng lĩnh đã thông qua những chương trình huấn luyện đặc biệt và một trong số đó là tiền đề cho bộ môn Chiến xa đạo ngày hôm nay.

Qua lịch sử, Chiến xa đạo chính thức được thành lập vào ngày 10 tháng 1 năm 1920 bên cạnh Hội Quốc Liên như là một hệ quả từ sự xuất hiện của xe tăng trong cuộc đại chiến này. Với mục đích là nhằm hạn chế chiến tranh và rèn luyện con người, môn thể thao này nhanh chóng phát triển ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới bằng nhiều hình thức như thi đấu hữu nghị, tranh giải quốc tế và mậu dịch liên quan đến bộ môn Chiến xa đạo (mua bán, sửa chữa, cung cấp và tiếp tế,...). Vừa là sân chơi, Chiến xa đạo vừa là đại diện cho nền công nghiệp quốc phòng và bộ mặt của quốc gia với việc đưa vào những mẫu xe tăng thử nghiệm và kiểm chứng nó qua những trận chiến dưới cái tên Chiến xa đạo.

Qua Thế chiến thứ Hai, nhân loại đã chứng kiến sự phát triển khủng khiếp của công nghệ chiến tranh và thật không may Chiến xa đạo đã góp phần trong việc phát triển nên những thứ vũ khí tân tiến với sức hủy diệt ngày càng cao độ. Vì vậy, Chiến xa đạo đã bị tái cơ cấu sau những quyết định trong ngày họp đầu tiên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và đây là đánh dấu cho sự phát triển của bộ môn thể thao này trong thời hiện đại. Và theo các sử gia nghiên cứu về Chiến xa đạo, họ thống nhất chia thời gian hình thành và phát triển làm ba thời kỳ:

-Sơ khởi Chiến xa đạo: 1920 - 1925

-Mười năm Vinh quang: 1929 - 1939

-Hậu Chiến xa đạo: 1945 - nay

Qua đó, bối cảnh trong Sensha Gakuen là nằm trong thời kỳ Hậu Chiến xa đạo. Và đặc trưng của quá trình phát triển của ba thời kỳ được tóm tắt như sau:

+Sơ khởi Chiến xa đạo: Các thể chế thi đấu và chủng loại xe tăng còn hạn chế trong một phạm vi chiến đấu hẹp, tuy có sự phát triển trên khắp thế giới nhưng thật sự không đồng đều, nhiều vùng lãnh thổ là thuộc địa phải tuân theo kiểu mẫu tổ chức của chính quốc vì vậy không tạo được bản sắc rõ ràng của các đội thi đấu trên khắp thế giới.

+Mười năm Vinh quang: Chiến xa đạo phát triển cực thịnh ở châu Âu với việc một loạt cải cách quan trọng cùng sự xuất hiện rộng rãi của các ngành dịch vụ hỗ trợ. Từ đây xe tăng phục vụ cho thi đấu trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở các quốc gia phát triển. Trong giai đoạn này Chiến xa đạo ảnh hưởng sâu rộng đến cả giới quân sự với một loạt học thuyết sử dụng xe tăng ra đời mà nổi tiếng nhất là học thuyết "Blitzkrieg" của Heinz Guderian được xem là cha đẻ của học thuyết xe tăng hiện đại.

+Hậu Chiến xa đạo: Chiến xa đạo chịu một loạt thay đổi lớn mà trong đó có việc trở thành một môn thể thao chỉ dùng để rèn luyện nữ giới. Cùng với sự xuất hiện ồ ạt của các trường tư thục là những hàng không mẫu hạm được biến thành các đô thị nổi phục vụ cho mục đích dân sinh, Chiến xa đạo ngày càng bị phân hóa và có một ranh giới rõ rệt giữa nam và nữ tham gia bộ môn này. Nhiều học thuyết và trường phái Chiến xa đạo tiếp tục xoáy sâu vào ranh giới phân biệt đối xử, hệ quả là tình hình Chiến xa đạo thế giới có những biến động phức tạp định hình cho thế phân cực như ngày nay.

3. Đặc trưng của thời kỳ Hậu Chiến xa đạo[]

a) Sự phân hóa của Chiến xa đạo: Hai nhánh nam và nữ ra đời

Sau Thế chiến thứ Hai, phiên tòa Nuremberg đã kết án Chiến xa đạo như một bộ môn kích động chiến tranh và bắt buộc Liên đoàn Chiến xa đạo quốc tế phải cải tổ nếu không muốn bị giải tán. Để thực hiện điều này, liên đoàn đã quyết định:

-Cải tổ toàn diện Chiến xa đạo.

-Trừng trị các tội phạm chiến tranh.

Quyết định là thế, nhưng khi thực hiện thì lại nảy sinh ra một vấn đề khác. Đó là nội bộ Chiến xa đạo bắt đầu đổ lỗi cho nhau, trong đó có một lý do cáo buộc rằng phái nam của Chiến xa đạo đã kích động chủ nghĩa phát xít và có liên quan mật thiết đến Đức Quốc Xã của Hitler qua bằng chứng là nhiều tội phạm chiến tranh bị kết án tại Nuremberg đều đã từng tham gia Chiến xa đạo. Như một điều tất yếu, Chiến xa đạo nam bị công kích là lò đào tạo nên tội phạm chiến tranh và chịu những lời lên án nặng nề từ phía dư luận. Đồng thời, bên cạnh làn sóng đấu tranh đòi bình đẳng giới ngày một leo thang, các lãnh đạo nữ của Chiến xa đạo đã nhân cơ hội này quảng bá hình ảnh của họ đối lập hoàn toàn với bên nam, là lực lượng hòa bình, hướng tới tiến bộ và mục tiêu giáo dục con người. Nhờ sự đấu tranh bền bỉ này mà phong trào bình đẳng giới đã có những bước tiến dài trong những thập niên Chiến tranh lạnh và đồng thời tạo nền tảng cho giai đoạn thứ hai của Chiến xa đạo.

Tuy có nhiều thành tựu tiến bộ nhưng việc đề cao tính nữ của Chiến xa đạo bên cạnh việc đấu tố, phê phán công khai và cấm đoán quan hệ với các thành viên nam đã tạo ra một mâu thuẫn lớn chia rẽ nam nữ tham gia bộ môn thể thao này. Lợi dụng tình hình quốc tế, những cấp lãnh đạo nữ của Chiến xa đạo đã bán đứng những người đồng đội nam của mình năm xưa, sẵn sàng chụp mũ họ là tội phạm chiến tranh và sử dụng nhuần nhuyễn chiêu bài này trong việc thanh trừng nội bộ để nhằm vụ lợi cá nhân. Vì vậy, trong vòng hơn năm thập kỷ nền Chiến xa đạo thống nhất đã bị chia rẽ thành hai trường phái nam và nữ riêng biệt.

b) Mâu thuẫn nội tại: Bất bình đẳng giới và mâu thuẫn giai cấp

Bước vào giai đoạn thứ hai của thời kỳ Hậu Chiến xa đạo, sự phân hóa giữa hai nhánh nam và nữ đã sâu sắc đến độ tự thân nó trở thành hai giai cấp. Trong đó, Chiến xa đạo nữ thì được công nhận là một môn thể thao hoàn hảo giáo dục cho sự nữ tính cùng những tiêu chuẩn để trở thành một người phụ nữ tiến bộ, được ưu đãi nhiều đặc quyền từ nhà nước thậm chí còn tham gia sở hữu tư liệu và trở thành bộ mặt xã hội hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2010 thì Chiến xa đạo nữ có tổng tài sản chiếm 9.5% tổng GWP; tức tổng sản phẩm thế giới, tương đương hơn 5900 tỷ USD và có mặt tại hơn 136 quốc gia và vùng lãnh thổ). Phối hợp chặt chẽ với những ngành công nghiệp nặng cùng công nghiệp phụ trợ, môn thể thao nào đã trở thành đầu tàu phát triển kinh tế mạnh mẽ ở nhiều quốc gia mà tại đó một số trường phái Chiến xa đạo đã ra đời với mục đích phục vụ cho lợi ích kinh tế này.

Song song với sự phát triển rực rỡ đó thì hầu như mọi thành quả lao động của Chiến xa đạo nam đều bị tước đoạt và phủ định sạch trơn. Suốt nhiều thập kỷ bị choáng ngộp bởi những hình ảnh nữ tính và lãng mạn, dư luận xem nam thanh niên tham gia Chiến xa đạo như một hiện tượng dị biệt của xã hội và kỳ thị rất nặng nề bên cạnh các chính sách hỗ trợ và ưu đãi tồi tệ và thậm chí còn không có (theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới Liên Hiệp Quốc thì mức trợ cấp xã hội trung bình của Chiến xa đạo nam bao gồm tiền lương, bảo hiểm, đãi ngộ, phụ cấp khác,.v.v. cho một thành viên kém hơn nữ 15 lần, có nơi cá biệt lên đến 115 lần hoặc không có số liệu vì tất cả chế độ trên đều không tồn tại; ngoài ra, theo khảo sát ở những thành phố lớn thuộc các quốc gia có phổ biến Chiến xa đạo rộng rãi thì 63% người dân đều tỏ ý e ngại khi nói về Chiến xa đạo nam, 21% thì có ác cảm công khai, 10% trung lập, duy chỉ 6% là ủng hộ). "Chủ nghĩa phát xít, làn sóng đỏ, lực lượng bảo thủ,..." là những danh xưng thường thấy khi nói đến nhánh Chiến xa đạo nam và nó ám ảnh tâm trí mỗi người dân về một lực lượng cực hữu, cực đoan, phản động bậc nhất cần phải được loại ra khỏi xã hội vì "đây là rào cản cho quá trình toàn cầu hóa".

Để duy trì quyền thống trị của mình, Chiến xa đạo nữ cấu kết rất chặt chẽ với chính quyền tại các quốc gia, việc nhiều nữ chính khách có xuất thân từ Chiến xa đạo đã nói rõ điều này (năm 2009, tại Nhật có bốn nữ bộ trưởng cùng một phó thủ tướng và bốn người trong số họ đều xuất thân từ Chiến xa đạo). Bên cạnh việc thao túng chính trường, họ dùng sức mạnh của liên minh cầm quyền để thực hiện những chính sách có lợi cho họ và quyết tâm tiêu diệt tận gốc Chiến xa đạo nam với những lý do đã kể trên. Về kinh tế, Chiến xa đạo nữ có một liên doanh độc quyền mạnh liên kết các ngành công nghiệp trong vùng để cung cấp nguyên, nhiên liệu cần thiết cũng như phục vụ cho việc kiểm soát thị trường và các nguồn tài chính (tại Tokyo, hơn một nửa ngân hàng lớn với 3/4 số cổ phần đều nằm trong tay các trường nữ sinh chuyên đào tạo lực lượng Chiến xa đạo lớn).

Tựu chung lại, giai đoạn 2 của thời kỳ Hậu Chiến xa đạo là đánh dấu cho sự hình thành của hai giai cấp nội tại trong Chiến xa đạo với một mâu thuẫn chung nhất.

c) Phong trào đòi bình đẳng, cách mạng Chiến xa đạo lan rộng và ngày một có ảnh hưởng lớn

Trong thời gian gần đây, việc suy thoái, khủng hoảng kinh tế kéo dài đã gây ra những biến động không nhỏ cho tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới và Chiến xa đạo cũng không phải là ngoại lệ. Chính việc này đã làm lung lay phần nào niềm tin của quần chúng về sự trường tồn và tính chân lý của Chiến xa đạo nữ trong khi Chiến xa đạo nam thì tận dụng nhiều cơ hội này để vùng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho mình.

Năm 2010, Nhật Bản định thông qua đạo luật 32/01 với quyết định đóng cửa toàn bộ Chiến xa đạo nam và xác lập môn thể thao này là thuần nữ tuyệt đối. Đáp trả lại, Chiến xa đạo nam đã tổ chức bãi công, bãi khóa đồng loạt trên toàn quốc, đồng thời huy động lực lượng của mình để tuần hành và biểu tình dọc các đại lộ lớn ở thủ đô Tokyo khiến đạo luật này bị hủy bỏ. Trong khi đó ở châu Âu, liên minh cầm quyền ủng hộ Chiến xa đạo nam giành thắng lợi quyết định trong những cuộc bầu cử ở Hy Lạp và Ý, buộc Chiến xa đạo nữ phải nhượng bộ và thi hành nhiều chính sách tiến bộ. Ở châu Mỹ, Đảng Cộng sản Mỹ tuyên bố Chiến xa đạo nam nước này "là đồng chí" và hai bên tuyên bố sẵn sàng sát cánh với nhau trong phong trào phản chiến, đấu tranh vì quyền lợi người da màu và người lao động trong khi ở phía Nam thì Cuba, Venezuela và Brazil trỗi lên như những đầu tàu Chiến xa đạo với tinh thần bình đẳng, bác ái và tiến bộ đã và đang thu hút quần chúng tham gia đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Tuy nhiên, triển vọng cách mạng và thực tế đấu tranh vẫn còn là khoảng cách rất to lớn. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Chiến xa đạo nữ đã tìm mọi cách để đàn áp phong trào trên nhiều mặt kinh tế, chính trị, an sinh xã hội. Các lực lượng tham gia vì sợ bị mất quyền lợi, mất việc, đuổi học, tẩy chay khỏi cuộc sống nên đã không dám ủng hộ mạnh mẽ các phong trào; thậm chí Chiến xa đạo nữ còn lợi dụng sự dao động này để lôi kéo họ, biến họ trở thành lực lượng phản cách mạng nguy hiểm. Thứ hai, tuy đã giành được một số thắng lợi nhưng Chiến xa đạo nam vẫn còn manh mún lẻ tẻ, chưa hình thành nên một hệ thống có tính quốc tế hoặc thậm chí ở nhiều nước còn có xung đột với nhau về ý thức hệ và có những tranh chấp rất gay gắt. Thứ ba, Chiến xa đạo nam hiện đại chỉ mới nổi lên như một phong trào tự phát, là kết quả của quá trình bóc lột có hệ thống của nhánh nữ chứ chưa có một hệ tư tưởng dẫn dắt nên khi đối diện với việc bị đàn áp thì rất nhanh chóng suy sụp ý chí chiến đấu và nhanh chóng lung lay, thế là tan rã; đó là kịch bản thường thấy ở các phong trào đã thất bại trong thời gian qua.

Advertisement